Ngân Sơn sáng truyền thống quê hương cách mạng
Huyện Ngân Sơn, một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đang quyết tâm phát huy những giá trị truyền thống, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh và khai thác hiệu quả những tiềm năng sẵn có để thoát khỏi tình trạng khó khăn, hướng đến phát triển bền vững.
Với tinh thần đoàn kết và quyết tâm, người dân Ngân Sơn đã cùng nhau chung tay góp sức xây dựng quê hương. Đảng bộ huyện tập trung chỉ đạo phát triển nông, lâm nghiệp dựa trên áp dụng tiến bộ khoa học, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng giống có giá trị kinh tế cao và đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp.

Thị trấn Vân Tùng (Ngân Sơn) trên đà phát triển.
Tổng diện tích đất nông nghiệp đạt trên 4.024ha, tổng sản lượng lương thực hằng năm trên 15.751 tấn, bảo đảm an ninh lương thực. Huyện tập trung chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao như thuốc lá (726,14 ha/năm), Khẩu Nua Lếch (131,31 ha/năm), cây dẻ (200,78ha, đạt 101% so với Nghị quyết Đại hội). Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích phát triển mô hình trồng cây ăn quả, rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, Ngân Sơn đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp, trung bình trồng hơn 618ha rừng/năm, trong đó cây gỗ lớn chiếm 388,36ha. Trên địa bàn có 10 cơ sở chế biến lâm sản, 12 trang trại chăn nuôi trâu, bò, lợn quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ người dân phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Chương trình xây dựng nông thôn mới nhận được sự đồng thuận của Nhân dân, đóng góp công sức, tài chính. Hiện nay, trung bình mỗi xã đạt 11,75/14 tiêu chí. Chính quyền địa phương chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hệ thống cấp nước sạch, mạng lưới điện và các thiết chế văn hóa, thể thao, nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Từ đầu nhiệm kỳ (2020- 2025) đến nay, huyện đã đầu tư 127,3km đường, 11 trường đạt chuẩn quốc gia, nhiều công trình hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tập thể, hợp tác xã từng bước phát triển, giai đoạn 2020 - 2025, toàn huyện thành lập được 28 hợp tác xã. Huyện hiện có 14 sản phẩm OCOP 03 sao, nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập người dân. Cùng với đó, huyện đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản với các doanh nghiệp, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh, giúp nâng cao giá trị nông sản và phát triển kinh tế địa phương.
Bằng nhiều nguồn lực được triển khai và sự nỗ lực của người dân đã từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 51,13% (3.803 hộ) xuống 39,84% (3.018 hộ) vào cuối 2024. Để tiếp tục giảm nghèo bền vững, huyện đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Huyện Ngân Sơn chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025.
Công tác phát triển đảng viên được chú trọng, kết nạp 564 đảng viên, nâng tổng số lên 3.667 đảng viên (11,9% dân số). Trên 95,7% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hằng năm, chất lượng tổ chức đảng đạt chỉ tiêu. Đảng bộ huyện cũng chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Điện lực Ngân Sơn đưa điện lưới lên thôn vùng cao của xã Đức Vân.
Đồng chí Nguyễn Trọng Lăng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết: Trong nhiệm kỳ qua, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn huyện đã đoàn kết, thống nhất, quyết tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII và đạt được những thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, chỉ số hài lòng của người dân ngày càng nâng cao./.