Ráo riết chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ đường sắt tốc độ cao

Trước yêu cầu cấp bách về nguồn nhân lực phục vụ các tuyến đường sắt trọng điểm quốc gia, đặc biệt là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đã chủ động đầu tư, liên kết đào tạo nhân sự kỹ thuật chuyên sâu, sẵn sàng tham gia thi công, vận hành...

Cử học viên đi nước ngoài đào tạo

Với các dự án đường sắt sắp được đầu tư trong thời gian tới, nguồn nhân lực phục vụ công tác thiết kế, quản lý, tư vấn và thi công dự án cần chuẩn bị sớm. Trước tiên, sẵn sàng đủ năng lực, trình độ ở tất cả các vị trí then chốt để tiếp nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo tính toán của Cục Đường sắt Việt Nam, ngay trong giai đoạn 2025 - 2030, ngành đường sắt cần khoảng 338.000 lao động. Trong đó, trước mắt cần ngay 9.200 nhân sự quản lý dự án, gần 13.000 nhân sự tư vấn quản lý dự án… Với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng, nhu cầu nhân lực cho giai đoạn vận hành ước tính khoảng 20.000 người. Riêng giai đoạn thi công, có thể cần tới 70.000 - 80.000 lao động, mang lại tác động tích cực tới thị trường lao động và an sinh xã hội.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Đặng Sỹ Mạnh nhấn mạnh: Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt để xây dựng và vận hành đường sắt tốc độ cao. Tổng công ty đang chủ động triển khai kế hoạch đào tạo đội ngũ đủ năng lực tiếp nhận, làm chủ công nghệ trong vận hành, bảo trì, sửa chữa. Trước mắt, tập trung đào tạo hai ngành trọng điểm là thông tin tín hiệu và công trình đường sắt, nhằm hình thành lực lượng nòng cốt, làm nền tảng lan tỏa nhân lực cho toàn ngành.

VNR hiện đã xây dựng kế hoạch đào tạo riêng cho “đại dự án" này, từ việc nâng cấp nhân lực hiện hữu đến đào tạo mới, cập nhật kỹ thuật tiên tiến. VNR đã ký kết hợp tác đào tạo với Học viện Đường sắt Liễu Châu (Trung Quốc) và đang xúc tiến các chương trình tương tự với Nhật Bản, Hàn Quốc cùng các trường đại học uy tín trong nước.

“Đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao, nắm vững kỹ thuật và công nghệ hiện đại là yếu tố then chốt để xây dựng và vận hành hệ thống đường sắt tiên tiến nên cần đào tạo nhanh, sâu và chất lượng, bảo đảm cung cấp đủ nguồn lao động cả về số lượng và trình độ”, lãnh đạo VNR nhấn mạnh.

Nhà trường, doanh nghiệp tư nhân chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn, thực hiện nhiệm vụ được phân công, Bộ đã ban hành kế hoạch hành động và đã chỉ đạo các trường đại học, trong đó có 5 trường trọng điểm sẽ tham gia vào việc chuẩn bị nguồn nhân lực.

Đến nay, các trường đã bắt tay vào xây dựng chương trình đào tạo mới, rà soát chương trình đào tạo hiện có, củng cố các nguồn học liệu và trang thiết bị thực hành, xây dựng Đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một số trường dự kiến bắt đầu tuyển sinh ngay vào mùa tuyển sinh năm 2025 này.

Riêng về ngành đường sắt, thời gian qua, Trường Cao đẳng Đường sắt (trực thuộc VNR) đã tăng cường hợp tác đào tạo, trao đổi học thuật và bồi dưỡng chuyên môn với các trường chuyên ngành đường sắt tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Nhà trường đã ký biên bản ghi nhớ với Học viện Đường sắt Liễu Châu và Học viện Đường sắt Côn Minh (Trung Quốc), thống nhất triển khai khóa đào tạo đầu tiên về công trình đường sắt và thông tin tín hiệu đường sắt. Gần 120 công nhân, kỹ thuật viên thuộc Công ty CP đường sắt và Công ty Thông tin tín hiệu đường sắt trên cả nước đã được chọn tham gia khóa học đầu tiên.

Học viên sẽ học lý thuyết trong 3 - 4 tháng, do giảng viên và chuyên gia Trung Quốc trực tiếp giảng dạy, sau đó sang Trung Quốc thực tập 3 tháng. Hiệu trưởng, TS. Trương Trọng Vương cho biết, chương trình đào tạo hướng đến ứng dụng trong thực tiễn thi công và bảo trì đường sắt mới (160 km/giờ) và đường sắt tốc độ cao. Trên cơ sở phản hồi từ học viên, nhà trường tiếp tục chỉnh lý và hoàn thiện chương trình. Dự kiến trong năm 2025 có khoảng 200 công nhân, kỹ thuật viên tham gia các lớp đào tạo. Các năm tiếp theo đào tạo thêm ngành lái tàu và điều hành chạy tàu.

Để đón cơ hội tham gia vào các đại dự án đường sắt, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc -Nam, theo ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả, đơn vị có nhiều lợi thế về kinh nghiệm, năng lực trong thi công kết cấu phần dưới ray bao gồm: nền đường, hầm, cầu.

“Công trình hầm đường sắt Khe Nét trên tuyến đường sắt Bắc-Nam do Tập đoàn Đèo Cả đảm nhận hiện có tiến độ, chất lượng rất tốt, được tư vấn Hàn Quốc đánh giá rất cao về tay nghề, khả năng tổ chức, quản trị”, ông Đông chia sẻ.

Ngoài việc liên kết, đặt hàng tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành đường sắt trong và ngoài nước để đào tạo các kỹ sư, thợ bậc cao, Tập đoàn Đèo Cả cũng tiếp xúc làm việc rất nhiều đối tác Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ để học hỏi, nắm bắt công nghệ thi công công trình đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị. Dự kiến, đến cuối tháng 7/2025, gần 30 kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Tập đoàn Đèo Cả sẽ kết thúc chương trình tu nghiệp chuyên sâu về công nghệ thi công hầm bằng máy khoan TBM tại Cục 2 Tập đoàn Xây dựng Trung Quốc.

Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý nhất tại chương trình đào tạo đặc biệt là các học viên của Tập đoàn Đèo Cả được tiếp cận kiến thức về kỹ thuật xây dựng không gian ngầm dưới sự giảng dạy của các chuyên gia hàng đầu tại Trung Quốc.

Đồng thời, Đèo Cả cũng đang làm việc với các đối tác để xây dựng nhà máy, nhập dây chuyền sản xuất ray, tà vẹt và các thiết bị liên quan nhằm phục vụ công tác thi công tuyến đường sắt tốc độ cao.

“Khi dự án được triển khai, chúng tôi sẵn sàng đảm nhận vai trò nhà thầu xây lắp chủ lực,” ông Nguyễn Tấn Đông khẳng định.

Chủ tịch Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cũng đã lựa chọn những lao động có tâm huyết, có trí tuệ để đi đào tạo ở các nước phát triển về đường sắt như châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc. Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, cho rằng các dự án đường sắt sẽ là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, do đó Công ty đã chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực có chuyên môn, chất lượng và các phương án để đáp ứng các yêu cầu công việc trong thời gian sắp tới.

Đức Thuận

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/rao-riet-chuan-bi-nguon-nhan-luc-phuc-vu-duong-sat-toc-do-cao-166757.html
Zalo