Ngành Giáo dục địa phương sau sáp nhập: Không gây xáo trộn trong sử dụng SGK

Việc sử dụng SGk vẫn thực hiện theo quyết định đã ban hành cho từng cơ sở giáo dục để tránh làm gián đoạn, xáo trộn việc học tập của học sinh...

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Đinh Thanh Kháng (Sơn Tây, Quảng Ngãi) tiếp nhận sách giáo khoa từ phòng GD&ĐT vào đầu năm học mới. Ảnh: NTCC

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Đinh Thanh Kháng (Sơn Tây, Quảng Ngãi) tiếp nhận sách giáo khoa từ phòng GD&ĐT vào đầu năm học mới. Ảnh: NTCC

Các trường học miền núi đang thống kê lại số sách giáo khoa cần bổ sung cho thư viện, số sách giáo khoa đăng ký mua mới cho năm học 2025 - 2026 để gửi về phòng GD&ĐT trước thời điểm nghỉ hè. Các đầu sách giáo khoa đăng ký cho năm học mới vẫn áp dụng theo danh mục được phê duyệt trước đó.

Chủ động mua sách giáo khoa dùng chung

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) hằng năm mua bổ sung 15% số sách giáo khoa dùng chung hiện có trong thư viện để học sinh mượn sử dụng trong năm học.

“Học sinh của nhà trường đều được nhận hỗ trợ chi phí học tập hằng tháng nên nhà trường khuyến khích học trò mua sách giáo khoa để sử dụng, xem như tài sản của mình trong quá trình học tập. Cuối năm, nhà trường mua lại những sách đã qua sử dụng nhưng được bảo quản tốt, có độ mới khoảng 60% trở lên để bổ sung vào thư viện”, ông Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Thời điểm này, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam thực hiện thống kê danh sách học sinh đặt mua sách giáo khoa để báo số lượng cho đơn vị phát hành, đảm bảo sách kịp về trường trước khi vào năm học mới. Chỉ chưa đến 10 học sinh được phụ huynh mua sách ở bên ngoài, còn lại, các em đều đăng ký mua sách tập trung tại trường.

Trong khi đó, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Sơn Liên (Sơn Tây, Quảng Ngãi) dùng kinh phí trích từ ngân sách được cấp cho trường trong chi khác để mua sắm sách giáo khoa cho học sinh mượn.

“Đến nay, thư viện trang bị đầy đủ sách giáo khoa cho các lớp khi đã khép kín chu trình thực hiện Chương trình GDPT 2018. Vòng đời sử dụng một bộ sách khoảng từ 4 - 5 năm, nhà trường chủ động bổ sung sách mới hằng năm tùy theo mức độ hư hỏng để đảm bảo học sinh đủ sách giáo khoa phục vụ học tập”, ông Nguyễn Đăng Khoa - Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Trước khi kết thúc sứ mệnh, Phòng GD&ĐT Sơn Tây (Quảng Ngãi) vẫn làm đầu mối nhận số lượng đăng ký mua sắm sách giáo khoa cho năm học mới từ các trường gửi lên. Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, số sách giáo khoa mua mới và mua bổ sung của các trường không quá nhiều, như Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Sơn Liên năm học này chỉ mua mới 42 bộ sách giáo khoa cho học sinh lớp 5 và 18 bộ sách giáo khoa lớp 9.

“Nếu mỗi trường tự đặt mua thì bên đơn vị phát hành sách không nhận chở lên vì đường xa, số lượng ít. Vì vậy, phòng GD&ĐT hỗ trợ làm đầu mối nhận thống kê số lượng sách từ các trường rồi chuyển cho bên phát hành, sau đó các trường sẽ nhận lại sách từ phòng để nhập vào thư viện”, ông Khoa thông tin.

Theo ông Võ Đăng Chín, hiện Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam vẫn đăng ký mua sách giáo khoa cho năm học tới dựa trên danh mục sách được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt những năm trước.

“Chúng tôi tin tưởng việc sáp nhập tỉnh, thành phố không đồng nghĩa với thay đổi sách giáo khoa ngay lập tức. Học sinh vẫn sử dụng bộ sách đã chọn trước đó cho năm học tới. Dự kiến hè này, trong tập huấn nội bộ về chuyên môn, với những giáo viên hợp đồng mới, chúng tôi vẫn sử dụng các nguồn học liệu, kế hoạch dạy học, giáo án điện tử… mà trường đang có để các thầy cô tham khảo”, ông Chín bày tỏ.

Tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), từ nguồn ngân sách của UBND huyện, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, các trường được mua sắm, trang bị sách giáo khoa mới theo hình thức cuối chiếu.

Chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Trà My, đến năm học 2024 - 2025, huyện trang bị đủ số sách dùng chung từ lớp 1 - 9 để học sinh mượn sử dụng trong năm học. Các trường chủ động mua bổ sung, thay thế số sách giáo khoa bị hư hỏng, mất… từ nguồn kinh phí được cấp hằng năm.

 Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Đinh Thanh Kháng (Sơn Tây, Quảng Ngãi) nhập sách giáo khoa vào thư viện trường. Ảnh: NTCC

Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Đinh Thanh Kháng (Sơn Tây, Quảng Ngãi) nhập sách giáo khoa vào thư viện trường. Ảnh: NTCC

Nhà sách “nghe ngóng”

Thời điểm chuẩn bị kết thúc năm học cũng là lúc thị trường sách giáo khoa bắt đầu sôi động do nhu cầu mua sách làm phần thưởng cho học sinh khi tổng kết năm học. Ngoài ra, nhiều phụ huynh mua sách giáo khoa ngay từ đầu hè để học sinh có thời gian làm quen, tìm hiểu kiến thức của lớp mới, đặc biệt đối với các môn Toán, Tiếng Việt ở tiểu học và Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, các đầu sách thuộc môn Khoa học tự nhiên ở cấp THCS và THPT.

Một chủ nhà sách tại quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho biết: Thông thường, thời điểm này, các nhà sách bắt đầu nhập sách giao khoa phục vụ năm học mới. “Tuy nhiên, năm nay, các nhà sách nhỏ phải tạm dừng nhập hàng mới lý do Quảng Nam và Đà Nẵng đang có lựa chọn bộ sách khác nhau với một số môn học.

Sau khi sáp nhập không biết có giữ nguyên sách giáo khoa theo quyết định cũ hay là điều chỉnh lại chung bộ sách mới nên chúng tôi phải chờ các quyết định mới nhất của thành phố về bộ sách giáo khoa cho năm học 2025 - 2026 mới tiến hành nhập sách”, chủ nhà sách này cho biết.

Tại TP Đà Nẵng, trước năm học 2024 - 2025, bộ sách được lựa chọn chung trên toàn thành phố theo quyết định của UBND. Như vậy, sách theo Chương trình GDPT 2018 được thực hiện giống nhau trên toàn thành phố ở các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8. Riêng sách giáo khoa cho học sinh năm học 2024 - 2025 đối với khối lớp 5 và lớp 9 và lớp 12 thì dựa trên đề xuất lựa chọn sách của các trường, UBND thành phố ra quyết định phê duyệt bộ sách mà các trường tự chọn nên có sự khác nhau.

Ví dụ quận Hải Châu, các trường tiểu học chọn bộ sách lớp 5 giống nhau, trong đó đa phần sách thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, riêng môn Mĩ thuật thuộc bộ Chân trời sáng tạo 1. Đối với lớp 9 ở quận Hải Châu, có 10 trường công lập chọn sách cũng đa số thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, riêng các môn Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc, Công nghệ, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thì có sự khác nhau giữa các trường.

Trong đó, có trường chọn bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, trường chọn sách bộ Cánh Diều, trường lại chọn sách bộ Chân trời sáng tạo. Sự khác nhau này không chỉ ở quận Hải Châu mà một số quận khác cũng như vậy do nhà trường được quyền quyết định chọn bộ sách phù hợp với điều kiện dạy - học thực tế.

Khác nhau trong lựa chọn sách cho một số môn học nên một số chủ nhà sách ở quận Sơn Trà cũng “nghe ngóng” thông tin về sử dụng sách giáo khoa sau sáp nhật, tránh trường hợp “tồn hàng” cho dù có phụ huynh tìm mua sách giáo khoa Toán, Tiếng Việt lớp 1 để trẻ học dự thính trong hè nhưng số lượng sách này còn trong kho không nhiều.

Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết, Sở GD&ĐT Quảng Bình và Quảng Trị chưa có buổi làm việc chung để thống nhất những nội dung sau sáp nhập hành chính 2 tỉnh. Tuy nhiên, quan điểm của Sở GD&ĐT Quảng Trị là giai đoạn đầu sau sáp nhập, việc sử dụng sách giáo khoa vẫn thực hiện theo quyết định đã ban hành cho từng cơ sở giáo dục để tránh làm gián đoạn, xáo trộn việc học tập của học sinh.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nganh-giao-duc-dia-phuong-sau-sap-nhap-khong-gay-xao-tron-trong-su-dung-sgk-post728448.html
Zalo