Ngân hàng Việt Nam 2024: Ổn định trước áp lực, nỗ lực để vươn lên
Trong 9 tháng đầu năm 2024, ngành ngân hàng Việt Nam tiếp tục giữ vững sự ổn định bất chấp áp lực từ thiên tai và lãi suất liên ngân hàng tăng cao. Báo cáo vừa qua của Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho thấy các ngân hàng lớn vững vàng vượt khó, trong khi nhóm ngân hàng nhỏ đối mặt với những rủi ro về thanh khoản và lợi nhuận.
Ổn định từ quản trị rủi ro và chính sách linh hoạt
Báo cáo của VIS Rating khẳng định, trong 9 tháng đầu năm 2024, hệ thống ngân hàng Việt Nam duy trì sự ổn định về chất lượng tài sản, bất chấp tác động từ bão Yagi và sức ép thị trường.
Tổng dư nợ tín dụng tại các khu vực chịu ảnh hưởng từ bão chỉ chiếm khoảng 1% toàn ngành, nhờ chính sách hạn chế cho vay tại các tỉnh phía bắc bị thiệt hại.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kịp thời đưa ra các biện pháp hỗ trợ như tái cơ cấu nợ và cung cấp khoản vay lãi suất thấp cho các khách hàng vay bị ảnh hưởng, góp phần giảm bớt gánh nặng trả nợ cho khách hàng. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành duy trì ở mức 2,4% so với quý trước, bảo đảm sự ổn định trong toàn hệ thống.
Các ngân hàng lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng quốc doanh, ghi nhận tỷ lệ nợ quá hạn phát sinh mới giảm nhờ cải thiện các khoản nợ xấu lớn và quản trị tín dụng chặt chẽ. Thí dụ như VietinBank (CTG) và Vietcombank (VCB) đạt kết quả tích cực nhờ nỗ lực thu hồi nợ và giảm chi phí tín dụng.
Trong khi các ngân hàng lớn vẫn duy trì sự ổn định, nhóm ngân hàng nhỏ và vừa như PGBank (PGB), SaigonBank (SGB), và một số ngân hàng thương mại khác lại chịu áp lực hơn.
Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROAA) giảm từ 1,6% xuống còn 1,5% do biên lãi ròng (NIM) thu hẹp và chi phí tín dụng tăng cao.
Đáng chú ý, từ giữa tháng 10/2024, lãi suất liên ngân hàng qua đêm tăng thêm 3,5%, lên mức trung bình 6%. Điều này ảnh hưởng đến các ngân hàng nhỏ phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn và tăng cường vay liên ngân hàng.
Theo VIS Rating gần 30% ngân hàng được đánh giá có hồ sơ rủi ro tài sản yếu, tăng từ mức 22% trong năm 2023. Điều này cho thấy áp lực ngày càng lớn đối với các ngân hàng nhỏ trong việc duy trì sự ổn định và lợi nhuận.
VIS Rating kỳ vọng sự tăng trưởng tín dụng, đặc biệt trong lĩnh vực cho vay mua nhà, sẽ giúp các ngân hàng cải thiện lợi nhuận và ổn định chất lượng tài sản. Với các nhóm ngân hàng như Techcombank (TCB), MBBank (MBB), và ACB, sự phân hóa lợi nhuận rõ rệt đang diễn ra. Một số ngân hàng hưởng lợi nhờ chiến lược giảm rủi ro tín dụng và tăng cường thu hồi nợ.
Nhờ các biện pháp tái cơ cấu và tăng vốn, các ngân hàng lớn cũng đang hướng đến việc giữ lại vốn qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Điều này không chỉ giúp củng cố bộ đệm rủi ro mà còn hỗ trợ duy trì sự ổn định tài chính trong dài hạn.
Kỳ vọng vào sự phục hồi cuối năm
VIS Rating dự báo, tốc độ tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ có sự cải thiện trong quý IV/2024, với kỳ vọng tỷ suất ROAA toàn ngành đạt mức 1,6% cả năm. Các ngân hàng lớn tiếp tục đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt sự ổn định và phát triển của thị trường tài chính.
Tuy nhiên báo cáo cũng cho biết, rủi ro thanh khoản đang gia tăng khi các ngân hàng nhỏ ngày càng phụ thuộc vào nguồn vốn thị trường ngắn hạn trong bối cảnh lãi suất tăng cao.
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) duy trì ổn định ở mức 19%, nhưng tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) toàn ngành vẫn cao ở mức 106%.
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu hữu hình trên tổng tài sản hữu hình (TCE/TA) toàn ngành không thay đổi so với quý trước, ở mức 8,8%, cho thấy khả năng cải thiện vốn vẫn còn hạn chế.
Đáng chú ý, tỷ lệ cho vay khả thi (Loan Life Coverage Ratio - LLCR) trung bình toàn ngành đạt 83%, nhưng nhiều ngân hàng nhỏ và vừa vẫn dưới mức trung bình này, làm tăng nguy cơ rủi ro nếu không có giải pháp kịp thời.
"Hệ thống ngân hàng Việt Nam 9 tháng đầu năm 2024 cho thấy một bức tranh đa chiều: vừa ổn định trước áp lực vừa phải nỗ lực để thích nghi với những thách thức mới. Trong bối cảnh này, sự phối hợp giữa các chính sách điều hành và năng lực quản trị rủi ro sẽ quyết định thành công trong việc bảo vệ lợi ích của hệ thống tài chính và hỗ trợ nền kinh tế phát triển bền vững" - Báo cáo của VIS Rating kết luận.