Ngành Du lịch Việt Nam năm 2024: 'Cơn khát' nhân tài trong thời kỳ phục hồi

Năm 2024 đã khép lại với tiềm năng phát triển vượt bậc của ngành Du lịch Việt Nam khi đón nhận gần 17,6 triệu khách quốc tế và 110 triệu lượt khách du lịch nội địa. Song, đằng sau những con số ấn tượng đó thì báo cáo mới nhất của JobsGO (nền tảng tuyển dụng và tìm việc hàng đầu Việt Nam) cũng chỉ ra một thách thức: Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với cuộc đua thu hút nhân tài gay gắt. Liệu ngành du lịch có đủ nguồn nhân lực chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường?

Triển vọng thị trường lao động ngành Du lịch Việt Nam

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, năm 2024, ngành Du lịch nước ta đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy nền kinh tế, trong đó lượng khách quốc tế tăng 38,9% so với năm 2023.

Sự chuyển mình ngoạn mục của ngành đã kéo theo nhu cầu tuyển dụng nhân sự có xu hướng tăng. Theo đà phát triển chung, số liệu từ JobsGO cũng ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng tích cực với 35,6% về số lượng tin đăng tuyển của ngành trong quý 4/2024. Đây là một minh chứng rõ ràng cho thấy sự “khởi sắc” của ngành sau giai đoạn kinh tế khó khăn. Điều này phù hợp với bối cảnh khi các doanh nghiệp du lịch đang tích cực mở rộng quy mô hoạt động, tung ra các sản phẩm và dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

Thực tế cho thấy, chính sách thúc đẩy du lịch nội địa “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát động cũng góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng này. Các sự kiện vinh danh Việt Nam tại Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) như “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á” và "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á” không chỉ tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ mà còn là động lực thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong ngành.

Tỷ lệ nữ giới ứng tuyển trên nền tảng JobsGO cao hơn so với nam giới (tỷ lệ ứng viên nữ chiếm gần 59%, trong khi ứng viên nam là 41%). Lý giải cho điều này, các vị trí phổ biến được nhiều doanh nghiệp “săn” nhân tài trong ngành Du lịch như tuyển dụng chăm sóc khách hàng, lễ tân khách sạn, nhân viên điều hành tour, hướng dẫn viên, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, khả năng giao tiếp và chăm sóc khách hàng nên thường thu hút phái nữ hơn.

Không quá ngạc nhiên khi nhu cầu nhân lực tập trung tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Đây đều là những trung tâm du lịch lớn của cả nước, có nhiều điểm đến hấp dẫn và cơ sở hạ tầng du lịch phát triển.

Đáng chú ý, Khánh Hòa nổi lên như một điểm sáng mới trên bản đồ du lịch Việt Nam với mức tăng trưởng ấn tượng 85,1% về số lượng tin đăng tuyển trên nền tảng JobsGO. Các doanh nghiệp đang dần mở rộng sang các tỉnh thành có tiềm năng phát triển. Sự “lấn sân” này không chỉ mang đến cơ hội việc làm cho người dân địa phương mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển đồng đều của ngành du lịch trên cả nước.

Giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực ngành du lịch

Dù là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia, các doanh nghiệp ngành du lịch Việt Nam lại lâm vào tình cảnh thiếu hụt cả về “chất” và “lượng” nguồn nhân lực. Cụ thể, dữ liệu của JobsGO đã chỉ ra một nghịch lý đáng quan ngại: Trong khi số lượng tin đăng tuyển trong ngành du lịch có xu hướng tăng trưởng lạc quan, lượng ứng viên giảm tới 26,1%. Tỷ lệ trung bình hồ sơ ứng tuyển cho mỗi vị trí ngành du lịch (5,6) thấp hơn so với mức trung bình của toàn thị trường (6,8) là một tín hiệu cần lưu tâm về tình trạng khan hiếm nhân lực trong ngành. Nói cách khác, nhu cầu tuyển dụng đang phục hồi tích cực, song, sức hút của ngành đối với người lao động đang suy giảm.

Bàn về thực trạng mất cân đối về nhân lực ngành du lịch, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam có chia sẻ: “Nước ta đang thiếu hụt nhân sự du lịch, nhất là lao động có chuyên môn cao, đặc biệt là vào dịp cao điểm như nghỉ lễ, Tết. Sự mất cân đối nhân lực theo vùng miền khiến nhiều khu vực tăng trưởng nóng về khách du lịch, nhưng chất lượng dịch vụ thấp hơn khu vực khác và không ổn định”.

“Cơn khát” nhân tài ngành “công nghiệp không khói” này đã đặt ra một thách thức không nhỏ tới các doanh nghiệp ngành du lịch nói riêng cũng như nền kinh tế quốc gia nói chung.

Đi đầu trong nỗ lực giải quyết bài toán mất cân bằng cung - cầu, ngành du lịch cần tăng cường liên kết “Nhà nước - Nhà trường - Nhà tuyển dụng”. Theo đó, các cơ sở đào tạo cần chủ động cập nhật chương trình thực tiễn và tăng cường hợp tác doanh nghiệp du lịch. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy mối quan hệ này.

Đơn cử, Sở Du lịch đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội chú trọng đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tổ chức giáo dục du lịch quốc tế theo hướng lựa chọn những ngành nghề hợp tác giáo dục phù hợp. Điều này không chỉ gián tiếp giúp các doanh nghiệp du lịch tuyển dụng thực tập sinh tiềm năng mà còn giúp sinh viên tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó đáp ứng được yêu cầu hội nhập và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động.

Thể hiện sự đồng thuận với chiến lược “ba nhà”, ông Phạm Thanh Hải, CEO của JobsGO chia sẻ: “Chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc kết nối nhân tài và liên kết với các cơ sở đào tạo để mang đến những chương trình thực tập, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của ngành Du lịch”.

Kim Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nganh-du-lich-viet-nam-nam-2024-con-khat-nhan-tai-trong-thoi-ky-phuc-hoi-393668.html
Zalo