Ngành dầu khí chuẩn bị nóng

Theo đánh giá của nhiều công ty chứng khoán, hoạt động đấu thầu và khởi công xây dựng các dự án dầu khí lớn sẽ làm nóng ngành này trong giai đoạn 2020 - 2022.

Theo ông Trần Hà Xuân Vũ, chuyên gia phân tích, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhu cầu dầu thế giới năm 2019 dự báo dao động từ 101 - 102 triệu thùng/ngày. Giá dầu nhiều khả năng thấp hơn mức trung bình 72 USD/thùng năm 2018, nhưng vẫn đủ để tạo động lực cho các dự án dầu khí lớn có thể triển khai.

Cụ thể, nhiều dự án trọng điểm đang và sắp triển khai như dự án đường ống Nam Côn Sơn giai đoạn 2 (có thể khởi công trong nửa cuối năm nay), dự án Sao Vàng Đại Nguyệt - giai đoạn 2, dự án Sư Tử Trắng - giai đoạn 2 đang chờ phê duyệt…

Đáng chú ý, 2 dự án quy mô đầu tư lớn là dự án Lô B - Ô Môn và Cá Voi Xanh cũng sẽ được khởi công xây dựng. Theo kế hoạch phát triển dự án Ô Môn, đường khí sẽ dẫn vào cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện ở Cần Thơ, Kiên Giang và Ô Môn.

Nhiều công ty chứng khoán nhận định, hoạt động đấu thầu và khởi công xây dựng các dự án dầu khí sẽ làm nóng ngành này trong giai đoạn 2020 - 2022. Lô B - Ô Môn và Cá Voi Xanh sẽ mang lại khoản backlog (đơn hàng chưa thực hiện) trị giá 20 tỷ USD cho các nhà thầu EPC (PVS, PXS và Vietsovpetro).

Năm 2018, giá dầu tăng nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành dầu khí có sự phân hóa. Những doanh nghiệp trung nguồn (vận chuyển, tàng trữ và phân phối dầu khí) như GAS có kết quả cải thiện, còn những doanh nghiệp thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí) như PVS, PVD, theo đánh giá của ông Vũ, là chưa tương xứng với mức tăng của giá dầu. Dù vậy, trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu có mức tăng khá mạnh, PVS, PVD, PVB tăng mạnh hơn so với GAS, PVT, BSR… Điều này cho thấy, thị trường đang kỳ vọng vào các doanh nghiệp này.

Năm 2019, ghi nhận từ báo cáo của các công ty chứng khoán VDSC, BSC, KIS Việt Nam, các doanh nghiệp thượng nguồn (PVS, PVD, PVB…) được đánh giá tích cực, trong bối cảnh giá dầu ở mặt bằng thuận lợi và các dự án dầu khí lớn sắp triển khai. Tuy nhiên, cần phòng ngừa rủi ro nếu các dự án không hoàn thành đúng tiến độ.

Trong đó, PVS được cho là doanh nghiệp đầu ngành ở thượng nguồn, hưởng lợi đầu tiên khi các dự án đi vào hoạt động. Đáng chú ý hơn ở doanh nghiệp này là đã bỏ mảng thăm dò địa chất - ROV (Liên doanh Địa vật lý CGGV giải thể trong năm 2018), giúp giảm gánh nặng lỗ cho PVS trong năm 2019 (giai đoạn 2014-2018, mảng ROV lỗ lần lượt 207 - 266 - 417 - 200 tỷ đồng).

Ngoài ra, PVS cung cấp kho nổi FSO cho dự án Sao Vàng Đại Nguyệt trong 7 năm (từ năm 2020), với tổng giá trị 176 triệu USD. VDSC ước tính, lợi nhuận mang về từ liên doanh, liên kết của PVS (bao gồm đơn vị vận hành FSO) khoảng 120 tỷ đồng mỗi năm.

PVS là nhà thầu xây dựng chính còn có thể hưởng lợi từ các dự án khởi động mà doanh nghiệp đã hoặc có khả năng trúng thầu như Sao Vàng Đại Việt giai đoạn 1, giá trị khoảng 200 triệu USD; dự án Gallaf, giá trị khoảng 320 triệu USD; các dự án đang đấu thầu khác như Nam Du - U Minh. Dĩ nhiên, rủi ro lớn nhất vẫn đến từ tiến độ các dự án.

Với PVB, giai đoạn 2016 - 2017, lợi nhuận rất thấp do nhu cầu bọc ống thấp, nhưng năm 2018 đã bắt đầu có lợi nhuận trở lại từ hoạt động kinh doanh chính (nhờ khối lượng công việc bọc ống từ dự án Cá Tầm). Ngoài ra, PVB được chỉ định làm nhà thầu tham gia cung cấp dịch vụ tại dự án Lô B - Ô Môn và Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 2. Tuy nhiên, dự án Nam Côn Sơn 2 dự kiến thực hiện từ quý IV/2019.

Đối với PVD, theo KIS Việt Nam, tất cả các giàn khoan tự nâng của PVD đều đã có việc làm ổn định trong nửa đầu năm 2019. Giàn khoan PVD I đang khoan cho Vietsovpetro, sẽ kéo dài đến cuối năm. Giàn PVD II vừa tham gia chiến dịch khoan mới cho nhà thầu Sabura tại Malaysia, đến tháng 7/2019.

Giàn PVD III hiện khoan cho Repsol tại Malaysia và được gia hạn hợp đồng khoan thêm 1 năm. Giàn PVD VI đang được Vietsovpetro thuê và sẽ khoan cho Eni vào tháng 4/2019. KIS Việt Nam cho rằng, PVD II và PVD VI có thể tiếp tục có công việc ổn định trong nửa cuối năm 2019, nâng hiệu suất cho thuê của đội giàn khoan tự nâng lên 94% (so với 86% trong năm 2018).

Trong nước, PVD có được mức giá cho thuê tốt hơn nhiều so với chi phí vốn. Với các dự án khoan quốc tế như tại Malaysia thì phải đấu giá và giá cho thuê theo sát giá trong khu vực (khoảng 60.000 USD/ngày). Nguồn cung giàn khoan trong khu vực khá cao và sự cạnh tranh rất mạnh.

Trong tổng nguồn cung 49 giàn khoan trẻ trong khu vực, chỉ có 25 giàn đang có việc. Điều này ảnh hưởng tới giá cho thuê ở thị trường quốc tế của PVD. Điểm tích cực ở PVD là sự cải thiện về khối lượng công việc và giá thuê giàn, bên cạnh đó là việc giãn khấu hao.

Nhã An

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nganh-dau-khi-chuan-bi-nong-post208696.html
Zalo