Ngân hàng xử lý tài khoản lâu không sử dụng thế nào?

Hầu hết ngân hàng sẽ quy định đóng tài khoản của khách hàng khi số dư về 0 đồng và không phát sinh giao dịch trong khoảng thời gian quy định.

 Tài khoản ngân hàng không sử dụng cũng có thể mất phí. Ảnh: VPBank.

Tài khoản ngân hàng không sử dụng cũng có thể mất phí. Ảnh: VPBank.

Với thẻ ATM, kể cả khi không sử dụng, khách hàng vẫn có thể bị trừ các loại phí như phí quản lý tài khoản ngân hàng; phí thường niên; phí dịch vụ SMS Banking, Internet Banking... đến khi hết số dư.

Hầu hết ngân hàng đều có quy định khóa thẻ đối với những thẻ không phát sinh giao dịch trong một thời gian, thông thường là sau 6-18 tháng khi tài khoản hết số dư.

Đóng tài khoản khi không phát sinh giao dịch thời gian dài

Ngân hàng BIDV hiện quy định đóng tài khoản thanh toán của khách hàng khi số dư trong tài khoản về 0 đồng và không phát sinh giao dịch nào trong 6 tháng liên tiếp với tài khoản VND, 12 tháng với tài khoản ngoại tệ (trừ một số sản phẩm có quy định và thỏa thuận riêng với khách hàng).

Khi đóng tài khoản, BIDV sẽ thông báo tới khách hàng thông qua một trong các phương thức gửi văn bản, email, tin nhắn, gọi điện thoại...

Cùng với việc đóng tài khoản, nhà băng này sẽ chấm dứt các dịch vụ kết nối với tài khoản đó. Khách hàng thanh toán phí đóng tài khoản theo quy định trong biểu phí của BIDV được niêm yết công khai.

Sau khi đóng tài khoản thanh toán, nếu khách hàng muốn sử dụng lại tài khoản phải làm thủ tục mở tài khoản thanh toán theo quy trình, quy định của BIDV.

 Các ngân hàng sẽ thu phí thường niên, dịch vụ SMS Banking, Internet Banking (nếu có đăng ký)... với các tài khoản lâu ngày không sử dụng đến khi số dư về 0 đồng. Ảnh: Nam Khánh.

Các ngân hàng sẽ thu phí thường niên, dịch vụ SMS Banking, Internet Banking (nếu có đăng ký)... với các tài khoản lâu ngày không sử dụng đến khi số dư về 0 đồng. Ảnh: Nam Khánh.

Tương tự, Vietcombank và VietinBank cũng có quy định đóng tài khoản của khách hàng khi số dư về 0 đồng và không phát sinh giao dịch trong 12 tháng liên tục.

Với Agribank, khi hết thời hạn thẻ, tài khoản sẽ bị đóng tự động. Nếu tài khoản còn số dư, tiền sẽ bị "treo" trong tài khoản. Khách hàng có nhu cầu lấy lại sẽ phải ra quầy giao dịch thực hiện các thủ tục theo quy định của ngân hàng.

Nhà băng này cũng không thu phí trong thời gian tạm khóa thẻ. Tài khoản không đủ số dư tối thiểu và không hoạt động trong 12 tháng sẽ bị Agribank đưa vào chế độ tài khoản ngủ, không hạch toán thu phí. Sau 36 tháng tiếp theo, tài khoản vẫn không hoạt động, ngân hàng sẽ đóng tài khoản.

Hiện Agribank quy định số dư tối thiểu cần duy trì trong tài khoản thanh toán tại mọi thời điểm (kể từ khi mở tài khoản thanh toán) là 50.000 đồng với tài khoản khách hàng cá nhân VND và 10 USD hoặc 10 EUR với tài khoản ngoại tệ.

Đối với tài khoản của tổ chức, số dư tối thiểu là 1 triệu đồng hoặc 100 USD, 100 EUR nếu là tài khoản ngoại tệ.

Ngân hàng thương mại cổ phần thì sao?

Không riêng nhóm ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng có quy định cụ thể về việc đóng tài khoản thanh toán của khách hàng khi không phát sinh giao dịch trong thời gian dài.

Trong đó, Techcombank quy định đóng tài khoản khi số dư dưới mức tối thiểu và không phát sinh giao dịch chủ động nào từ khách hàng trong thời hạn 1 năm liên tục, trừ các tài khoản góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Ngân hàng này cũng sẽ ngừng cung cấp dịch vụ và thông báo trước cho khách hàng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày dự kiến đóng tài khoản.

ACB cũng sẽ tự động đóng tài khoản thanh toán của khách hàng khi khách không sử dụng và không thu bất cứ chi phí nào. Khách muốn hủy tài khoản, thẻ sẽ phải nộp thêm 20.000 đồng.

Tương tự, tài khoản không giao dịch tại TPBank sẽ chuyển về trạng thái "ngủ" khi số dư không đủ thanh toán các khoản phí.

Hiện tại, các ngân hàng đều có chính sách tạm khóa hoặc đóng tài khoản khi số dư về 0 hoặc dưới số dư tối thiểu và chủ tài khoản không phát sinh giao dịch trong thời gian từ 6 tháng đến 3 năm.

Việc ngân hàng tạm khóa hay đóng tài khoản thanh toán khi khách hàng không hoạt động thời gian dài vừa giúp ngân hàng không phát sinh chi phí quản lý, đồng thời giúp chủ tài khoản tránh được những khoản phí phát sinh không đáng có.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/ngan-hang-xu-ly-tai-khoan-lau-khong-su-dung-the-nao-post1466403.html
Zalo