Ngàn lần cảm ơn cây tầm vông

Cho đến thời điểm dân tộc Việt Nam bước vào thế kỷ XXI đã hơn 20 năm nhưng chưa có tác giả nào viết về cây tre Việt Nam hay hơn nhà văn, nhà báo Thép Mới - người con ruột rà của Hà Nội hào hoa, thanh lịch, khí phách và anh hùng.

Trong tác phẩm Cây tre Việt Nam của Thép Mới có đoạn: “Ngàn lần cảm ơn ngọn tầm vông đã làm nên thành đồng Tổ quốc”. Thành Đồng là một mỹ từ, một danh hiệu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng riêng cho nhân dân Nam Bộ trong những ngày “Nam Bộ kháng chiến” với tinh thần nhất quyết “không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, mặc dù trong tay chỉ có một gậy tầm vông dạt nhọn nhưng “sẵn sàng chết cho tự do, còn hơn sống nô lệ”.

***

Thanh niên Tiền Phong vốn là một tổ chức bí mật của Đảng dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, một bác sĩ Tây học, đảng viên Cộng sản chỉ huy. Lúc bấy giờ, Phát xít Nhật muốn nắm lực lượng thanh niên nên chính quyền mời bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đảm đương công việc này.

Sau khi báo cáo, Xứ ủy Nam Kỳ do đồng chí Trần Văn Giàu làm Bí thư đã tương kế tựu kế đồng ý để người đảng viên chưa bị lộ Phạm Ngọc Thạch công khai làm thủ lĩnh thanh niên “xanh vỏ đỏ lòng” nên (với nòng cốt là Thanh niên Tiền Phong bí mật, học sinh sinh viên tiến bộ) một thời gian ngắn ở Nam Bộ đã tập hợp khoảng 1,2 triệu người vào tổ chức Thanh niên Tiền Phong. Trong đó, Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn có 200 ngàn người với lòng yêu nước căng phồng trong lồng ngực với ba lời thề danh dự: 1) Trung thành với Tổ quốc, 2) Trung thành với nhân dân, 3) Giữ gìn phẩm chất cao đẹp.

Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy, sau đó Thanh niên Tiền Phong ở Nam Bộ tuyên bố tự gia nhập Mặt trận Việt Nam Đồng minh hội, gọi tắt là Việt Minh. Đến đây, Thanh niên Tiền Phong đã công khai tỏ rõ “đỏ vỏ đỏ lòng”, nguyện đứng dưới ngọn cờ chính nghĩa của Đảng Cộng sản. Đảng viên cộng sản ở Nam Bộ thuở ấy chỉ trên dưới 1 ngàn đảng viên thôi, nhưng uy tín và sức hấp dẫn của Đảng đã tạo niềm tin cho hàng triệu đồng bào Nam Bộ, trong đó có 1,2 triệu Thanh niên Tiền Phong làm nòng cốt đã đứng lên trong tư thế quật cường, giành chính quyền về tay nhân dân. Rồi cũng chính họ với cây tầm vông dạt nhọn (tất nhiên có một số ít súng trường lấy được của quân Pháp và quân Nhật) trong tay, họ đã căng lòng ngực hát vang bài Nam Bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn: “Mùa thu rồi ngày hăm ba/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến/ Rền khắp trời lời hoan hô/ Dân phương Nam nhịp chân tiến lên trận tiền/ Thuốc súng kém, chân đi không/ Mà lòng người giàu lòng vì nước…”. Bởi giàu lòng yêu nước, dù đi chân trần đầu mang chí thép của cha ông “dân lân dân ấp mến nghĩa làm quân chiêu mộ” thời nghĩa sĩ Cần Giuộc có thể xa hơn nữa - thời các chiến binh “Sát Thát” chống quân Mông Nguyên, nên Thanh niên Tiền Phong mang tinh thần “Thanh niên tiến”, “Tiến lên Thanh niên cứu quốc”, “Thanh niên lao động”, “Thanh niên cộng sản” trên con đường Hồ Chí Minh - đường sáng của Bác Hồ, tức Nguyễn Ái Quốc - Nguyễn Yêu Nước khởi dựng.

***

Vào một buổi trưa mùa xuân của 30 năm sau (ngày 30-4-1975), những người dựng “tầm vông làm thành đồng Tổ quốc” năm xưa cùng năm cánh quân và nhân dân Sài Gòn - Gia Định - Nam Bộ viết nên bản giao hưởng mang điệu xàng xê có tên Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh - nơi mà những công dân ở đây là những người xứng đáng nhất để thay mặt Nam Bộ nhận danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” mà Bác Hồ trao tặng.

Trong ngày trùng phùng của dân tộc “mà vui sao nước mắt lại trào” hôm ấy, người ta thấy có những “cựu thủ lĩnh” Thanh niên Tiền Phong của một thời gậy tầm vông như: Huỳnh Tấn Phát, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiễng, Nguyễn Văn Thủ… Không ai bảo ai, họ cùng nắm tay quay về hướng Bắc, nơi có Trung ương Đảng, Bác Hồ, nơi có núi rừng Chiến khu Đ, từng chứng kiến sự hy sinh của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - người “tráng trưởng” của Thanh niên Tiền Phong - người anh cả của một thế hệ thanh niên, sinh viên học sinh của Sài Gòn - Gia Định và Nam Bộ giàu lòng yêu nước - là một trong 13 người cùng Bác Hồ ký tên vào Bản Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh khởi thảo và tuyên đọc hồi năm 1945.

***

Năm 1945, lúc 1,2 triệu thanh niên Nam Bộ, trong đó có 200 ngàn thanh niên Sài Gòn - Gia Định tham gia Thanh niên Tiền Phong, cầm tầm vông dạt nhọn lên đường theo “tiếng kêu sơn hà nguy biến” thì cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó là một thanh niên mới 23 tuổi. Nhưng chàng thanh niên Phan Văn Hòa (tên khai sinh của ông ấy) - Sáu Dân đã có một lưng vốn chính trị dày dày với 6 tuổi Đảng (Cộng sản Đông Dương), 7 tuổi Đoàn (Thanh niên Phản đế) nên có thể gọi anh Chín Hòa là lớp đàn anh, là người lãnh đạo, người bạn của thế hệ thanh niên đi chân không, cầm tầm vông, mang chí thép ra nơi “đầu sóng ngọn gió” với ước mơ giành độc lập, tự do cho nước nhà. Từ đó, anh Chín Hòa luôn đồng hành cùng lớp Thanh niên Tiền Phong - Thanh niên Cứu quốc - Thanh niên Nhân dân - Thanh niên Giải phóng - Thanh niên Cộng sản suốt 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc.

Sau ngày giải phóng, thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, gọi ông là bác Sáu, chú Sáu (Dân) nhưng anh Chín Hòa luôn thân mật xưng tôi và gọi họ là các em với lời kính chào thế hệ thứ tư. Người ta còn nhớ sáng 23-4-1976, trong lúc Sài Gòn và miền Nam còn ngổn ngang công việc cấp bách, nhất là ngổn ngang tâm trạng, các ông Sáu Dân - Chín Hòa đã truyền lửa cho lớp trẻ: “Có bạn trẻ nào không xúc động với câu hát: “Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương”. Quê hương hôm nay không đòi hỏi mỗi người trẻ phải chết cho quê hương sống nữa. Đất nước đã vĩnh viễn độc lập, tự do rồi. Quê hương đòi hỏi anh sống phải cho ra sống… sống không phải ăn bám mà là lao động”. Rồi sau đó, ông nói trong tinh thần hòa giải và tin cậy: “Không nên phân biệt lý lịch. Vì không ai chọn cửa để sinh ra”.

Sở dĩ trong thời điểm “ngổn ngang tâm trạng” và “đầy nhạy cảm ấy” mà các ông Sáu Dân - Chín Hòa phát biểu những nội dung như vậy, vì ông có những thực tiễn rất sinh động, đầy thuyết phục. Đó là việc Bác Hồ chọn bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, một trí thức Tây học xuất thân từ hoàng tộc nhà Nguyễn, nguyên là thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong Nam Bộ làm Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên trong Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sự tin cậy của Bác Hồ đối với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là sự tin cậy của Đảng dành cho trí thức, cho thanh niên nói chung, dù hoàn cảnh xuất thân của họ như thế nào và còn là sự tin cậy đối với Thanh niên Tiền Phong - những người đi chân không, cầm tầm vông dựng Thành Đồng Tổ quốc đối với Đảng Cộng sản và Bác Hồ.

Ngàn lần cảm ơn… Vâng! Nhà văn, nhà báo cộng sản chân chính Thép Mới đã nhắc nhở các thế hệ sau như vậy.

Mai Sông Bé

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202409/ngan-lan-cam-on-cay-tam-vong-dd04d88/
Zalo