Ngân hàng vẫn 'ăn nên làm ra'
Lợi nhuận ngành ngân hàng tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ tín dụng đã bắt đầu tăng tốc ngay từ đầu năm và doanh thu dịch vụ tăng cao.
Lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh ngay đầu năm
Thông tin từ ngân hàng TPBank, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong quý I/2025 đạt gần 4.500 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập từ lãi vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 3.380 tỷ đồng. Thu nhập thuần từ dịch vụ đạt 910 tỷ đồng, tăng 27% so với quý I/2024, giúp tỷ trọng thu nhập dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động lên trên 20%, so với mức 15% của cùng kỳ năm trước. Quý I/2025, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tương đương 26% kế hoạch năm 2025 và tăng 14,87% so với quý I/2024 (1.828 tỷ đồng).

Nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận ấn tượng trong quý I/2025. Ảnh minh họa
Đại diện ngân hàng thông tin tăng trưởng tín dụng quý I đạt 3,75%, cao hơn mức trung bình ngành là 2,5% tính đến hết 25/3/2025. Nếu cập nhật đến thời điểm sát ngày diễn ra ĐHĐCĐ là 24/4, tăng trưởng tín dụng tại TPBank đã đạt 4,5%.
Kết thúc quý I/2025, NCB ước lợi nhuận trước thuế hơn 125 tỷ đồng. Đây là kết quả kinh doanh tích cực so với khoản lỗ 41,8 tỷ đồng trong quý I/2024.
Các chỉ tiêu tăng trưởng tích cực một cách toàn diện: vốn huy động (gồm tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) ước đạt hơn 107.000 tỷ đồng, tăng trưởng 6,8% so với cuối năm 2024; cho vay khách hàng ước đạt hơn 78.000 tỷ đồng, tăng trưởng 9,6% so với cuối năm 2024, tương ứng mức tăng hơn 6.800 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần đạt mức cao nhất trong 9 quý liên tục, ước đạt gần 510 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh khác như hoạt động dịch vụ, hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư... đều có lãi trong quý vừa qua. Tổng tài sản tại 31/03/2025 đạt gần 131.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10,4% so với 31/12/2024.
Báo cáo tài chính quý I/2025, VietA Bank ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 292,93 tỷ đồng, tăng 90,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong giải trình về lợi nhuận sau thuế, VietA Bank cho biết, quy mô tổng tài sản và tín dụng quý I/2025 của ngân hàng tăng trưởng tốt, kéo theo thu nhập lãi thuần quý I tăng so với cùng kỳ.
Đồng thời, thu nhập từ hoạt động dịch vụ được cải thiện, đóng góp tích cực vào việc tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý I/2205 giảm so với cùng kỳ năm trước do công tác xử lý nợ, đôn đốc khách hàng thanh toán nợ thực hiện liên tục, hiệu quả, tình hình tài chính của khách hàng vay tiếp tục được cải thiện.
Nhiều ngân hàng đã đồng loạt công bố kết quả kinh doanh quý I/2025. Trong số đó, có không ít nhà băng ghi nhận những tín hiệu tích cực về lợi nhuận.
Trong quý I/2025, lợi nhuận trước thuế của LPBank đạt hơn 3.175 tỷ đồng, tăng 10,23 % so với cùng kỳ 2024. Phía LPBank cho biết, lợi nhuận sau thuế quý I/2025 tăng chủ yếu là do lãi thuần từ hoạt động khác trong quý I/2025 tăng 420,41 tỷ đồng, tương ứng tăng 1.514% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, việc kiểm soát chất lượng tín dụng, tinh gọn tổ chức hướng tới hoạt động hiệu quả và đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện cũng giúp cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và chi phí hoạt động giảm so với cùng kỳ.
Mở rộng tín dụng, tối ưu hóa dịch vụ hỗ trợ nền kinh tế
Số từ NHNN, tín dụng toàn hệ thống đến ngày 25/3 đã tăng được khoảng 2,5% so với cuối 2024 (cùng kỳ 2024 chỉ tăng trưởng được khoảng 0,26%). Mức tăng này đã gấp 10 lần so với cùng kỳ, đồng thời, hệ số sử dụng vốn của các ngân hàng hiện nay đạt 103%, cho thấy các tổ chức ứng dụng đã sử dụng tối đa nguồn vốn để cấp tín dụng cho nền kinh tế.
Đây là một trong những yếu tố giúp lợi nhuận quý I/2025 của các ngân hàng có mức tăng trưởng tốt. Đi kèm với đó là việc tối ưu chi phí, gia tăng dịch vụ được các ngân hàng đẩy mạnh triển khai.
Các chuyên gia tài chính cũng chỉ ra, nhiều ngân hàng thương mại ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào yếu tố chính: tăng trưởng tín dụng, gia tăng dịch vụ và kiểm soát chi phí chặt chẽ.
Những ngân hàng có nền tảng bán lẻ mạnh như VPBank, MB, Techcombank hay HDBank tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt nhờ việc đẩy mạnh cho vay cá nhân và doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, nhóm "Big 4" bao gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank vẫn giữ vững vị thế nhờ nguồn tiền gửi dồi dào và khả năng tối ưu hóa nguồn vốn.
Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của các ngân hàng khá tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu với phần lớn các ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận từ 20-25% cho cả năm. Nhiều ngân hàng lên kế hoạch lợi nhuận với mức tăng trưởng hai chữ số như Techcombank, SHB, TPBank, LPBank... và tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu.
Dù vậy kế hoạch trên chưa phản ánh tác động về mặt thuế quan phản ánh vào trong câu chuyện của các ngân hàng.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, các ngân hàng có kết quả kinh doanh vượt trội sẽ là những ngân hàng có dư nợ lớn ở những lĩnh vực như đầu tư công, xây dựng, vật liệu xây dựng và bán lẻ. Thậm chí, được hưởng lợi nhờ chính sách thúc đẩy tăng trưởng, chính sách tiền tệ nới lỏng. Tuy nhiên, biên lợi nhuận ròng NIM của các nhà băng sẽ có xu hướng giảm từ mức 3,3% hiện nay. NIM của các nhà băng vẫn tiếp tục gặp nhiều thách thức, nhất là trong nửa đầu năm nay, do ngành ngân hàng phải nỗ lực giảm lãi suất cho vay, chia sẻ với khách hàng và hỗ trợ tăng trưởng.
Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Khối Phân tích, Maybank Investment Bank chia sẻ: "Các ngân hàng sẽ chủ động cung cấp những gói cho vay ưu đãi, trong khi chi phí vận hành, chi phí vốn đầu vào khá ổn định. Mức độ NIM suy giảm khoảng 0,1-0,2%... Ngược lại, nhờ lãi suất ưu đãi, các ngân hàng dễ đẩy tín dụng hơn".
Ngân hàng đang là nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trong nền kinh tế Việt Nam Các ngân hàng vẫn có khả năng giảm thêm lãi suất cho vay chủ yếu nhờ áp dụng số hóa, tối ưu hóa chi phí vận hành. Hiện các ngân hàng được yêu cầu tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số... để có dư địa tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
(PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân -Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)