Ngành Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu
Những nỗ lực trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển thị trường nước ngoài của Bộ Công Thương đã giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 - 2030 cho biết, về hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển thị trường nước ngoài, với vai trò là cơ quan đầu mối về hội nhập kinh tế quốc tế, đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA), Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành trong việc tích cực, chủ động tham mưu với Chính phủ về đàm phán, ký kết các FTA mới, cũng như đàm phán nâng cấp các FTA đã ký kết; chủ trì xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án thực hiện các FTA.
Tháo gỡ các rào cản trong thương mại quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu
Trong giai đoạn 2020 - 2025, Việt Nam đã ký kết 04 FTA (gồm RCEP, FTA Việt Nam - Israel, FTA Việt Nam - Vương quốc Anh và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE), nâng tổng số FTA đã ký kết lên 17 hiệp định, nâng thị trường có FTA với Việt Nam lên 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, ta cũng ký kết Nghị định thư thứ hai sửa đổi Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) nhằm nâng cấp hiệp định này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE Thani bin Ahmed Al Zeyoudi ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (Hiệp định CEPA). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Xuất khẩu sang các thị trường thành viên các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA tăng trưởng cao và ổn định, như xuất khẩu sang Australia (thành viên CPTPP) năm 2024 đạt 6,5 tỷ USD, tăng 23,8% so với năm 2023, xuất khẩu sang Canada (thành viên CPTPP) đạt 6,4 tỷ USD, tăng 13,5%; xuất khẩu sang EU đạt 51,7 tỷ USD, tăng 18,5%.
Cam kết trong các FTA thế hệ mới được xây dựng để phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới và vai trò, vị thế của nền kinh tế Việt Nam trong phân công lao động toàn cầu, qua đó, mở ra các ngành, lĩnh vực tăng trưởng mới, góp phần xây dựng, củng cố các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Bên cạnh việc tiếp tục tập trung vào mở cửa thị trường thông qua cắt giảm thuế nhập khẩu, các FTA thế hệ mới mở ra các cam kết mới về phát triển bền vững, yêu cầu tuân thủ tiêu chuẩn môi trường và lao động; thương mại số, quy định về luân chuyển dữ liệu xuyên biên giới và bảo vệ dữ liệu cá nhân, hỗ trợ thương mại điện tử; bảo vệ sở hữu trí tuệ, tăng cường bảo hộ bản quyền và sáng chế, phù hợp với ngành công nghệ cao; và tăng cường tính minh bạch, thuận lợi hóa thương mại, đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm chi phí logistics... Những cam kết này giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc chủ động thiết lập và triển khai các cơ chế, khung khổ hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng thông qua các ủy ban liên chính phủ, ủy ban hỗn hợp, tiểu ban hỗn hợp và các nhóm công tác, các diễn đàn hợp tác song phương và đa phương đã tạo thuận lợi cho công tác vận động chính sách, tháo gỡ các rào cản thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường nước ngoài, giúp doanh nghiệp xử lý các rào cản trong thương mại quốc tế, tăng cường chia sẻ thông tin, công nghệ để phát triển bền vững, giúp mở rộng quan hệ thương mại và nâng cao vị thế của Việt Nam với các thị trường quốc tế và trong chuỗi cung ứng toàn cầu; tạo cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến và thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập sâu vào các khu vực thị trường trọng điểm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ dẫn đầu Đoàn đàm phán của Việt Nam tham dự phiên đàm phán lần thứ 2 Hiệp định song phương về Thương mại đối ứng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
Đặc biệt, năm 2025, phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và hoạt động của ngành Công Thương nói riêng diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại, phân tách chuỗi cung ứng, trừng phạt về kinh tế, chạy đua về khoa học công nghệ trên thế giới ngày càng gia tăng. Kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố phức tạp và khó dự đoán hơn, đặc biệt là những bất định về thương mại gia tăng, khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump công bố áp dụng thuế nhập khẩu và thuế đối ứng với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên được Chính phủ tin tưởng, giao làm Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về thỏa thuận thương mại đối ứng với Mỹ. Với nguyên tắc giải quyết các nội dung đàm phán một cách hài hòa, khoa học theo đúng quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Đoàn đám phán đã chủ động và linh hoạt xử lý các vấn đề để đảm bảo các mục tiêu đề ra. Việt Nam và Hoa Kỳ đều khẳng định mong muốn và quyết tâm hướng đến một thỏa thuận phù hợp với lợi ích đôi bên.
Đổi mới, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại với gần 1.000 đề án
Công tác xúc tiến thương mại tiếp tục được đẩy mạnh và đổi mới một cách triệt để về phương thức và nội dung. Hệ thống các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam ở nước ngoài (hệ thống Cơ quan thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại), các cơ quan đại diện ngoại giao hoạt động ngày càng hiệu quả trong việc hỗ trợ, cung cấp thông tin về thị trường nước ngoài cho doanh nghiệp; hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài để sản phẩm Việt tiếp cận sâu hơn vào thị trường toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long chủ trì Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2024.
Thông qua Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, các đối tác quốc tế tổ chức các hội nghị cấp cao, triển lãm, hội chợ quốc tế; các diễn đàn xúc tiến xuất khẩu; các khóa tập huấn, đào tạo cung cấp thông tin; công tác giao ban giữa Bộ với các thương vụ ở nước ngoài với sự tham gia của các bộ, ngành, hiệp hội… được xây dựng và duy trì đều đặn hàng tháng để cập nhật thông tin thị trường xuất khẩu.
Gần 1.000 đề án xúc tiến thương mại với kinh phí hơn 800 tỷ đồng đã được các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan xúc tiến thương mại trung ương và địa phương triển khai thực hiện nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chú trọng xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường lớn, các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam; các thị trường mới, thị trường tiềm năng… hơn 30 bản ghi nhớ hợp tác (MOU) trong lĩnh vực xúc tiến thương mại với các đối tác, cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài (Nga, Australia, Pháp, Trung Quốc, Slovenia, Malaysia,…) đã được ký kết nhằm tăng cường thiết lập quan hệ hợp tác song phương, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế hiệu quả.
Trong bối cảnh gia tăng xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, Bộ Công Thương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số như nền tảng giao thương ảo, số hóa hồ sơ thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại dựa trên nền tảng số để dự đoán xu hướng thị trường, tích hợp blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu, xuất khẩu xanh… Theo đó, đã hỗ trợ gần 50.000 lượt doanh nghiệp tham gia hưởng lợi trực tiếp, tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương đạt trên 350 triệu USD; tổng giá trị hợp đồng phân phối, doanh số bán hàng trực tiếp tại các hội chợ vùng đạt khoảng 500 tỷ đồng.

Giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam xếp hạng 32 toàn cầu năm 2024, tăng 5 bậc so với hạng 37 năm 2020, xếp thứ 2 Đông Nam Á (sau Thái Lan)
Công tác xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, ngành hàng, sản phẩm và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam được chú trọng, góp phần khẳng định vị thế hàng hóa trên thị trường toàn cầu.
Chương trình Thương hiệu Quốc gia đã công nhận khoảng 1.000 sản phẩm của gần 500 doanh nghiệp là sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế quy mô lớn ở trong nước và nước ngoài (như Triển lãm Thế giới Expo 2020 Dubai, Expo 2025 Osaka; Triển lãm Vietnam Foodexpo; Hội chợ Vietnam Expo,…); truyền thông, quảng bá các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý Việt Nam (gạo, hạt điều, hạt tiêu, dừa, trà, xoài, cà phê) tại các sự kiện xúc tiến thương mại, kinh tế, ngoại giao và văn hóa chính trị thông qua hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm nâng cao nhận thức và quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế…
Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển, tăng cường nhận diện Thương hiệu Quốc gia, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý tại thị trường trong nước và nước ngoài. Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam xếp hạng 32 toàn cầu năm 2024, tăng 5 bậc so với hạng 37 năm 2020, xếp thứ 2 Đông Nam Á (sau Thái Lan). Việt Nam cũng khẳng định được vị trí cạnh tranh về thương hiệu xuất khẩu đối với nhiều ngành hàng, mặt hàng như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ…