Ngân hàng tăng tốc số hóa, bùng nổ thanh toán không tiền mặt

Hệ sinh thái số đa dạng đã đem lại nhiều tiện ích hấp dẫn cho người dùng, khi hầu hết dịch vụ ngân hàng cơ bản đã được thực hiện trên kênh số, nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ trên 95% giao dịch thực hiện trên kênh số.

Các hoạt động thanh toán điện tử đã vận hành tương đối an toàn, hiệu quả. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các hoạt động thanh toán điện tử đã vận hành tương đối an toàn, hiệu quả. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, khuôn khổ pháp lý và chính sách trong các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt ngân hàng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân và doanh nghiệp.

Trong năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,68% về số lượng và 32,79% về giá trị. Tổng số tài khoản Mobile Money đến cuối năm 2024 được đăng ký và sử dụng là 10,2 triệu tài khoản với khoảng 72% tài khoản đăng ký tại vùng nông thôn, miền núi.

Giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 12,83% về số lượng và giảm 4,49% về giá trị, cho thấy nhu cầu rút tiền mặt của người dân đang có xu hướng giảm và được thay thế bởi các phương thức, thói quen không dùng tiền mặt.

Trong 2 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm 2024, NHNN cho biết, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 41,28% về số lượng và 21,91% về giá trị; qua kênh Internet tăng 35,81% về số lượng và 29,69% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 35,13% về số lượng và 18,63% về giá trị, giao dịch qua QR Code tăng 75,54% về số lượng và 196,62% về giá trị.

Báo cáo của NHNN cũng nêu, cơ quan này đã quản lý, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý các vi phạm liên quan.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với một số tổ chức trung gian thanh toán được cấp phép và tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động này nhằm bảo đảm hoạt động an, hiệu quả.

Vì thế, nhìn chung, các hoạt động thanh toán điện tử trong thời gian qua đã vận hành tương đối an toàn, hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế.

Nhưng cũng theo NHNN, việc thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng còn gặp một số khó khăn do quy định pháp lý hiện hành chưa theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ số, mô hình kinh doanh mới trong ngành.

Hơn nữa, hạ tầng một số ngành, lĩnh vực, hạ tầng chung còn chưa tương thích với hạ tầng của các tổ chức tín dụng, do đó ảnh hướng đến kết nối liên thông, tích hợp trong quá trình chuyển đổi số của các tổ chức tín dụng.

Việc bố trí nguồn lực cho chuyển đổi số còn hạn chế, do đầu tư vốn, lựa chọn công nghệ là thách thức khi các công nghệ mới đang thay đổi nhanh chóng, nhân lực chất lượng cao vẫn còn thiếu hụt.

Cùng với đó là những lo ngại về an ninh an toàn khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử, trực tuyến còn phổ biến; tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thanh toán điện tử ngày càng tinh vi, với các thủ đoạn phức tạp và thay đổi nhanh, liên tục...

Từ ngày 1/7/2025, Nghị định số 94/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng sẽ có hiệu lực. 3 giải pháp công nghệ tài chính (Fintech) được tham gia gồm: chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) và cho vay ngang hàng.

Theo Nghị định, mục tiêu của Cơ chế thử nghiệm nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng, cũng như tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm đánh giá rủi ro, chi phí, lợi ích của giải pháp Fintech; hỗ trợ xây dựng, phát triển các giải pháp Fintech phù hợp với nhu cầu thị trường, khung khổ pháp lý, quy định quản lý…

Hương Dịu

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang-tang-toc-so-hoa-bung-no-thanh-toan-khong-tien-mat.html?source=cat-317191300
Zalo