Ngành Đường sắt: Thay đổi để 'hút' khách
Không chỉ đảm nhiệm vận tải hành khách, ngành Đường sắt mong muốn trở thành một dịch vụ kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các vùng miền, địa phương.
Chính tư duy bám sát nhu cầu thị trường đó đã góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành Đường sắt vốn từ lâu bị “đóng đinh” là trì trệ, lạc hậu.

Biểu diễn nghệ thuật trên chuyến tàu “di sản miền Trung” kết nối Huế - Đà Nẵng. Ảnh: Lưu Hương
Từ những đoàn tàu du lịch, tàu chất lượng cao
Tối 1-7-2025, chị Nguyễn Thanh Bình (phường Vĩnh Hưng, Hà Nội) lên trang web bán vé trực tuyến của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) để mua vé trải nghiệm đoàn tàu du lịch Hoa Phượng Đỏ, tuyến Hà Nội - Hải Phòng cho cả gia đình 4 người đi vào ngày cuối tuần (ngày 5-7-2025). Thế nhưng toàn bộ toa VIP với 34 ghế ngồi được thiết kế theo kiểu Đông Dương của các đoàn tàu HP1, LP3, LP5 (giá 350.000 đồng/vé) đều đã bán hết, chỉ còn các toa ghế mềm điều hòa có thể xoay 180 độ với giá 180.000 đồng/vé.
“Nhiều hành khách chia sẻ những bức ảnh ấn tượng về toa tàu VIP với nội thất, không gian thiết kế hoàn toàn khác biệt so với các chuyến tàu khác. Trên toa tàu có wifi miễn phí, quầy bar phục vụ miễn phí 1 loại đồ uống tự chọn và hệ thống ghế ngồi có thể xoay 180 độ để hành khách thoải mái ngắm cảnh hoặc giao lưu nên chúng tôi nhất định phải “săn” vé để trải nghiệm”, chị Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.
Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Hải Phòng Trần Văn Hạnh cho biết, đoàn tàu du lịch Hoa Phượng Đỏ do VNR phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng chính thức được khai trương ngày 10-5-2025. Các chuyến tàu du lịch chuyên biệt này hút khách do tạo được bản sắc riêng, cộng với việc đông đảo hành khách từ Hà Nội, đặc biệt là giới trẻ, thích thú được xuống Hải Phòng trải nghiệm “food tour”. Chỉ trong vòng 21 ngày (từ ngày khai trương đến hết ngày 31-5-2025), đoàn tàu đã thực hiện 176 chuyến, vận chuyển gần 90.000 lượt hành khách, doanh thu đạt gần 9 tỷ đồng. Sản lượng hành khách của đoàn tàu Hoa Phượng Đỏ nói riêng và các đoàn tàu khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng nói chung vẫn đang tăng trưởng tốt.
Không riêng gì Hoa Phượng Đỏ, thời gian qua, ngành Đường sắt đã liên tục đưa vào khai thác các chuyến tàu du lịch - văn hóa gắn với các điểm đến đặc sắc, tạo hiệu ứng tích cực cho du khách trong nước và quốc tế. Điển hình là tuyến tàu “di sản miền Trung” kết nối Huế - Đà Nẵng. Trên tàu, du khách được thưởng thức âm nhạc dân gian, các món ăn đặc sản miền Trung, đồng thời chiêm ngưỡng cung đường qua đèo Hải Vân được mệnh danh “đệ nhất hùng quan”.
Từ tháng 4-2024, tuyến tàu ngắn Đà Lạt - Trại Mát mang tên “Hành trình đêm Đà Lạt” dài khoảng 7km vốn là đoạn đường sắt răng cưa còn sót lại từ thời thực dân Pháp đô hộ cũng được đầu tư cải tạo, đưa vào khai thác với những toa xe hoài cổ, hành khách được thưởng thức nhạc dân tộc, uống trà atiso… Nhờ đó, doanh thu tuyến này tăng gần gấp đôi so với trước đó…
Những chuyến tàu du lịch chuyên biệt, tàu chất lượng cao cùng với các tuyến tàu khách thường xuyên trong tình trạng kín chỗ, nhất là vào các dịp cuối tuần, lễ, Tết đã góp phần đưa sản lượng hành khách của ngành Đường sắt tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2024, sản lượng hành khách đi tàu đạt hơn 7 triệu lượt, tăng 14% so với năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm 2025, sản lượng hành khách đạt hơn 3,7 triệu lượt...

Các chuyến tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng luôn đông khách vào dịp cuối tuần. Ảnh: Tạ Hải
Thay đổi tư duy kinh doanh gắn với thị trường
Trong hàng thập kỷ, khi các loại hình vận tải đường không, đường bộ phát triển mạnh mẽ thì đường sắt được định vị là phương tiện vận chuyển chủ yếu dành cho các đối tượng thu nhập thấp, học sinh, sinh viên. Những toa tàu cũ kỹ, lạc hậu, vệ sinh thậm chí xả thẳng xuống đường ray… đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều hành khách.
Nhìn rõ hạn chế, không kêu khó, không đổ lỗi cho cơ chế, cán bộ, công nhân viên ngành Đường sắt đã và đang thay đổi tư duy kinh doanh, bám sát nhu cầu thị trường, tận dụng những lợi thế sẵn có của ngành để thu hút hành khách.
Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, thời gian qua, ngành Đường sắt đã áp dụng hàng loạt giải pháp như: Đa dạng các hình thức bán vé, áp dụng chính sách giảm giá vé vào các dịp thấp điểm; đầu tư nâng cấp, cải tạo toa xe để cho ra mắt các đoàn tàu chất lượng cao; triển khai cải tạo, nâng cấp các nhà ga...
VNR cũng “bắt tay” với các địa phương có tiềm năng du lịch thiết kế các chuyến tàu chuyên biệt, mang đến những trải nghiệm văn hóa và du lịch đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của địa phương. Hành trình của một số chuyến tàu còn dừng lại tại các điểm tham quan để du khách check-in, chụp hình lưu niệm… Về phía các địa phương tích cực đảm nhiệm khâu truyền thông, chuẩn hóa dịch vụ lưu trú - ẩm thực với mức giá hợp lý cũng như bảo đảm an ninh, an toàn cho hành khách…
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Đỗ Văn Hoan cho biết, chính sách kinh doanh vận tải đường sắt gần đây hết sức linh hoạt, với nhiều loại giá vé theo vị trí ngồi, theo ngày, vé tháng, vé tập thể… Chất lượng dịch vụ, trang thiết bị trên tàu, dưới ga đã được cải thiện nhiều so với trước đây nên ngày càng thu hút hành khách.
“VNR đang hướng tới phát triển các sản phẩm vận tải không chỉ là điểm đến, mà là trải nghiệm đi tàu, trải nghiệm hành trình du lịch để quảng bá hình ảnh của đất nước. Con tàu có thể trở thành điểm check-in di động, nhà ga là điểm đến của văn hóa và di sản... Đường sắt mong muốn trở thành một dịch vụ kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các vùng miền, địa phương”, Tổng Giám đốc VNR Hoàng Gia Khánh nói.
Mới đây, cẩm nang du lịch Lonely Planet đã xếp tuyến đường sắt Thống Nhất của Việt Nam đứng đầu danh sách 24 hành trình tàu hỏa tuyệt vời nhất thế giới năm 2025. Đây là động lực để ngành Đường sắt tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút hành khách.