Ngành hàng không toàn cầu hướng tới mục tiêu giảm khí thải carbon

Hội nghị về Hàng không và Nhiên liệu Thay thế do LHQ chủ trì đang tranh luận mức cắt giảm lượng khí thải trong ngành hàng không từ 5% đến 8% vào năm 2030 qua việc sử dụng nhiên liệu ít gây ô nhiễm.

Các máy bay của hãng hàng không American Airlines tại sân bay quốc tế Miami, bang Florida, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Các máy bay của hãng hàng không American Airlines tại sân bay quốc tế Miami, bang Florida, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông- Bắc Phi, các quan chức ngành hàng không toàn cầu đã tìm cách thống nhất mục tiêu tạm thời nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon trong ngành hàng không thông qua việc sử dụng nhiên liệu máy bay thay thế, khi họ tập trung tại Dubai trước thềm Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) do Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đăng cai tổ chức vào cuối tháng này.

Theo đề xuất do các nhà tổ chức đưa ra, Hội nghị về Hàng không và Nhiên liệu Thay thế (CAAF) do Liên hợp quốc (LHQ) chủ trì đang tranh luận mức mục tiêu cắt giảm lượng khí thải trong ngành hàng không từ 5% đến 8% vào năm 2030 thông qua việc sử dụng nhiên liệu ít gây ô nhiễm hơn.

Các hãng hàng không đang chịu áp lực phải giảm lượng khí thải khi hoạt động đi lại phục hồi, giữa lúc các quốc gia tham dự cuộc họp năm ngoái của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) đặt mục tiêu đạt mức phát thải dòng bằng "0" trong ngành hàng không vào năm 2050.

Một số nước châu Âu và các quốc gia khác đang thúc đẩy các mục tiêu tạm thời về nhiên liệu thay thế được gọi là nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), được sản xuất từ các nguyên liệu như dầu ăn đã qua sử dụng.

Các nhà môi trường bày tỏ quan ngại các cuộc thảo luận ở Dubai sẽ không đi đủ để thúc đẩy việc sử dụng SAF, vốn còn thiếu và tốn kém.

Một số nền kinh tế mới nổi lo ngại họ sẽ phải nhập khẩu loại nhiên liệu tốn kém này và muốn đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng được chia sẻ bình đẳng hơn để họ cũng có thể trở thành nhà sản xuất.

Mặc dù không mang tính ràng buộc, một số quốc gia cho biết những cam kết như vậy có thể khuyến khích các khoản đầu tư quan trọng cần thiết để tăng cường sản xuất SAF, hiện chiếm chưa đến 1% tổng lượng nhiên liệu máy bay.

Theo ông Jo Dardenne, Giám đốc hàng không của Tập đoàn Transport & Environment, ngành hàng không quốc tế ước tính cần tới 1.450 - 3.200 tỷ USD để tài trợ cho việc phát triển SAF nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0".

Ông Dardenne cũng cho rằng việc tạo điều kiện cho các nước đang phát triển tiếp cận nguồn tài chính dễ dàng hơn là cần thiết để thúc đẩy sản xuất SAF bên ngoài Mỹ và châu Âu.

Nguyễn Trường/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nganh-hang-khong-toan-cau-huong-toi-muc-tieu-giam-khi-thai-carbon/316128.html
Zalo