Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam giữa bất ổn thương mại
Dù dự báo tăng trưởng GDP thấp hơn, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế dẫn đầu về tốc độ tăng tại Đông Nam Á.
Trong bối cảnh bất ổn chính sách thương mại gia tăng, Ngân hàng Thế giới trong đánh giá mới nhất đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP 2025 của Việt Nam xuống 1 điểm phần trăm.
Dự kiến, Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 5,8% trong năm nay, thấp hơn đáng kể mức 6,8% mà tổ chức này từng dự báo vào hồi giữa tháng 3, trước khi những biến động thuế quan diễn ra.
Việt Nam sẽ phải chịu những rủi ro ngày càng tăng liên quan đến các nguồn lực từ bên ngoài, bao gồm những thách thức từ các thay đổi chính sách thương mại bất lợi, tăng trưởng toàn cầu chậm hơn dự kiến và bất ổn chính sách toàn cầu.
“Do đất nước phải chịu tác động của môi trường bên ngoài, những biến dạng mạnh hơn dự kiến trong chính sách thương mại có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu và tăng trưởng”, Ngân hàng Thế giới phân tích về Việt Nam trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương ngày 25/4.
Ngoài ra, tăng trưởng toàn cầu chậm hơn dự kiến cũng có thể làm giảm nhu cầu bên ngoài, ảnh hưởng đến xuất khẩu và đầu tư tư nhân, bao gồm cả FDI. Hơn nữa, sự bất ổn chính sách cao hơn dự kiến có thể gây sức ép lên đầu tư và tăng trưởng.
Không chỉ vậy, những bất ổn kinh tế bên ngoài gây ra rủi ro có thể dẫn đến mất việc làm trong số những người lao động không có kỹ năng và có thể gây nguy hiểm cho một số thành quả gần đây trong việc giảm nghèo.
Với các nguồn lực trong nước, Ngân hàng Thế giới đánh giá, các giao dịch bất động sản mặc dù vẫn còn hạn chế nhưng dự kiến sẽ phục hồi trong giai đoạn 2025 – 2026.
Lạm phát sẽ duy trì trong mục tiêu 4,5 – 5% do giá dầu và hàng hóa dự kiến sẽ tiếp tục giảm.
Tổ chức này khuyến nghị, các biện pháp chính sách nên tập trung vào việc mở rộng đầu tư công, giảm thiểu rủi ro của khu vực tài chính và cải cách cơ cấu.
Trong khi không gian can thiệp của chính sách tiền tệ vẫn còn hạn chế, chính sách tài khóa vẫn có thể hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt là thông qua đầu tư để thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng mới nổi.
Dựa trên các cải cách gần đây, chẳng hạn như sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, các bước tiếp theo để giảm thiểu rủi ro và lỗ hổng của khu vực tài chính vẫn rất quan trọng để thúc đẩy khả năng phục hồi và ổn định của khu vực tài chính.
Đẩy nhanh các cải cách cơ cấu để tăng cường môi trường quản lý trong các dịch vụ xương sống quan trọng (công nghệ thông tin và truyền thông, điện, giao thông), để xanh hóa nền kinh tế, xây dựng nguồn nhân lực và cải thiện môi trường kinh doanh cũng rất quan trọng để duy trì tăng trưởng dài hạn, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh.
Những rủi ro đối với Việt Nam cũng là những rủi ro mà nhiều nền kinh tế tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương phải đối mặt. Sự gia tăng bất ổn trên toàn cầu đang ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, kìm hãm đầu tư và tiêu dùng.
Các biện pháp hạn chế thương mại được dự báo sẽ tác động đến xuất khẩu của Đông Á – Thái Bình Dương, trong khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại sẽ làm suy giảm nhu cầu từ bên ngoài.
“Trong khi đối mặt với những bất định toàn cầu, các quốc gia Đông Á – Thái Bình Dương vẫn có cơ hội củng cố triển vọng kinh tế bằng cách nắm bắt và đầu tư vào công nghệ mới, tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh thông qua các cải cách táo bạo, và đẩy mạnh hợp tác quốc tế”, bà Manuela V. Ferro, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết.