Ngân hàng tại Trung tâm tài chính: Nhiều điểm cần làm rõ

Cần làm rõ các ngân hàng thương mại bước vào Trung tâm tài chính có được huy động vốn từ dân cư, giao dịch ngoại hối, và các cơ chế như tỷ lệ sử dụng vốn huy động trong cho vay… cần phải được đặt ra cụ thể, chi tiết để bảo vệ nhà đầu tư.

Ngày 28/3, Hội thảo Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là một trong những hoạt động nhằm góp phần vào việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này, dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 5/2025.

Các chuyên gia tài chính quốc tế đã đóng góp nhiều ý kiến về kinh nghiệm phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Tuy nhiên, các khuyến nghị cũng đặt câu hỏi về Trung tâm tài chính của Việt Nam sẽ có những lợi thế nào để thu hút nhà đầu tư trên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các dự báo cho rằng Việt Nam sẽ có cơ hội tận dụng được dòng vốn, công nghệ trên thế giới đang dịch chuyển để phát triển nền kinh tế chuyển mình sang “kỷ nguyên mới”.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho rằng, xây dựng khung pháp lý về Trung tâm tài chính cần đảm bảo các thực thể tham gia hoạt động ổn định, an toàn - Ảnh: Đình Hải

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho rằng, xây dựng khung pháp lý về Trung tâm tài chính cần đảm bảo các thực thể tham gia hoạt động ổn định, an toàn - Ảnh: Đình Hải

Trao đổi với các diễn giả trong nước và quốc tế tại phiên Tọa đàm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết các chủ thể tham gia phải là pháp nhân đăng ký hoạt động trong Trung tâm tài chính, tuân thủ các quy định cụ thể.

Các bộ, ngành và địa phương liên quan đang xây dựng một khung pháp lý cho Trung tâm tài chính tại Việt Nam trên cơ sở học tập kinh nghiệm quốc tế và sẽ có sự khác biệt giữa Trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam so với các nước đã làm.

Theo đó, khung pháp lý phải làm rõ được các thực thể tham gia vào Trung tâm tài chính “được làm gì và không được làm gì”. Đồng thời, các ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư, quản lý tài sản… hoạt động trong Trung tâm tài chính ra sao cần được làm rõ. Sự phân định này để phân biệt một định chế tài chính đang hoạt động theo quy định pháp luật hiện hành, với kinh doanh trong môi trường chính sách vượt trội của Trung tâm tài chính.

Ở phương án thứ nhất, các định chế tài chính hoạt động trong Trung tâm tài chính sẽ cung ứng dịch vụ tương tự như bên ngoài thì áp dụng quy định pháp luật hiện hành.

Với phương án thứ hai, các định chế tài chính trong Trung tâm tài chính hoạt động dưới một khung quy định chung của Nghị quyết Quốc hội. Trong đó, các định chế tài chính trong Trung tâm tài chính có thể giao dịch ngoại tệ tự do, trong khi pháp luật hiện hành không cho phép thực hiện việc đó.

Theo Phó Thống đốc, NHNN sẽ dự thảo xây dựng một Nghị định trình Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết Quốc hội về cơ chế vượt trội trong Trung tâm tài chính, và sẽ có những thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho nhà đầu tư.

Hướng xây dựng Nghị định phải đặt ra các quy định, mọi hoạt động ngân hàng từ khâu cấp phép, tổ chức hoạt động, cung ứng dịch vụ, các tỷ lệ an toàn, đến thanh tra giám sát,…

Cùng với việc áp dụng cơ chế vượt trội thì các ngân hàng thương mại hoạt động trong Trung tâm tài chính có được phép huy động tiền gửi từ dân cư, có áp dụng tỷ lệ cho vay trên vốn huy động như trên thị trường đang áp dụng đối với các ngân hàng, có được nhà điều hành can thiệp sớm khi gặp tình trạng rút tiền gửi đột ngột, có cơ chế tái cấp vốn… hay không thì đó là những vấn đề cần đặt ra.

Đối với các định chế tài chính và phi tài chính đăng ký hoạt động trong Trung tâm tài chính, yếu tố người cư trú, người không cư trú… cũng cần cụ thể hóa.

Theo Ban soạn thảo Nghị quyết Quốc hội, dự thảo xây dựng theo hướng các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và ngân hàng con của tổ chức tín dụng Việt Nam sẽ được phép đăng ký hoạt động tại các Trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đại diện NHNN cho biết, một tổ chức tín dụng trong nước không thể áp dụng hai cơ chế pháp luật. Tinh thần này sẽ được Ban soạn thảo đưa vào Nghị quyết Quốc hội, kèm theo Nghị định hướng dẫn đi kèm trình vào kỳ họp tháng 5/2025 của Quốc hội. Dự thảo Nghị định này sẽ được công khai để các ngân hàng nước ngoài và các thực thể tham gia vào Trung tâm tài chính phản biện, các cơ quan soạn thảo lắng nghe, tiếp thu ý kiến.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng mời gọi các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm về Trung tâm tài chính giúp Việt Nam xây dựng Trung tâm tài chính với những nội dung thiết thực, theo đó sẽ đảm bảo được sự hoạt động ổn định của các thực thể tham gia vào Trung tâm tài chính của Việt Nam.

Về vấn đề fintech (công nghệ tài chính) trong Trung tâm tài chính, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết có hai loại fintech, thứ nhất fintech thời gian qua phối hợp rất tốt với các ngân hàng thương mại làm eKYC (xác thực khách hàng điện tử), trong đó có fintech đã trở thành “kỳ lân”; thứ hai là fintech phát triển trên diện rộng với hàng chục triệu khách hàng như Ứng dụng tài chính MoMo. Theo đó, cần có khung pháp lý cho họ hoạt động chứ không phải fintech chỉ đơn giản là tài sản số. Điểm này Ban soạn thảo cần làm rõ.

Đ.Hải

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-tai-trung-tam-tai-chinh-nhieu-diem-can-lam-ro-162010.html
Zalo