'Tên lửa lai' Grom của Nga: Cơn ác mộng đối với phòng không Ukraine
Telegraph ngày 10/11 đưa tin, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công chính xác tầm xa vào Ukraine bằng tên lửa dẫn đường Grom-E1 có tầm bắn 120 km. Grom là loại tên lửa lai ghép với bom lượn. Vũ khí này đang được Không quân Nga sử dụng rộng rãi trên chiến trường Ukraine thời gian qua.
Những tên lửa này cho phép các máy bay chiến đấu Su-30SM và Su-34 của Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga (RuAF) tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine trong khi bay ở ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không Ukraine và máy bay chiến đấu F-16 được trang bị tên lửa không đối không siêu thanh tầm trung AMRAAM.
Theo báo cáo của Telegraph, Nga đã sử dụng tên lửa có cánh Grom-E1 để tấn công các mục tiêu ở Mirnograd, Kherson và Kharkov. Trong khi đó bom Hammer do Pháp cung cấp cho Ukraine – loại bom tương tự như Grom-E1, chỉ có tầm bắn khoảng 64 km. Điều này buộc các máy bay của Không quân Ukraine (như Mig-29 và Su-27) phải bay vào phạm vi tấn công của các hệ thống phòng không S-300 và S-400 của Nga, cũng như máy bay chiến đấu Su-30SM và Su-35S được trang bị tên lửa RVV-SD.
Nga lần đầu tiên sử dụng bom Grom-E1 để tấn công Kharkov vào đầu tháng 9/2024, nhằm vào trung tâm thương mại và cung thể thao mà Moscow cho rằng Ukraine đã chuyển đổi thành cơ sở quân sự. Dòng Grom là biến thể của tên lửa Kh-38. Nó có hai phiên bản, một loại là tên lửa dẫn đường Grom-E1 và mẫu còn lại là bom lượn Grom-E2.
Dòng vũ khí có cánh Grom
Kh-38/Kh-38M là dòng tên lửa dẫn đường tầm ngắn không đối đất dùng cho các cuộc tấn công chính xác, được Nga phát triển để thay thế cho dòng tên lửa Kh-25 và Kh-29. Quá trình chế tạo tên lửa Kh-38 được bắt đầu vào những năm 1990 tại Tập đoàn tên lửa kỹ thuật (TMC).
Kh-38 là tên lửa mô-đun đa năng có thể lắp nhiều đầu dò khác nhau, chẳng hạn như đầu dò laser bán chủ động (SALH), đầu dò radar, đầu dò ảnh nhiệt (TI) và định vị vệ tinh (SATNAV). Tên lửa có các cánh có thể gập lại để cất giữ trong khoang vũ khí bên trong máy bay, chẳng hạn như tiêm kích Su-57. Nó có thể được phóng bằng nhiều loại trực thăng và máy bay.
Kh-38 của Nga được xem là phiên bản tương đương với Tên lửa không đối đất AGM-179 của Mỹ, được phát triển để thay thế các tên lửa BGM-71 TOW, AGM-114 Hellfire và AGM-65 Maverick phóng từ trên không.
Khác với tên lửa Kh-38, tên lửa Grom có cánh gập, giúp chúng có tầm bắn xa hơn và có khả năng tiếp cận mục tiêu từ mọi hướng. Nga xem đây là một phiên bản tương tự với bom JDAM-ER của Mỹ.
Cả Grom-E1 và Grom-E2 đều có cấu hình khí động học thông thường và thân hình trụ chung với mũi hình nón, cánh giữa thân gập về phía sau và bộ điều khiển nằm ở phía sau. Các vũ khí này có thể được mang bên ngoài hoặc bên trong khoang chứa bom của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.
Cơn “ác mộng” đối với phòng không Ukraine
Tên lửa Grom-E1 có trọng lượng phóng là 594 kg, chiều dài 4,2 m, đường kính thân là 0,31 m và sải cánh là 1,9 m.
Tên lửa có đầu đạn nổ phá mảnh (HE) nặng 315 kg kết hợp với ngòi nổ va chạm. Grom-E1 sử dụng động cơ hai tầng đẩy. Tên lửa Grom-E1 và E2 tích hợp động cơ nhiên liệu rắn từ dòng tên lửa không đối đất tầm ngắn Kh-38ME.
Grom-E1 có thể được phóng từ độ cao từ 500 đến 12.000 m và tốc độ từ 140 đến 445m/giây. Tên lửa có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách từ 10 đến 120 km. Nhờ lực nâng khí động học từ cánh, tên lửa có thể tấn công mục tiêu từ mọi hướng, thậm chí quay 180° để tấn công mục tiêu từ phía sau.
Tốc độ bay trung bình của tên lửa khi phóng từ độ cao 12.000 m và tầm bắn 120 km là 300 m/giây. Nó có thể chịu lực gia tốc 4g.
Tên lửa sử dụng INS (hệ thống dẫn đường quán tính) kết hợp với Hệ thống định vị toàn cầu Glonass để điều hướng. Do đó, nó chỉ có thể được sử dụng để tấn công các mục cố định, không giống như họ Kh-38, có thể được sử dụng chống lại các mục tiêu di chuyển bằng cách sử dụng đầu dò TI hoặc SALH.
Grom-E2 có sức công phá lớn hơn Grom-E1 do động cơ tên lửa được thay thế bằng đầu đạn phân mảnh nặng 165 kg ở phía đuôi, làm tăng tổng trọng lượng đầu đạn lên 480 kg. Trong khi đó, khối lượng đầu đạn của Grom-E1 là 315 kg. Tuy vậy, cả hai phiên bản đều có chiều dài, đường kính thân và sải cánh như nhau. Grom-E2 có khối lượng phóng là 598 kg, nặng hơn một chút so với Grom-E1.
Tên lửa Grom-E2 có thể được phóng ở tầm xa từ 10 đến 50 km, từ độ cao 500 m -12.000 m, với tốc độ phóng từ 140 m/giây đến 445 m/giây.
Phiên bản Grom-E2 sử dụng thiết kế thân bom dẫn đường KAB-500OD. Tính năng này biến nó thành bom lượn và mang được đầu nổ nặng hơn, nhưng tầm bay giảm đáng kể so với mẫu Grom-E1 có động cơ.
Việc quân đội Nga tăng cường sử dụng tên lửa Grom-E1 cho thấy Moscow nhiều khả năng đang sản xuất hàng loạt tên lửa này. Grom-E1 lấp đầy khoảng trống quan trọng trong khả năng tấn công chính xác tầm xa của quân đội Nga.
Các loại bom UMPK của Nga như FAB-250 và FAB-500 không thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa hơn 80 km. Cho đến nay, quân đội Nga được cho là đã sử dụng tên lửa Kalibr để tấn công chính xác vào mục tiêu ở phạm vi 120 km.
Kalibr có tầm bắn hơn 1.500 km, có giá thành đắt hơn nhiều so với Grom-E1. Và có tốc độ bay thấp hơn, khoảng 230 m/giây, khiến nó dễ bị các hệ thống phòng không của Ukraine tấn công hơn.
Tên lửa Grom nhẹ hơn đáng kể so với tên lửa Kalibr, có thể được phóng từ các máy bay chiến đấu Su-57, Su-34 và Su-30SM của Không quân Nga. Trong khi Kalibr chỉ có thể được phóng từ các máy bay ném bom.
Việc sản xuất hàng loạt sẽ khiến Grom-E1 có giá cả phải chăng hơn nhiều so với tên lửa hành trình Kalibr. Khả năng tấn công mục tiêu từ mọi hướng của Grom-E1, cùng với tốc độ bay cao, sẽ giúp nó khó bị đánh chặn.
Việc Nga sử dụng tên lửa Grom-E1 trên diện rộng sẽ tạo giúp ngăn chặn nguồn cung cấp vũ khí và nhân lực của Ukraine, do đó làm suy yếu thêm khả năng phòng thủ của đối phương.