Ngành điều tự tin duy trì mức tăng trưởng cao năm 2025

Cùng với việc thị trường tiêu thụ điều nhân tốt hơn, chính sách minh bạch từ các nước bán điều thô giúp ngành điều Việt Nam tự tin duy trì mức tăng trưởng cao năm 2025.

Doanh nghiệp xuất khẩu điều vượt khó

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu điều nhân của tỉnh Bình Phước ước đạt 1,743 triệu USD, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Ở xã Đức Liễu (huyện Bù Đăng), Công ty CP Hoàng Sơn 1 nằm trong tốp 3 doanh nghiệp xuất nhập khẩu điều lớn nhất Việt Nam.

Ông Tạ Quang Huyên - Chủ tịch HĐQT công ty kể, năm 2024, nhiều doanh nghiệp chế biến điều điêu đứng do nguồn cung đột ngột gián đoạn từ châu Phi, chủ yếu là ở Bờ Biển Ngà, do chính sách bảo vệ sản xuất trong nước.

Chế biến điều nhân xuất khẩu ở Công ty CP Hoàng Sơn 1 (Bình Phước)

Chế biến điều nhân xuất khẩu ở Công ty CP Hoàng Sơn 1 (Bình Phước)

Giá điều thô tăng chóng mặt trong thời gian ngắn khiến doanh nghiệp chế biến ở Việt Nam khó cân đối giá bán điều nhân.

Theo Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), không có thống kê cụ thể nhưng ước tính có khoảng 50% doanh nghiệp điều trong nước chịu ảnh hưởng từ biến cố này.

Ông Huyên cho biết, sau nỗ lực tháo gỡ khó khăn, cùng với việc thị trường mở cửa, các nước tiêu thụ hạt điều tốt hơn; ngành điều Việt Nam tăng trưởng mạnh.

Năm 2024, xuất khẩu hạt điều của Hoàng Sơn 1 đạt 180 triệu USD, tăng 25% so cùng kỳ năm 2023, đứng thứ 2 trong số các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của cả nước.

Một yếu tố khác góp phần vào thành công của các doanh nghiệp chế biến điều là công nghệ chế biến và thiết bị được đầu tư ngày càng đồng bộ để đáp ứng yêu cầu khách hàng quốc tế.

Ông nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Bảo Ngân ở xã Thanh Hòa (huyện Bù Đốp) cho biết, năm 2024, đơn vị đã đạt các chứng nhận HACCP để xuất khẩu điều sang Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 2025, công ty đang cố gắng hoàn thiện các tiêu chuẩn BRC để xuất khẩu điều qua thị trường châu Âu, ông Thắng chia sẻ.

Xuất khẩu điều nhân Việt Nam còn phát triển hơn nữa

Ông Bạch Khánh Nhựt - Phó chủ tịch Vinacas cho biết, năm 2024, thị trường điều thô từ Bờ Biển Ngà có nhiều chính sách tạm dừng xuất khẩu, nhằm ưu tiên cho ngành điều trong nước. Đó là sự cố chưa từng xảy ra trong lịch sử nhập khẩu điều thô Việt Nam.

Người mua Việt Nam vốn có kinh nghiệm trong vấn đề xử lý giá từ giá điều thô đến giá điều nhân. Nghĩa là khi chốt đơn giá điều nguyên liệu, lập tức, họ có đơn giá xuất khẩu ngay.

Vì thế, Vinacas đã đề nghị Bờ Biển Ngà có chính sách công khai, minh bạch hơn trong mua bán điều, để các doanh nghiệp Việt Nam không bị động. Hiện Vinacas đã nhận được thông tin Bờ Biển Ngà sẽ không áp dụng chính sách bảo hộ như vừa qua.

Năm 2024, lần đầu tiên lịch sử trong 35 năm phát triển, kim ngạch xuất khẩu ngành điều đạt trên 4 tỷ USD.

Năm 2024, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu điều thô từ các nước châu Phi

Năm 2024, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu điều thô từ các nước châu Phi

Vì vậy, theo Vinacas, chỉ cần có sự hợp tác từ Chính phủ, hiệp hội các nước xuất khẩu xuất khẩu điều thô, kim ngạch xuất khẩu điều nhân Việt Nam còn phát triển hơn nữa.

Vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp cần nghiên cứu, phát triển sản phẩm điều chế biến sâu. “Giá trị gia tăng từ chế biến sâu rất cao, trong khi Việt Nam vẫn chủ yếu xuất hạt điều nhân thô ra thế giới”, ông Bạch Khánh Nhựt lưu ý.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam liên tục tăng mạnh kể từ tháng 5.2024, và tăng lên 6.673 USD/tấn trong tháng 12/2024.

Tính chung năm 2024, giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt mức 6.001 USD/tấn, tăng 6,1% so với năm 2023.

Năm 2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam diễn biến khá thuận lợi trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu tăng ở hầu hết các thị trường lớn. Tốc độ xuất khẩu sang các thị trường này đều ghi nhận mức tăng trưởng trên hai con số.

Lưu Thủy

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/nganh-dieu-tu-tin-duy-tri-muc-tang-truong-cao-nam-2025-315942.html
Zalo