Ngành Khoa học máy tính: Mảnh đất màu mỡ?
Dự báo, 10 năm tới, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành khoa học máy tính có thể tăng 20% mỗi năm.

Sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân sự. Ảnh: NTCC
Là một trong những ngành học cốt lõi, có tốc độ tăng trưởng việc làm cao nhất và không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành Khoa học máy tính ngày càng có sức hút. Dự báo, 10 năm tới, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành này có thể tăng 20% mỗi năm.
Nhu cầu nhân lực cao
Từng tốt nghiệp thủ khoa ngành Khoa học máy tính khóa QH-2018, anh Nguyễn Quốc An hiện là cán bộ tạo nguồn của Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Trong quá trình học, anh An được trang bị kiến thức chuyên môn, các kỹ năng mềm cần thiết để có thể phát triển trong tương lai; cùng đó là môn học mang tính cập nhật xu hướng của thế giới như: Học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, xử lý ảnh…
Từ trải nghiệm thực tế, anh An chia sẻ, sinh viên ngành Khoa học máy tính sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm ở các vị trí công việc khác nhau: Lập trình viên hệ thống; lập trình viên trên môi trường di động, môi trường web; lập trình viên phát triển các hệ thống học máy; chuyên viên phân tích dữ liệu bằng máy tính; chuyên viên quản trị các hệ thống/dịch vụ mạng cho các doanh nghiệp, tổ chức Nhà nước, các nhà cung cấp dịch vụ; chuyên viên kiểm thử phần mềm; giảng viên về nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin; nhà nghiên cứu và phát triển về khoa học máy tính…
Khoa học máy tính là một trong hai lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao nhất ở Việt Nam. GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, mức lương phổ biến trong khoảng 10 - 15 triệu/tháng đối với sinh viên mới ra trường. Còn nếu là chuyên gia giàu kinh nghiệm mức lương có thể lên tới 312 triệu đồng/tháng/người.
Theo báo cáo của VietnamWorks - trang tin tuyển dụng lớn nhất Việt Nam cho thấy, 10 năm qua, nhu cầu nhân lực về khoa học máy tính, công nghệ thông tin tăng gấp 4 lần và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cũng theo số liệu thống kê dựa trên Báo cáo về thị trường IT Việt Nam của TopDev, từ năm 2022 - 2024, Việt Nam thiếu hụt khoảng 150 - 195 nghìn lập trình viên/kỹ sư công nghệ thông tin mỗi năm.
“Lĩnh vực này có thể coi như “mảnh đất màu mỡ” đang đợi chờ thí sinh khám phá, chinh phục”, GS.TS Chử Đức Trình nhìn nhận, đồng thời thông tin, theo khảo sát trong 3 năm liên tiếp từ 2019 - 2021, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính của trường có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp là 100%. Riêng năm 2022, tỷ lệ này là 99%.

Sinh viên ngành Khoa học máy tính, Trường Đại học VinUni. Ảnh: Website nhà trường
Nhận diện thách thức
Ngành Khoa học máy tính đang “khát” nhân lực. Thượng tá - TS Nguyễn Trung Tín - Trưởng phòng thí nghiệm Bộ môn Khoa học máy tính, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Học viện Kỹ thuật Quân sự) viện dẫn, theo thông tin từ Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, ngành này được xem như một trong những lĩnh vực có thị trường việc làm phát triển mạnh mẽ, với mức lương cho những người làm trong ngành lên đến hơn 100 nghìn USD (hơn 2,5 tỷ đồng).
Còn tại Việt Nam, với sự bùng nổ của công nghệ trong những năm qua, nhu cầu nhân lực cho ngành Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin dự kiến cần khoảng 700 nghìn người. Tuy nhiên, hiện số lượng nhân lực trong ngành này mới đáp ứng khoảng 10% so với nhu cầu, tương đương với 50 đến 60 nghìn người.
“Thực tế này phản ánh trong báo cáo của VietnamWorks, khi nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này tăng gấp 4 lần trong 10 năm qua và dự báo tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong tương lai”, Thượng tá - TS Nguyễn Trung Tín nhìn nhận.
Trước thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, Thượng tá - TS Nguyễn Trung Tín cho rằng, việc các trường quân đội đủ điều kiện tuyển sinh hệ dân sự trở lại được coi là giải pháp cần thiết. Tại Quyết định 491/QĐ-BQP, Bộ Quốc phòng giao Học viện Kỹ thuật Quân sự đào tạo hệ dân sự, với 755 chỉ tiêu, gồm: 25 chỉ tiêu tiến sĩ, 130 chỉ tiêu thạc sĩ và 600 chỉ tiêu đại học. Trong 600 chỉ tiêu đại học, ngành Khoa học máy tính tuyển sinh 60 chỉ tiêu chương trình đào tạo Trí tuệ nhân tạo.
Là giảng viên Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính, TS Phạm Huy Hiệu - Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp (Trường Đại học VinUni) nhận định, với tốc độ tăng trưởng việc làm cao nên dự báo trong 5 - 10 năm tới, khoa học máy tính vẫn là lựa chọn của những học sinh yêu thích công nghệ - kỹ thuật.
Tuy nhiên, để lựa chọn cơ sở đào tạo, TS Phạm Huy Hiệu khuyên thí sinh cần lưu ý các trường đại học minh bạch trong thông tin, điều kiện chuẩn bị các vấn đề cần thiết và công bố thông tin xác thực để phụ huynh, học sinh có thông tin tin cậy. Để dự tuyển vào những ngành học như: Khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, bên cạnh chuẩn bị kiến thức để tham dự kỳ thi, thí sinh cần tìm hiểu kỹ lưỡng về các ngành cũng như định hướng về chuẩn đầu ra và nghề nghiệp để có lựa chọn phù hợp.
Dù có nhiều cơ hội hấp dẫn nhưng nếu lựa chọn theo học khoa học máy tính, TS Phạm Huy Hiệu khuyên thí sinh cần nhận diện và chủ động đối mặt với thách thức. Thứ nhất, cạnh tranh khốc liệt. Gia tăng số lượng sinh viên theo học ngành Khoa học máy tính dẫn đến mức độ cạnh tranh cao trong thị trường việc làm.
Các công ty công nghệ không chỉ tìm kiếm những ứng viên có kiến thức chuyên môn mà còn đánh giá kỹ năng mềm như khả năng làm việc nhóm, giao tiếp và giải quyết vấn đề. Điều này có thể tạo ra áp lực cho sinh viên khi họ phải không ngừng phát triển bản thân để nổi bật trong đám đông.
Thứ hai, yêu cầu kỹ năng cao và đa dạng. Ngành Khoa học máy tính yêu cầu sinh viên không chỉ có kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn phát triển nhiều kỹ năng khác. Điều này bao gồm khả năng lập trình, phân tích dữ liệu, thiết kế hệ thống và hiểu biết về an ninh mạng.
Các công nghệ và ngôn ngữ lập trình mới liên tục xuất hiện, việc theo kịp chúng đòi hỏi sinh viên sự nỗ lực và thời gian không nhỏ. Những ai không chuẩn bị tâm lý cho sự thay đổi liên tục này có thể cảm thấy choáng ngợp và dễ nản lòng.
Thứ ba, áp lực công việc. Nhiều vị trí trong ngành Khoa học máy tính, đặc biệt trong phát triển phần mềm và an ninh mạng, yêu cầu làm việc dưới áp lực cao. Những ai không thể quản lý căng thẳng hoặc không quen với môi trường làm việc áp lực cao có thể gặp khó khăn trong việc duy trì hiệu suất làm việc.
Học khoa học máy tính không chỉ là việc ngồi trên ghế nhà trường mà còn đòi hỏi sự cống hiến và kiên trì. Để thành công, sinh viên cần dành thời gian để thực hành, nghiên cứu và học hỏi liên tục. Thiếu kiên nhẫn có thể dẫn đến bỏ cuộc giữa chừng, đặc biệt khi đối mặt với các bài toán khó khăn.
Thứ tư, thách thức trong việc cập nhật công nghệ. Công nghệ trong ngành Khoa học máy tính thay đổi nhanh chóng. Các công nghệ, ngôn ngữ lập trình và công cụ mới liên tục xuất hiện, việc cập nhật những kiến thức này là điều cần thiết để duy trì tính cạnh tranh trong lĩnh vực. Nếu không chú ý đến việc học hỏi và cập nhật kỹ năng, sinh viên có thể trở nên lỗi thời trong một ngành nghề luôn tiến bộ.
“Có nên học ngành Khoa học máy tính?”, TS Phạm Huy Hiệu cho rằng, câu trả lời phụ thuộc vào sở thích cá nhân và mục tiêu nghề nghiệp. Ngành này mang lại nhiều cơ hội hấp dẫn, nhưng cũng đi kèm với thách thức không nhỏ. Nếu đam mê công nghệ và sẵn sàng đối mặt với thách thức thì học ngành khoa học máy tính sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho tương lai của người học.