Ngành công nghiệp ôtô Mỹ trước đòn thuế quan của ông Trump

Chính sách thuế quan mới của Mỹ có thể ngăn làn sóng ôtô Trung Quốc đổ bộ thông qua cửa ngõ Mexico, nhưng cũng tiềm ẩn bất lợi cho ngành công nghiệp ôtô nội địa.

 General Motors là nhà sản xuất ôtô có sản lượng lớn nhất tại Mexico. Ảnh: Bloomberg.

General Motors là nhà sản xuất ôtô có sản lượng lớn nhất tại Mexico. Ảnh: Bloomberg.

Chỉ vài giờ trước khi thuế nhập khẩu Mỹ áp lên Mexico, Trung Quốc và Canada có hiệu lực, tổng thống Donald Trump "quay xe" tạm hoãn kế hoạch áp thuế lên Mexico và Canada thêm một tháng.

Trước đó vào những ngày đầu tháng 2, Tổng thống Donald Trump ký 3 sắc lệnh hành pháp, áp dụng mức thuế 25% với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico, cùng mức thuế quan 10% với mọi hàng hóa Trung Quốc.

Động thái này của ông Trump một mặt ngăn cản cách tiếp cận thị trường Mỹ của các hãng xe Trung Quốc thông qua nhà máy ở Mexico, mặt khác là lời mời gọi các nhà sản xuất ôtô toàn cầu đến Mỹ xây dựng nhà máy.

“Quý vị chỉ cần xây dựng nhà máy tại Mỹ và không phải chịu mức thuế nào cả”, ông Donald Trump từng nói.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp ôtô Mỹ thực sự được gì và mất gì từ chính sách này của Tổng thống Donald Trump?

Nỗ lực “tái sinh” ngành công nghiệp ôtô truyền thống

Khi công bố áp thuế quan 25% với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada, ông Trump nói lý do cho chính sách này là các nước chia sẻ đường biên giới đã không thể ngăn chặn dòng người di cư và fentanyl tràn vào Mỹ.

Tuy nhiên, động thái của Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng cũng nhắm đến chặn đứng con đường ôtô Trung Quốc tràn vào xứ cờ hoa thông qua việc xây dựng nhà máy và sản xuất ôtô tại các quốc gia này, nhất là Mexico.

Hiện, Geely là nhà sản xuất ôtô Trung Quốc duy nhất có thể bán xe tại Mỹ, thông qua một số thương hiệu con đang sở hữu như Volvo, Polestar, Lotus và Zeekr.

 Polestar là thương hiệu thuộc tập đoàn Geely của Trung Quốc đang có mặt trên thị trường Mỹ. Ảnh: Polestar.

Polestar là thương hiệu thuộc tập đoàn Geely của Trung Quốc đang có mặt trên thị trường Mỹ. Ảnh: Polestar.

Những hãng xe Trung Quốc khác như BYD, MG hay Chery chưa có tuyên bố rõ ràng về tham vọng chinh phục thị trường Mỹ nhưng đã rục rịch chuẩn bị xây dựng nhà máy ở Mexico.

Động thái này chủ yếu hướng đến sản xuất xe phục vụ khách hàng Mexico, nhưng cũng có thể xem là sự chuẩn bị của những hãng xe Trung Quốc cho kế hoạch xâm nhập thị trường Mỹ bằng cách tận dụng ưu thế thuế quan từ Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).

Đây là chính sách thay thế cho Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) kể từ tháng 7/2020, trong đó bắt buộc 75% thành phần ôtô phải được sản xuất ở Bắc Mỹ để tránh khả năng các hãng xe bị đánh thuế cao khi đưa sản phẩm vào thị trường Mỹ.

Tuy nhiên với chính sách thuế quan mới nhất, Tổng thống Trump gần như đã đóng sập “cánh cửa” vào thị trường Mỹ thông qua Mexico mà nhiều hãng xe Trung Quốc nhắm đến.

Mức thuế 25% áp dụng cho hàng hóa Mexico và Canada kể từ ngày 4/2 là tương đương với khoản “thuế gà” mà chính quyền Mỹ áp dụng cho bán tải nhập khẩu.

Chính sách “thuế gà”, vốn đã được Tổng thống Lyndon B. Johnson áp đặt từ năm 1964 trong động thái trả đũa Pháp và Tây Đức với gia cầm Mỹ, từ lâu được xem là sự “bảo hộ” của chính quyền Mỹ dành cho ngành công nghiệp bán tải địa phương.

 Bán tải Mỹ hưởng lợi từ "thuế gà". Ảnh: Ford.

Bán tải Mỹ hưởng lợi từ "thuế gà". Ảnh: Ford.

“Thuế gà” lên đến 25% giá trị xe vẫn được áp dụng đến ngày nay cho bán tải nhập khẩu, là một phần lý do quan trọng giúp thị trường bán tải ở Mỹ ngập tràn các sản phẩm lắp ráp nội địa. Chính sách này cũng giúp bán tải các thương hiệu nội địa gia tăng sức cạnh tranh trước những đối thủ nước ngoài.

Vì vậy, nhiều khả năng chính sách thuế quan mới mà Tổng thống Donald Trump công bố, kết hợp thái độ không mấy tích cực mà tân Tổng thống Mỹ dành cho xe điện, sẽ có thể giúp ngành công nghiệp ôtô truyền thống của Mỹ “hồi sinh”.

Tác động này không chỉ xảy đến với các hãng xe nội địa mà còn bao gồm sự xuất hiện ngày càng nhiều của những nhà máy sản xuất ôtô mới, có thể đến từ các thương hiệu ôtô Trung Quốc.

Mặt trái của chính sách

Trang tin NBC News nhận định ngành công nghiệp ôtô Mỹ nằm trong số những lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất trước quyết định thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump.

Năm ngoái, Mexico đứng đầu danh sách các nước xuất khẩu phụ tùng ôtô lớn nhất sang Mỹ với tổng giá trị kim ngạch hơn 100 tỷ USD. Canada cũng nằm trong nhóm đầu danh sách này với kim ngạch trong năm vừa rồi đạt 34 tỷ USD.

 Mexico là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành công nghiệp ôtô Mỹ. Ảnh: Mexico Business News.

Mexico là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành công nghiệp ôtô Mỹ. Ảnh: Mexico Business News.

Thậm chí, General Motors - nhà sản xuất ôtô hàng đầu của Mỹ - còn là cái tên sở hữu sản lượng xe thường niên cao nhất tại Mexico.

Theo The New York Times, General Motors đã hoàn thành sản xuất gần 900.000 xe tại Mexico trong năm vừa rồi, phần lớn được xuất khẩu sang thị trường Mỹ để phục vụ khách hàng quê nhà.

Các mẫu xe chủ lực của General Motors tại thị trường Mỹ như Chevrolet Silverado, GMC Sierra hay Chevrolet Equinox cũng được sản xuất ở nhà máy Mexico. Ngoài ra, nhà sản xuất ôtô Mỹ cũng cho sản xuất một số xe bán tải Silverado và xe van chạy điện ở Canada.

Dữ liệu của Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) chỉ ra khá nhiều dòng xe bán ra cho khách hàng Mỹ được lắp ráp ở Mexico. Thậm chí, một vài xe còn có dây chuyền lắp ráp, nơi sản xuất động cơ và hộp số đều nằm ở quốc gia có đường biên giới giáp Mỹ về phía nam.

Chẳng hạn, Ford Mustang Mach-E hay Nissan Sentra là những mẫu xe lắp ráp tại Mexico, với động cơ và hộp số cũng được sản xuất ở Mexico.

Ford Bronco và Ford Maverick cũng được nhà sản xuất ôtô Mỹ cho lắp ráp ở Mexico, với một số tùy chọn động cơ sản xuất ở cùng quốc gia Bắc Mỹ. GMC Acadia được hãng xe Mỹ cho lắp ráp tại quê nhà, nhưng động cơ trang bị cho mẫu SUV cỡ trung được sản xuất ở Mexico.

Trang tin Cato dẫn dữ liệu từ Viện Thống kê và địa lý quốc gia Mexico cho thấy General Motors, Ford và Chrysler (Stellantis) đã nhập khẩu tổng cộng gần 1,4 triệu ôtô du lịch từ Mexico trong năm 2024.

Cũng theo nguồn dữ liệu này, chỉ riêng 3 hãng xe trụ cột ngành công nghiệp ôtô xứ cờ hoa đã đóng góp gần một nửa lượng ôtô du lịch mà Mỹ nhập khẩu từ quốc gia phía nam trong năm vừa rồi.

 Ford Mustang Mach-E là một mẫu xe Mỹ được sản xuất tại Mexico. Ảnh: Ford.

Ford Mustang Mach-E là một mẫu xe Mỹ được sản xuất tại Mexico. Ảnh: Ford.

Sự phụ thuộc của ngành công nghiệp ôtô Mỹ vào các quốc gia láng giềng như Mexico và Canada là lý do để tin rằng chính sách thuế quan mới nhất của Tổng thống Trump có thể tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ.

Cái tên hưởng lợi lớn nhất có lẽ là Tesla khi sản phẩm xe điện của hãng này gần như hoàn toàn thuần Mỹ. Câu chuyện được-mất của Tesla giữa chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump sẽ được Tri thức - Znews nhắc đến trong bài viết tiếp theo.

Phúc Hậu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nganh-cong-nghiep-oto-my-se-the-nao-truoc-don-thue-quan-cua-ong-trump-post1528973.html
Zalo