Ngành Công thương Tiền Giang đạt nhiều kết quả nổi bật trong năm 2024
Ngày 3-1, Sở Công thương Tiền Giang tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ ngành Công thương năm 2024. Tham dự có đồng chí Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng ngành Công thương tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực vượt khó, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 12,44% so với cùng kỳ, vượt xa mức tăng 5,12% của năm trước. Chỉ số tăng chủ yếu thuộc thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt.
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 6 tỷ USD, tăng 9,97% so với cùng kỳ và vượt 20% kế hoạch năm. Trong đó, dệt may đạt 1 tỷ USD (tăng 18,58%), giày dép đạt 910 triệu USD (tăng 7,96%), rau quả đạt 154,51 triệu USD (tăng 72,25%).
Riêng mặt hàng sầu riêng đã khẳng định vị thế trên thị trường Trung Quốc, chiếm 52,82% kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả. Hoạt động thương mại trong nước cũng gây ấn tượng với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 89.250 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm trước.
Trong năm qua, ngành đã đưa vào hoạt động Trung tâm Thương mại Central Plaza Hotel Mỹ Tho và nghiệm thu bàn giao 4 dự án chợ với tổng mức đầu tư 11,276 tỷ đồng. Ngoài ra, 6 chợ mới với tổng mức đầu tư 23,696 tỷ đồng đang được triển khai.
Về khoa học công nghệ, ngành đã tổ chức hội thảo khoa học về nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu lúa - gạo, thu hút 91 đại biểu tham dự. Công tác khuyến công cũng đã hỗ trợ 9 đề án với tổng kinh phí 1,542 tỷ đồng, nhấn mạnh việc chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Trọng đánh giá cao những nỗ lực của ngành Công thương trong năm 2024; đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ và khai thác hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Năm 2025, đồng chí đề nghị Sở Công thương tiến hành đánh giá thực trạng và tình hình phát triển ngành Công thương một cách toàn diện, trên cơ sở các nhiệm vụ đã triển khai. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho năm 2025 cũng như trong cả nhiệm kỳ tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị sau khi sáp nhập Cục Quản lý thị trường vào Sở Công thương, cần nghiên cứu, xác định nhiệm vụ phù hợp, đảm bảo hiệu quả quản lý và điều hành.
Về sản xuất, kinh doanh, đồng chí yêu cầu tăng cường công tác quản lý thị trường trong dịp tết, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và duy trì trật tự trong hoạt động mua bán; cần kiểm soát chặt chẽ việc cạnh tranh giữa kinh doanh trực tuyến và chợ truyền thống để tạo môi trường công bằng, minh bạch.
Việc tổ chức hội chợ và xúc tiến thương mại cần được quản lý nghiêm ngặt hơn, đặc biệt trong khâu lựa chọn sản phẩm tham gia. Sản phẩm giới thiệu phải đảm bảo nguồn gốc, chất lượng và chủ thể tham gia phải phù hợp với tính chất sự kiện.
Đồng thời, cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thu hút thêm nhiều chủ thể tham gia hội chợ, nâng cao hiệu quả kết nối thương mại. Đối với các cơ sở đã được cấp mã số vùng trồng và mã đóng gói, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu, cần tăng cường kiểm soát nhằm đảm bảo chất lượng và uy tín thương hiệu, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế…
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen cho 10 tập thể có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024; Sở Công thương tặng Giấy khen cho 11 Phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế - Hạ tầng cấp huyện đã có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực công thương năm 2024; tặng Giấy khen cho 3 tập thể và 4 cá nhân có thành tích hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2024.