Ngân hàng tạo điều kiện cho ngành hàng lúa gạo phát triển

Người trồng lúa, nhất là các hộ nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long tham gia vào Đề án 'Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030' đang cần nguồn vốn rất lớn để an tâm tham gia đề án, sản xuất lúa gạo cung ứng cho các thị trường nhập khẩu theo chỉ đạo của Chính phủ.

Sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp tại huyện Vị Thủy (Hậu Giang). Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp tại huyện Vị Thủy (Hậu Giang). Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Do đó, để đề án thực hiện tốt, có hiệu quả cao, hệ thống ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng đã vào cuộc, ra nhiều chính sách tín dụng phù hợp cho nông dân trồng lúa.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) nhấn mạnh, nông dân là cốt lõi của đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp nói riêng, ngành hàng lúa gạo nói chung. Vì vậy, giữ vững vai trò nòng cốt của sản xuất lúa gạo trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, thuận thiên và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa; tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng, áp dụng quy trình canh tác bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Đồng thời, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế về bảo vệ môi trường. Do đó, hỗ trợ cho bà con nông dân để tăng sức chống chịu trước những biến động thị trường là mục tiêu lớn nhất của đề án này. So sánh với phương pháp canh tác truyền thống, ông Tùng chia sẻ, đề án mang lại nhiều lợi ích vượt trội như giảm lượng giống gieo sạ đến 50%; giảm lượng phân bón đạm và thuốc bảo vệ thực vật hóa học 30%; giảm đổ ngã và tổn thất sau thu hoạch khoảng 5%; giảm phát thải khí nhà kính trung bình 5 tấn carbon/ha/vụ. Đồng thời, tăng lợi nhuận cho nông dân khoảng 5 triệu đồng/ha/vụ.

Theo ông Tùng, làm sao cho các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị được hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro cho nhau. Đề án cũng tạo thành mối liên kết chuỗi giá trị cao cho nông dân và doanh nghiệp. Nông dân tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đều có mối liên kết sản xuất và tiêu thụ với các doanh nghiệp. Đây chính là điều đảm bảo nguồn vốn ngân hàng được giải ngân và được thu hồi hoàn chỉnh.

Theo ông Trần Quốc Hà, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 14 (gồm Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu), với 183 chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo quy định, nếu cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành ngân hàng không sử dung tài sản thế chấp, mà tài sản bảo đảm nợ vay. Khi cho vay, phía ngân hàng chỉ cần UBND cấp xã xác nhận nông dân có tài sản hoạt động trong nông nghiệp, có phương tiện sản xuất là ngân hàng cho vay.

Tiếp đến, với Nghị định 55/2015/NĐ-CP người dân có thể được vay tín chấp tới 100 triệu đồng, riêng hợp tác xã cho vay 3 tỷ đồng không cần tài sản thế chấp, nhưng phải có điều kiện là chứng minh được khả năng sử dụng vốn. Ngân hàng không đòi hỏi phải thế chấp tài sản nhưng phải chứng minh phương án sản xuất khả thi, hiệu quả và có khả năng hoàn trả. Ngoài ra, Chính phủ cũng có Quyết định 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đây là chương tình cực kỳ tốt và hiệu quả, đi trước thời đại, nhưng còn nhiều vướng mắc, cần xác định định mức, xây dựng được mối liên kết.

Ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, khi Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường có giải pháp đẩy nhanh thực hiện đề án; trong đó nguồn vốn rất quan trọng. Bên cạnh nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật, quản lý, nguồn vốn của Chính phủ, các cấp, các ngành, thì nguồn tín dụng là rất quan trọng vì chiếm chủ yếu.

Từ đó, Agribank thành lập ban chỉ đạo và cũng tích cực phối hợp Bộ Nông nghiệp và môi trường, Ngân hàng Nhà nước để triển khai chính sách cho vay và cụ thể Agribank đã áp dụng giảm tối thiểu 1% lãi suất đối với các cá nhân, hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp vay trong chuỗi liên kết. Một trong những điều kiện gần như là điều kiện cứng để vay trong đề án này là tham gia chuỗi liên kết. Thứ hai là phải nằm trong vùng chuyên canh đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, cái vướng mắc của việc ngân hàng thực hiện đúng chủ trương, tạo điều kiện cho nông dân vây vốn sản xuất lúa gạo chính là các tỉnh công bố vùng chuyên canh chưa đồng bộ, thậm chí có tỉnh chưa công bố, tham gia chuỗi liên kết cũng chưa nhiều. Trong khi đó, các thành viên của các hợp tác xã tham gia vẫn còn manh mún từ tài sản đảm bảo, trách nhiệm hoặc mô hình doanh nghiệp chưa minh bạch tài chính, chưa vươn tầm. Do đó, chỉ cần các khâu tham gia đều có thông tin minh bạch về tài sản thế chấp, mối liên kết rõ ràng thì phí ngân hàng cũng phản ứng rất nhanh, có thể làm phương án bổ sung vay vốn hoặc đối với những doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Phi ngân hàng cũng có nghiệp vụ bảo lãnh trả chậm (L/C) nếu doanh nghiệp có đủ uy tín để ngân hàng trong nước và ngân hàng quốc tế tại châu Phi bảo lãnh, ông Phúc cho biết thêm.

Hồng Nhung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ngan-hang-tao-dieu-kien-cho-nganh-hang-lua-gao-phat-trien-20250405152326299.htm
Zalo