Tổng số lượng Thẩm phán TAND các cấp là 7.004 người

TAND Tối cao đề nghị tiền lương của Thẩm phán TAND cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đồng bộ trong chế độ, chính sách tiền lương chung của cả hệ thống chính trị.

Chiều 6-2, tiếp tục phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua hai nghị quyết về triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND 2024.

Thẩm phán TAND có 3 bậc

Nghị quyết quy định về bậc, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc và số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán TAND quy định các bậc Thẩm phán TAND gồm: Thẩm phán TAND bậc 1, Thẩm phán TAND bậc 2, Thẩm phán TAND bậc 3.

Nghị quyết quy định rõ các điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc, nguyên tắc nâng bậc và thẩm quyền quyết định nâng bậc, xếp bậc…

Về số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán TAND, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tổng số lượng Thẩm phán TAND của TAND các cấp là 7.004 người. Trong đó, TAND Tối cao có Thẩm phán bậc 1, Thẩm phán bậc 2 và Thẩm phán bậc 3.

Số lượng Thẩm phán công tác tại TAND Tối cao là 50 người, trong đó Thẩm phán bậc 3 không quá 40%, Thẩm phán bậc 2 không quá 30% số lượng Thẩm phán được giao.

TAND Cấp cao có Thẩm phán bậc 3. Số lượng Thẩm phán bậc 3 công tác tại TAND Cấp cao là 170 người.

TAND cấp tỉnh, TAND sơ thẩm chuyên biệt có Thẩm phán bậc 2, Thẩm phán bậc 3. Số lượng Thẩm phán của Tòa cấp tỉnh là 1.235 người, trong đó Thẩm phán bậc 3 không quá 30% số lượng Thẩm phán được giao.

TAND cấp huyện có Thẩm phán bậc 1 và Thẩm phán bậc 2. Số lượng Thẩm phán của Tòa cấp huyện là 5.549 người, trong đó Thẩm phán bậc 2 không quá 30% số lượng Thẩm phán được giao.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua hai nghị quyết về triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2024. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua hai nghị quyết về triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2024. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Cũng theo Nghị quyết vừa được thông qua, tổng số lượng Thẩm phán của Tòa án quân sự các cấp là 129 người. Trong đó, Tòa án quân sự trung ương có Thẩm phán bậc 3. Số lượng Thẩm phán của Tòa án quân sự trung ương là 15 người.

Tòa án quân sự quân khu và tương đương có Thẩm phán bậc 2, Thẩm phán bậc 3. Số lượng Thẩm phán của Tòa án quân sự quân khu và tương đương là 54 người, trong đó Thẩm phán bậc 3 không quá 30% số lượng Thẩm phán được giao.

Tòa án quân sự khu vực có Thẩm phán bậc 1, Thẩm phán bậc 2. Số lượng Thẩm phán của Tòa án quân sự khu vực là 60 người, trong đó Thẩm phán bậc 2 không quá 30% số lượng Thẩm phán được giao.

Nghị quyết giao Chánh án TAND Tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định số lượng, cơ cấu, tỷ lệ Thẩm phán bậc 2 và Thẩm phán bậc 3 tại TAND sơ thẩm chuyên biệt khi thành lập Tòa sơ thẩm chuyên biệt trong tổng biên chế của TAND do cấp có thẩm quyền quy định.

Không đề xuất chính sách mới về tiền lương đối với thẩm phán

Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát ban hành kèm theo Nghị quyết 730/2004/UBTVQH11 và Nghị quyết số 1212/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đề xuất chính sách mới về tiền lương đối với thẩm phán.

Nghị quyết chỉ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của hai Nghị quyết cho phù hợp với quy định mới về bậc của Thẩm phán như “Thẩm phán TAND bậc 3” thay cho “Thẩm phán cao cấp”; “Thẩm phán TAND bậc 2” thay cho “Thẩm phán TAND cấp tỉnh”; “Thẩm phán TAND bậc 1” thay cho “Thẩm phán TAND cấp huyện”; “Thư ký viên” thay cho “Thư ký tòa án”…

Nghị quyết quy định Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp khi chuyển thành Thẩm phán bậc 3, Thẩm phán bậc 2, Thẩm phán bậc 1 được chuyển xếp lương tương ứng với hệ số lương đang được hưởng.

 Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí phát biểu tại phiên họp. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí phát biểu tại phiên họp. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Theo tờ trình của TAND Tối cao, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, hiện nay cả hệ thống chính trị đang thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Chính phủ đang nghiên cứu, xây dựng chế độ tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương. Vì vậy, tiền lương của Thẩm phán TAND cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đồng bộ trong chế độ, chính sách tiền lương chung của cả hệ thống chính trị.

Do vậy, tại thời điểm hiện nay, trên cơ sở các quy định hiện hành về thang lương của Thẩm phán, TAND Tối cao đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung các nghị quyết liên quan đến chế độ tiền lương của Thẩm phán theo hướng: Thẩm phán bậc 1 xếp vào đối tượng áp dụng Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ ngành tòa án và thuộc nhóm chức danh loại A1 (tương đương chuyên viên).

Thẩm phán bậc 2 thuộc nhóm chức danh loại A2 (tương đương chuyên viên chính) và Thẩm phán bậc 3 thuộc nhóm chức danh loại A3 (tương đương chuyên viên cao cấp).

Về phụ cấp chức danh lãnh đạo, quản lý tại TAND cấp cao, Vụ trưởng thuộc TAND cấp cao (tương đương Chánh tòa thuộc TAND cấp cao) được hưởng mức phụ cấp 0,9; Phó Vụ trưởng hưởng phụ cấp 0,7.

Phát biểu tại phiên họp, Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí cám ơn Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm, tạo điều kiện, ủng hộ ngành tòa án.

Theo ông Lê Minh Trí, pháp luật yêu cầu ngày càng cao với nhiệm vụ của ngành Tòa án. Cùng với đó, số lượng vụ án cũng tăng rất nhanh, khoảng 10% mỗi năm. “Một trong những vấn đề động viên anh em là chế độ chính sách, nhưng cái chính là nâng cao chất lượng cán bộ”- ông Lê Minh Trí cho rằng muốn làm được điều này phải nâng được thứ bậc của Thẩm phán.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tong-so-luong-tham-phan-tand-cac-cap-la-7004-nguoi-post833103.html
Zalo