Công ty chứng khoán 'quốc doanh' lép vế
Trái ngược với các 'tiền bối' ngành ngân hàng, vị thế các công ty con phát triển mảng chứng khoán hiện chưa tương xứng với tiềm năng từ hàng loạt lợi thế sẵn có.
Trong bối cảnh bốn ngân hàng quốc doanh lớn (Big4) là Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV vẫn là “cánh tay nối dài” đắc lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc dẫn dắt thị trường tài chính và thực hiện các chính sách tiền tệ, các công ty con của nhóm Big4 phụ trách mảng chứng khoán lại chưa để lại nhiều dấu ấn cùng vai trò khá “mờ nhạt” trên thị trường.
Theo danh sách 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới chứng khoán lớn nhất trong quý III/2024 được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM công bố, dẫn đầu vẫn là những tên tuổi quen thuộc trong nhiều năm vừa qua như VPS, SSI, HSC, VietCap.
Trong khi đó, dù suy giảm nhẹ về thị phần, các công ty lâu năm như VNDirect, MBS vẫn duy trì được vị trí trong top 10. Sự tham gia và bứt phá của những làn gió mới như TCBS hay đặc biệt là VPS càng khiến cuộc đua thị phần môi giới trở nên sôi động.
Có thể thấy, trong danh sách trên có sự thiếu vắng những nhân tố “quốc doanh” như VCBS, BSC, CTS và Agriseco, các công ty chứng khoán thuộc Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank.
Sự “trái ngược” này càng khiến giới đầu tư quan tâm hơn khi mà nhóm “Big 4” ngân hàng quốc doanh, cổ đông lớn nhất hậu thuẫn đằng sau các hãng chứng khoán này, vẫn duy trì được vị thế hàng đầu.
Trợ lực từ ngân hàng mẹ
Trên thực tế, nhóm các công ty chứng khoán “quốc doanh” đều được thành lập từ rất sớm so với nhóm công ty tư nhân khác trong ngành và nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về mọi mặt từ các đợn vị chủ quản là nhóm ngân hàng top đầu trong hệ thống.
Tiêu biểu là BSC, được thành lập từ năm 1999 với tên giao dịch Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam – là một trong hai công ty chứng khoán đầu tiên, đồng thời là công ty đầu tiên trong ngành ngân hàng tham gia kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán.
Cùng ra đời trong năm 2000, CTS và Agriseco đều được thành lập tại Hà Nội từ quyết định cổ đông sáng lập là các ngân hàng mẹ.
Dù là “em út” trong nhóm, nhưng ngay từ năm 2002 – gần hai năm sau khi Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM chính thức đi vào hoạt động, VCBS chính thức thành lập theo quyết định của HĐQT Vietcombank.
Ngoài việc gia nhập thị trường từ rất sớm, các công ty này đều được kế thừa thương hiệu, uy tín, mạng lưới kinh doanh rộng khắp, đội ngũ nhân sự chất lượng và đặc biệt là thế mạnh về nguồn lực tài chính dồi dào đến từ các tổ chức tín dụng hàng đầu, đóng vai trò chủ lực trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Đồng thời, việc thừa hưởng hệ thống bán hàng và cung cấp dịch vụ với hàng ngàn điểm cung cấp dịch vụ hiện diện tại các địa phương trên cả nước, liên tục được mở rộng ngay từ buổi đầu thành lập là lợi thế hàng đầu đối với nhóm công ty chứng khoán này.
Kết quả chưa "xứng tầm"
Tuy vậy, trái ngược với các “tiền bối” ngành ngân hàng, trong suốt hành trình phát triển hơn 20 năm qua cùng thị trường, những gì các hãng chứng khoán này thể hiện chưa xứng với tiềm năng cùng hàng loạt lợi thế vượt trội sẵn có.
Nếu như nhóm các ngân hàng quốc doanh duy trì thành công việc điều tiết, định hướng phát triển trong ngành ngân hàng – “huyết mạch” của nền kinh tế , đồng thời dẫn dắt nhóm cổ phiếu “vua” khi đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh doanh đều đặn ở mức hai con số thì các công ty con phụ trách mảng chứng khoán lại tỏ ra “yếu thế” khi so với phần còn lại của ngành.
Bên cạnh việc không thể “chen chân” vào top 10 thị phần môi giới, quy mô vốn điều lệ - bộ đệm thiết yếu cho sự tăng trưởng của các công ty này cũng vẫn hết sức khiêm tốn ở mức gần 4.300 tỷ đồng (BSC), 2.500 tỷ đồng (VCBS), 2.160 tỷ đồng (Agriseco) hay chỉ chưa tới 1.500 tỷ đồng (CTS).
Khoảng cách này càng rõ khi đặt cạnh với các công ty chứng khoán tư nhân khác như SSI (gần 20.000 tỷ đồng), SHS (17.100 tỷ đồng), VIX (gần 15.000 tỷ đồng). Thậm chí, vốn điều lệ của một công ty này vượt xa cả tổng giá trị vốn điều lệ cả bốn thành viên “quốc doanh” cộng lại.
Nhóm công ty "quốc doanh" dường như nằm ngoài “cuộc đua” tăng vốn mạnh mẽ của cả ngành chứng khoán nhằm tích lũy nguồn lực chuẩn bị cho pha nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên “thị trường mới nổi” với hàng loạt những điều kiện về quy mô vốn cùng bộ đệm tài chính vững chắc để đảm bảo cho các kế hoạch phát triển, đặc biệt ở mảng cho vay ký quỹ và tự doanh.
Do đó, kết quả kinh doanh đi kèm của các công ty này chỉ khiêm tốn quanh mức vài chục tỷ đồng lãi ròng mỗi quý đối với CTS và Agriseco, còn VCBS và BSC “khá” hơn khi duy trì mức lãi bình quân khoảng 100-150 tỷ đồng/quý trong thời gian gần đây, nhưng cũng chỉ bằng 10-20% mức lợi nhuận mà SSI, TCBS, VPS hay VNDirect.
Trong cơ cấu kinh doanh, đa phần các tài sản được phân bổ đều cho các nghiệp vụ truyền thống như cho vay ký quỹ, kinh doanh trái phiếu Chính phủ, chứng chỉ tiền gửi, vốn là các hoạt động có mức độ an toàn cao, ít biến động đi kèm với khả năng đột phá lợi nhuận là hạn chế.
Đối với BSC, phần lớn các khoản lợi nhuận thu về đến từ các nghiệp vụ kinh doanh giấy tờ có giá như trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng chỉ tiền gửi... với định hướng dẫn đầu thị phần môi giới trái phiếu Chính phủ được công ty đề ra ngay từ buổi đầu thành lập.
Mảng môi giới và cho vay ký quỹ, dù chưa có vị thế trên thị trường, nhưng cũng duy trì mức đóng góp khoảng 40-50% cơ cấu doanh thu hoạt động của BSC, đặc biệt sau khi công ty tiếp cận được nguồn vốn “khủng” từ cổ đông lớn Chứng khoán Hana - một trong ba tập đoàn tài chính lớn nhất tại Hàn Quốc.
Tương tự, VCBS cũng có cơ cấu kinh doanh khá an toàn khi có sự đồng đều về tỷ trọng của các mảng kinh doanh. Công ty duy trì vị trí top đầu về thị phần môi giới, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu Chính phủ, bên cạnh mức đóng góp 50-60% doanh thu tới từ mảng cho vay ký quỹ và môi giới chứng khoán cho phần lớn là nhóm khách hàng tổ chức.
Các khoản cho vay và các tài sản tài chính, đầu tư cũng lần lượt ghi nhận mức tỷ trọng 40% và 50% tại hai công ty chứng khoán này.
Mặt khác, mức đóng góp của mảng môi giới lại được ghi nhận ở mức thấp hơn hẳn tại CTS và Agriseco, chỉ khoảng 10-15% tổng doanh thu mỗi quý.
Đối với CTS, mảng tự doanh của công ty này được đánh giá là “năng nổ” nhất trong nhóm khi phần lớn số vốn còn lại được sử dụng cho mảng tự doanh cổ phiếu niêm yết, ngoài ra khoảng 30% nguồn vốn được dành cho các khoản vay ký quỹ.
Chia sẻ về chiến lược tự doanh, tại đại hội đồng cổ đông 2024, Tổng giám đốc Vũ Đức Mạnh cho biết CTS là nhà đầu tư chuyên nghiệp, đồng thời là một công ty chứng khoán, công ty dựa trên cách tiếp cận đầu tư an toàn, hiệu quả và tận dụng tối đa cơ hội thị trường.
Còn tại Agriseco, thay vì dồn vốn cho mảng tự doanh hay môi giới, hơn 90% tài sản được dành cho các khoản tiền gửi, phải thu và cho vay ngắn hạn.
Tín hiệu “chuyển mình”
Trong xu thế đẩy mạnh tăng trưởng kết hợp chuyển dịch cơ cấu hoạt động của toàn ngành nhằm chuẩn bị đón dòng vốn hàng chục tỷ USD có thể chảy vào thị trường chứng khoán sau khi được nâng hạng, các kế hoạch phát triển cũng có sự phân hóa trong nhóm các công ty chứng khoán “quốc doanh”.
Sự “bứt phá” sớm được ghi nhận đối với trường hợp của BSC với một loạt những động thái gia tăng về cả quy mô và chất lượng tăng trưởng.
Theo đó, cuối năm 2022, Chứng khoán Hana đã chính thức trở thành cổ đông lớn thứ hai tại BSC sau khi mua vào hơn 65,7 triệu cổ phiếu BSI từ đợt chào bán riêng lẻ để sở hữu 35% vốn điều lệ công ty.
Ngay sau phát hành, vốn điều lệ của BSC tăng từ 1.221 tỷ đồng lên 1.878 tỷ đồng cùng số tiền huy động là gần 2.700 tỷ đồng phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Đáng chú ý, với mức giá phát hành lên tới 41.000 đồng/cổ phiếu (gần gấp ba thị giá cổ phiếu cuối năm 2022), thương vụ này cũng đem lại cho BSC khoản thặng dư vốn cổ phần hơn 2.000 tỷ đồng.
Không chỉ dừng ở khía cạnh nguồn vốn, BSC và Hana đã cùng khởi động nhiều dự án mới, từ thúc đẩy các dự án chuyển đổi số, đặc biệt là nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng hệ thống giao dịch KRX tới đây (lợi thế từ công ty Hàn Quốc), cho đến phát triển mạng lưới khách hàng cá nhân và tổ chức nước ngoài.
Ngoài ra, đầu năm ngoái, BSC và định chế tài chính quốc tế Edmond de Rothschild - thành viên trong “hệ sinh thái” của gia tộc Rothschild vừa ký kết thỏa thuận liên doanh góp vốn nhằm triển khai thành lập công ty quản lý quỹ tại Việt Nam.
Theo BSC, thỏa thuận hợp tác hướng đến việc phát triển các sản phẩm quỹ và dịch vụ tối ưu, phù hợp với nhà đầu tư tại Việt Nam. Tổ chức quản lý quỹ sau khi được thành lập sẽ cộng hưởng sức mạnh từ ngân hàng mẹ là BIDV, Edmond de Rothschild, Hana Securities và BSC và là nơi “hội tụ tinh hoa” để phát triển các giải pháp đầu tư hiệu quả, tối ưu cho khách hàng.
Đây được xem là bàn đạp vững chắc để BSC tiến gần hơn tới tham vọng trở thành “ngân hàng đầu tư” đầu tiên Việt Nam trong tương lai không xa.
Ngoài ra, dù tốc độ tăng trưởng còn hạn chế nhưng trong những năm gần đây, đã có những chuyển biến tích cực được nhận thấy trong các kế hoạch kinh doanh, phát triển của CTS.
Theo xu hướng chung của thị trường, hãng chứng khoán này liên tục có mức tăng trưởng đều trong danh mục tự doanh cũng như cho vay margin ở mức 5-10% mỗi quý. Đặc biệt, ban lãnh đạo có sự chủ động “mạnh dạn” hơn trong các kế hoạch đầu tư với hơn 1.000 tỷ giá trị danh mục tự doanh các cổ phiếu niêm yết, cao nhất trong nhóm 4 công ty cũng như trong lịch sử hoạt động của CTS.
Tại đại hội đồng cổ đông đầu năm, lãnh đạo CTS cho biết, trong xu thế chung, các công ty chứng khoán sẽ tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính, gia tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường và CTS cũng không nằm ngoài xu thế đó. Theo đó, CTS sẽ thực hiện tăng vốn, sau khi được cấp phép.
“Tăng vốn là việc cần phải làm đối với các công ty chứng khoán trong giai đoạn hiện nay, để tận dụng thị trường và đón đầu việc nâng hạng thị trường”, ông Trần Phúc Vinh, Chủ tịch HĐQT CTS khẳng định.
Trong khi đó, sự “đột phá” chưa thực sự nhận thấy rõ ở các kế hoạch phát triển của VCBS cũng như Agriseco. Ở VCBS, thậm chí hãng chứng khoán này vẫn chưa có động thái thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán để tiếp cận với nguồn lực mới cùng các tiêu chuẩn đại chúng hóa.
Bên cạnh tiếp tục phát huy tối đa hoạt động bán chéo với các ngân hàng mẹ, tích cực tham gia chuyển đổi số theo xu hướng chung của nền kinh tế, hai công ty vẫn tập trung cấu trúc lại các mảng kinh doanh theo hướng phát triển an toàn, bền vững.