Ðòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng - Bài 6: Mãi ở phân khúc thấp, vì sao?

Sau nhiều năm, hàng loạt đại bàng, doanh nghiệp FDI toàn cầu đã có mặt và kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, đằng sau mặt trái của tấm huy chương về thu hút FDI chính là sự phụ thuộc về năng lực công nghệ, cũng như định hướng lại cơ cấu ngành nghề để doanh nghiệp Việt làm chủ công nghệ, đi sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ DN đầu tư nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ.

Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ DN đầu tư nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ.

Khó lớn vì thiếu tư duy

Trả lời câu hỏi về việc các doanh nghiệp hiện vẫn gia công nhiều, làm sao đi vào sâu hơn chuỗi cung ứng, tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho từng sản phẩm, chia sẻ với PV Tiền Phong, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, điều này xuất phát từ việc các doanh nghiệp điện tử của Việt Nam nói riêng và ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung hiện đang là các doanh nghiệp nhỏ và vừa là chủ yếu. Các doanh nghiệp thuộc nhóm này luôn đối mặt 3 vấn đề cơ bản: Thiếu vốn cho đầu tư, sản xuất; Nguồn nhân lực quản trị sản xuất; đặc biệt là vận hành dây chuyền sản xuất là điều các doanh nghiệp Việt đang yếu.

Theo bà Hương, hiện có nhiều chương trình của Chính phủ và các tổ chức quốc tế trong hỗ trợ doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, các chương trình đó cần đi vào chiều sâu hơn. Các chương trình đào tạo hiện vẫn chung chung, chưa tập trung cho con người cụ thể, sản xuất chuyên môn cụ thể. Bản thân các doanh nghiệp tiếp cận các thông tin nhiều nhưng hỗ trợ thực tế cho doanh nghiệp còn khá hạn chế. “Hiện trong ngành điện tử, chủ yếu chúng ta bị cạnh tranh của các doanh nghiệp Trung Quốc. Trong khi do thiếu nguồn vốn nên các doanh nghiệp Việt rất khó để mở rộng phát triển, đầu tư nâng cao công nghệ. Đây là việc cần khơi thông. Các chính sách của Nhà nước về thuế, hải quan cũng cần cụ thể hơn. Không nên có những thay đổi bất ngờ về chính sách làm cho doanh nghiệp trở tay không kịp”, bà Hương nói.

Chỉ ra loạt vấn đề “cười ra nước mắt” tại một cuộc họp của Bộ Công Thương về thúc đẩy xuất khẩu, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, dù doanh số về máy móc, thiết bị hàng năm rất lớn, lên tới hàng chục tỷ USD nhưng số tiền này chủ yếu là đóng góp từ khối doanh nghiệp FDI, phần của doanh nghiệp nội hiện rất khiêm tốn.

Theo ông Sáng, ngoài các vấn đề về vốn, nhân lực, công nghệ, doanh nghiệp Việt hiện thiếu nhiều kỹ năng liên quan đến tiếp thị khách hàng, triển lãm, tổ chức xúc tiến thương mại cũng như làm hình ảnh trên các nền tảng mạng xã hội, trên Facebook, Tiktok…, thậm chí các website của công ty cũng rất nghèo nàn thông tin. Như vậy làm sao quảng bá được thương hiệu, làm sao tạo được sự tin tưởng đặt hàng từ các đối tác. Nghịch lý nữa của ngành cơ khí, cũng như trong hầu hết các ngành nghề chính là bên cạnh việc hầu như không biết đến tận dụng thương mại điện tử để phát triển, doanh nghiệp nào cũng bo bo phần của mình, rất khó kết nối với nhau. Thậm chí hai doanh nghiệp cùng ngành cùng làm một lĩnh vực nhưng không nói chuyện được với nhau. Điều này dẫn đến việc rất khó kết nối với các doanh nghiệp hay hiệp hội nước ngoài cũng như không thể làm việc được với các nhà nhập khẩu lớn.

Một tư duy cũ bộc lộ đó là khi các doanh nghiệp đã làm được một sản phẩm tốt thì lại ngại thay đổi, cải tiến sản phẩm. Điển hình như trường hợp của một công ty TNHH Cơ khí công nông nghiệp thực phẩm ở TPHCM sản xuất được hệ thống máy xay xát lúa gạo liên hoàn thống trị được thị trường và xuất khẩu được tới 4 triệu USD/năm. Nhưng doanh nghiệp này quyết không mở rộng thị trường dù tiềm năm xuất khẩu sang các nước châu Phi lên tới hàng chục triệu USD.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp cơ khí lớn doanh thu nghìn tỷ đồng có trụ sở ở Hà Nội cũng cho biết, một điểm “khó lớn” mang tính cốt tử của các doanh nghiệp Việt xuất phát từ tư duy và tầm nhìn chiến lược trong phát triển doanh nghiệp là chủ yếu cạnh tranh nhờ có nguồn nhân công rẻ mạt. Trong khi đó, Trung Quốc hay Ấn Độ, ngoài nhân công rẻ, họ thành công nhờ tổ chức sản xuất được theo chuỗi với quy mô lớn. Họ phân công các doanh nghiệp đầu tư chuyên môn hóa sâu trong từng lĩnh vực sản xuất, cho đến linh kiện. Ông nào có thế mạnh gì thì tập trung đầu tư con người và nghiên cứu (R&D). Sự chuyên môn hóa cao này đã giúp doanh nghiệp có lợi thế không thể so sánh. Đặc biệt “chữ tín” trong kinh doanh của các doanh nghiệp Trung Quốc hay Ấn Độ được hình thành từ những hợp đồng rất nhỏ cho đến các hợp đồng lớn.

Theo vị này, doanh nghiệp Việt sẽ rất cần sự chung tay của Chính phủ, các cơ quan bộ ngành, đặc biệt là hệ thống thương vụ trong việc đưa hàng ra thế giới. Hiện Việt Nam có hệ thống tham tán thương mại rất rộng, phủ khắp các nước nhưng các kênh thông tin đến được với doanh nghiệp còn rất hạn chế. Chính vì vậy có tình trạng doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng bị vướng hoặc gặp khó vì không phù hợp đặc điểm thị trường và hay bị lừa đảo khi xuất khẩu.

“Nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, các doanh nghiệp sẽ gặp khó trong đầu tư vì mỗi một nhà máy đều cần tới số vốn hàng trăm tỷ đồng. Khi ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, việc tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI sẽ chậm theo, thậm chí đánh mất cơ hội phát triển cùng với sự phát triển của các tập đoàn toàn cầu”.

Ông Ðỗ Phước Tống,

Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí Ðiện TP Hồ Chí Minh (HAMEE)

Cần cơ chế đặt hàng đặc thù

Chia sẻ với PV Tiền Phong, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp khẳng định, việc Chính phủ mạnh dạn giao đặt các đơn hàng lớn trong lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao, vốn đầu tư lớn, mức độ phức tạp cao là cách “tôi rèn” tốt nhất để các doanh nghiệp trong nước vượt qua “cái bóng” của doanh nghiệp FDI trong nhiều lĩnh vực. Những thử nghiệm đặt hàng này là bệ đỡ tốt nhất giúp cộng đồng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh. Bài học về làm chủ công nghệ trong thi công các hệ cầu, các công trình thủy điện lớn như Lai Châu, Sơn La hay đường dây 500kV đi suốt dọc chiều dài đất nước hoặc những dự án, nhà máy đặc thù chuyên sản xuất linh kiện cho các hãng hàng không lớn trên thế giới như Airbus, Boeing ở Việt Nam thời gian qua là những minh họa rõ nét nhất trong việc tự lực, tự cường trong sản xuất, nghiên cứu khoa học công nghệ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) luôn day dứt về việc làm sao có một cơ chế, một đòn bẩy thật sự mạnh mẽ, hiệu quả để các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ vươn lên.

Theo ông Vân, những năm gần đây, doanh nghiệp nhiều ngành nghề đối mặt đủ khó khăn, do tác động của dịch COVID-19, từ biến động của thị trường cũng như đứt gãy chuỗi giá trị cung ứng, hàng tồn kho do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Trong hoạt động thực tế của doanh nghiệp, những khó khăn chủ yếu thường sẽ hay được đề cập nhiều nhất về vốn vì đây là một trong những yếu tố tiên quyết nhất để doanh nghiệp tồn tại, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đầu tư cho nghiên cứu, phát triển (R&D). Theo ông Vân, thực tế HANSIBA cho thấy, các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ luôn cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý cơ chế chính sách, hạ tầng đất đai sản xuất, công nghệ mới. “Doanh nghiệp cũng rất cần có các chính sách hỗ trợ thúc đẩy cung ứng hàng hóa, sản phẩm cũng như chính sách hỗ trợ về mặt công nghệ để doanh nghiệp phát triển, vươn lên. Cùng đó cần có chính sách cụ thể để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các ngành chiến lược như năng lượng tái tạo, công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin, dược phẩm”, Phó Chủ tịch HANSIBA đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí Điện TP Hồ Chí Minh (HAMEE) cho rằng, đã là doanh nghiệp bước vào sân chơi thì phải chấp nhận mọi sự cạnh tranh và cả sự bất bình đẳng. Chỉ những doanh nghiệp có lối đi riêng, biết thích ứng nhanh với diễn biến thị trường, sẽ là người thắng cuộc. Trong đó, việc chuyển đổi công nghệ, có cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp, gỡ được những rào cản, những bất cập của chính sách thuế với ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp tạo bệ phóng để doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng, tăng đầu tư, nâng cao năng lực.

Ông Tống cho biết, bản thân hiệp hội cũng đang tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành tự lực thông qua việc hình thành chương trình “Made by Vietnam” tạo ra những sản phẩm của chính các doanh nghiệp Việt. Đây là hành trình gian nan nhưng không có giải pháp nào hơn nếu doanh nghiệp thật sự muốn cạnh tranh được và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các ông lớn FDI. Tuy nhiên, để đạt được khát vọng, doanh nghiệp Việt sẽ phải “trả giá lớn” trong việc giải bài toán đầu tư, đổi mới quản trị, quy trình sản xuất.

Phạm Tuyên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/don-bay-cho-mot-viet-nam-thinh-vuong-bai-6-mai-o-phan-khuc-thap-vi-sao-post1729838.tpo
Zalo