Ngành Kế hoạch và Đầu tư cần làm tốt hơn nữa công tác điều phối kinh tế vĩ mô
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Kế hoạch và Đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào ngày 28-12. Tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được trong năm 2024 của ngành Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, trong năm, toàn ngành đã chủ động tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền những giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ tối đa thời cơ để phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước… Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành 61/61 đề án được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm 2024; tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 5 nghị quyết, 2 luật; tham mưu sửa đổi Luật Doanh nghiệp, xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế…; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi, gia tăng niềm tin và khơi dậy tinh thần kinh doanh, tinh thần sáng tạo và bản lĩnh của doanh nghiệp. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách phát huy mô hình kinh tế mới (kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn...); đẩy mạnh liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững…
Riêng tại Khánh Hòa, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ước tăng hơn 10% so với năm 2023, xếp thứ 7 cả nước và xếp thứ 2 vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản. GRDP bình quân đầu người ước đạt hơn 101 triệu đồng/người/năm (tăng 14,3%); tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.000 triệu USD (tăng 14%); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt hơn 80.500 tỷ đồng (tăng 13,1%)… Sự phát triển này có sự đóng góp rất lớn của ngành Kế hoạch-Đầu tư và Thống kê.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao những kết quả ngành Kế hoạch và Đầu tư đạt được trong năm 2024. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang gần 80 năm, phát huy tinh thần 5 "tiên phong", "đổi mới tư duy, nghĩ sâu làm lớn, nhìn xa trông rộng", làm tốt hơn nữa trong công tác điều hành kế hoạch và điều phối kinh tế vĩ mô, xây dựng kịch bản tăng tốc, bứt phá, huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững, khai thác các không gian phát triển mới, không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị thời gian tới, toàn ngành cần tập trung nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế về thu hút đầu tư, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tiễn, định hướng phát triển của đất nước; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng; công khai, minh bạch trong kêu gọi đầu tư, đấu thầu thực hiện các dự án, tránh để xảy ra tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, tham ô trong công tác này. Tham mưu Chính phủ phương án huy động mọi nguồn lực của xã hội để đầu tư phát triển nền kinh tế quốc gia (nguồn lực nhà nước, nguồn lực tư nhân, nguồn lực từ nước ngoài); tập trung nguồn vốn đầu tư công của Trung ương để đầu tư cho các dự án trọng điểm của quốc gia, không đầu tư dàn trải, manh mún, không mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, các bến cảng lớn. Tiếp tục nghiên cứu, phát triển các mô hình kinh tế mới, nhất là kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn…