Hoàn thành 3.000km cao tốc và 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Chính phủ và địa phương ngày 16-7 về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng 9,62% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong giai đoạn 2021-2025, đóng góp 0,63 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP cả nước.
Mục tiêu đóng góp 17,23% giá trị GDP
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, trong năm 2025, ngành xây dựng cần đóng góp khoảng 17,23% giá trị GDP, tăng 0,17% so với năm 2024; đồng thời gián tiếp tạo thêm 4-5% GDP thông qua hiệu ứng lan tỏa tới các ngành khác như sản xuất máy móc, tiêu dùng dân cư… Đáng chú ý, số vốn đầu tư nước ngoài cấp mới cho hoạt động kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm đạt 2,25 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn FDI cấp mới toàn quốc.
Về xây dựng thể chế, Bộ đã trình Quốc hội thông qua 1 luật, 4 nghị quyết; Chính phủ và Thủ tướng ban hành 8 nghị định, 1 quyết định; ban hành theo thẩm quyền 21 thông tư. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo mô hình chính quyền 2 cấp với 115 nhiệm vụ giao cấp tỉnh và 94 nhiệm vụ giao cấp xã.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Minh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Chính phủ và địa phương ngày 16-7 về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025. Ảnh: VGP
Bộ Xây dựng cũng đang khẩn trương rà soát các bộ tiêu chuẩn về đường sắt tốc độ cao, đường bộ, nhà máy điện hạt nhân… để bảo đảm điều kiện triển khai các dự án trọng điểm quốc gia ngay khi sẵn sàng.
Tăng tốc hạ tầng giao thông và đô thị
Ngành xây dựng đã đưa vào khai thác thêm các đoạn tuyến thuộc 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nâng tổng chiều dài cao tốc cả nước lên 2.268km. Hiện đang triển khai 25 dự án/dự án thành phần với tổng chiều dài 941km để hoàn thành mục tiêu 3.000km cao tốc vào cuối năm 2025.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; hoàn thiện hồ sơ đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nhằm tạo không gian phát triển mới, kết nối vùng miền và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Cùng đó, thu hút đầu tư tư nhân và FDI tiếp tục duy trì tích cực, tập trung vào hạ tầng cảng biển, hàng không, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và nhà ở công nhân tại các đô thị lớn.
Hiện Bộ Xây dựng đang nghiên cứu giải pháp phát triển đô thị thông minh, xanh - sạch - đẹp, hoàn thiện tiêu chuẩn về cấp - thoát nước, cây xanh đô thị, xử lý rác thải... Tính đến cuối tháng 6-2025, tỷ lệ đô thị hóa của cả nước ước đạt 44,3%.
Trong lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng đã trình thí điểm nhiều chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội tại 27 địa phương. Tính đến ngày 30-6, đã hoàn thành 35.631/100.000 căn nhà ở xã hội và khởi công 26 dự án mới với tổng quy mô 23.561 căn. Bộ cũng rà soát, tháo gỡ khó khăn cho 136/788 dự án bất động sản và chuyển các trường hợp còn lại cho Bộ Tài chính nghiên cứu xử lý.

Trong những tháng cuối năm, ngành xây dựng đặt mục tiêu hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội. Ảnh: VGP
Hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng ghi nhận dấu hiệu phục hồi tích cực: Sản lượng xi măng đạt gần 46 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm; thép xây dựng, gạch ốp lát, kính xây dựng đều tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, giá một số vật liệu đầu vào, nhất là cát san lấp và vật liệu tại các khu vực đô thị hóa nhanh vẫn còn biến động.
Một số chỉ tiêu khác đều tăng trưởng tốt như, vận chuyển hành khách tăng 20,9%, vận chuyển hàng hóa tăng 14,3% so với cùng kỳ. Tái cơ cấu doanh nghiệp cũng ghi nhận kết quả tích cực, lợi nhuận các doanh nghiệp thuộc Bộ ước đạt 2.299 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra.
Về chuyển đổi số, Bộ Xây dựng đã tích hợp dữ liệu chuyên ngành với hệ thống quốc gia về quy hoạch, đất đai; số hóa hệ thống thông tin cấp phép xây dựng, chứng chỉ hành nghề, thẩm định thiết kế… Hệ thống điều hành giao thông thông minh (ITS) đang được triển khai đồng bộ...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Minh thẳng thắn cho biết, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Bộ vẫn thấp; doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện vai trò dẫn dắt rõ nét; năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số còn hạn chế; thị trường bất động sản chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng
Trong những tháng cuối năm, ngành xây dựng đặt mục tiêu giải ngân toàn bộ kế hoạch đầu tư công năm 2025; hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội; duy trì tăng trưởng vận tải khoảng 13%; sản lượng tiêu thụ xi măng đạt 95-100 triệu tấn, tăng 2-3%; góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP toàn quốc 8,3-8,5%.
Hiện Bộ Xây dựng đã thiết lập đường dây nóng hỗ trợ các địa phương trong triển khai chính quyền 2 cấp, sẵn sàng phân công cán bộ hỗ trợ trực tiếp nếu cần thiết. Đồng thời, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm điều chỉnh chỉ tiêu nhà ở xã hội đến năm 2030 để các địa phương có cơ sở cập nhật vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Cùng đó, Bộ Xây dựng kiến nghị Đảng ủy Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương xây dựng Nghị quyết Quốc hội cho phép thí điểm mô hình Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý. Để bảo đảm mục tiêu giải ngân và hoàn thành 3.000km cao tốc, Bộ đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tận dụng thời tiết thuận lợi để thi công, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư cho các dự án trọng điểm như đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các tuyến metro và cao tốc quan trọng trong năm 2025.