Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm và hợp tác với Anh phát triển điện hạt nhân

Việt Nam nên nghiên cứu đánh giá tính khả thi áp dụng công nghệ lò phản ứng hạt nhân module nhỏ mà Anh đang triển khai. Đây là một trong các nội dung trao đổi về chính sách phát triển điện hạt nhân của Anh hiện nay giữa Tiến sĩ Đào Đức Cường, Khoa Kỹ thuật cơ khí và Năng lượng, Đại học Bradford (Anh) với phóng viên TTXVN tại London.

Tiến sỹ Đào Đức Cường, giảng viên Khoa Kỹ thuật cơ khí và năng lượng, Đại học Bradford (Anh). Ảnh: TTXVN phát

Tiến sỹ Đào Đức Cường, giảng viên Khoa Kỹ thuật cơ khí và năng lượng, Đại học Bradford (Anh). Ảnh: TTXVN phát

Đề cập đến ngành điện hạt nhân của Anh, Tiến sĩ Đào Đức Cường cho biết Anh là nước đầu tiên trên thế giới xây dựng nhà máy điện hạt nhân thương mại và có kinh nghiệm gần 70 năm phát triển và vận hành điện hạt nhân. Hiện tại, điện hạt nhân vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu phát điện của nước Anh, chiếm khoảng 14-15% tổng sản lượng điện, xếp thứ 3 sau điện khí và điện gió. Mặc dù có mâu thuẫn về cách thức thực hiện, chính phủ và các đảng phái ở Anh đều coi trọng vai trò của điện hạt nhân và có chủ trương duy trì nguồn điện này vì đây là nguồn năng lượng sạch và an toàn.

Để đảm bảo an ninh năng lượng và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Anh chủ trương điện hạt nhân vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng bên cạnh việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió. Chính phủ Anh thậm chí đã đề ra mục tiêu tăng tỷ lệ đóng góp của điện hạt nhận trong cơ cấu phát điện quốc gia lên 25% vào năm 2050.

Liên quan việc Việt Nam tái khởi động chương trình phát triển điện hạt nhân, Tiến sĩ Đào Đức Cường đánh giá tại thời điểm hiện tại, điều kiện kinh tế nói chung, cơ cấu phát triển và sử dụng năng lượng của nước ta đã thay đổi nhiều nên xu hướng đa dạng hóa các nguồn năng lượng và phát triển năng lượng sạch như điện tái tạo, điện hạt nhân là không thể tránh khỏi. Ông đánh giá việc Việt Nam có nhiều lợi thế về năng lượng bền vững và nhiều năm nghiên cứu và khảo sát cũng như cơ sở pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân.

Tuy nhiên, ông Đào Đức Cường cũng nêu ra một số thách thức đối với Việt Nam. Trước hết, đặc điểm nổi bật của các dự án điện hạt nhân là cần nguồn vốn lớn và thời gian dài để phát triển dự án và xây dựng nhà máy điện, do đó đòi hỏi Việt Nam phải nghiên cứu khả thi về kinh tế - kỹ thuật cụ thể trước khi triển khai. Hai là, đây sẽ là dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam nên trở ngại chính là Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ cũng như chưa có kinh nghiệm xây dựng, lắp đặt, quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân. Do vậy, Việt Nam cần có nghiên cứu và đánh giá kỹ càng khi lựa chọn đối tác và công nghệ phù hợp, đặc biệt là khi thẩm định tính khả thi về mặt kinh tế - kỹ thuật. Bên cạnh đó, Việt Nam cần cần có đội ngũ chuyên gia tham gia đánh giá các nguy cơ tránh dẫn đến dự án kéo dài, tăng chi phí và giảm tính cạnh tranh của điện hạt nhân so với các năng lượng khác. Song song với quá trình này, Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực nội tại để tham gia vào chuỗi cung ứng xây dựng, lắp đặt và triển khai vận hành nhà máy trong tương lai.

Về việc tham khảo kinh nghiệm của các nước đi trước, Tiến sĩ Đào Đức Cường khuyến nghị Việt Nam có thể hợp tác với các cường quốc hạt nhân trong đó có Anh để xây dựng nhà máy, phối hợp cử các cán bộ, chuyên gia trong nước sang các đối tác để đào tạo nâng cao trình độ. Ông cho biết tại Anh, chính phủ đang triển khai một số dự án nghiên cứu sử dụng lò phản ứng hạt nhân module nhỏ (SMR) với kỳ vọng bắt đầu xây dựng và vận hành trong những năm 2030 để hướng tới mục tiêu phát thải ròng 0 vào năm 2050. SMR có ưu điểm là thời gian phát triển xây dựng nhanh, linh hoạt trong sử dụng và vận hành; mặc dù có công suất nhỏ (dưới 300MW) nhưng có thể xây dựng số lượng lớn để tăng công suất và có triển vọng là một trong những phương án cho tương lai của công nghệ hạt nhân. Việt Nam nên nghiên cứu đánh giá tính khả thi áp dụng công nghệ này đặc biệt khi giá thành thương mại giảm và nhu cầu điện tăng cao phục vụ cho phát triển kinh tế.

Tiến sĩ Đào Đức Cường cũng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề xử lý chất thải hạt nhân. Theo ông, Việt Nam đã có Luật Năng lượng nguyên tử trong đó có qui định một số điều khoản liên quan đến xử lý rác thải hạt nhân. Điều Việt Nam cần làm khi chọn đối tác xây dựng là thành lập các cơ quan chuyên trách và cụ thể hóa quy trình xử lý áp dụng cho nước ta. Việc xử lý rác thải hạt nhân cần được đưa ra song song với quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Phong Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/viet-nam-co-the-tham-khao-kinh-nghiem-va-hop-tac-voi-anh-phat-trien-dien-hat-nhan-20241218213559952.htm
Zalo