'Ngân hàng tại làng'

Với giá trị cốt lõi 'gần gũi, thân thiện, hiệu quả', Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa không chỉ là nơi cung cấp dịch vụ tài chính mà được xem như người bạn đồng hành với khách hàng là hộ nghèo, cận nghèo, yếu thế, mang lại niềm tin và động lực cho khách hàng, đặc biệt là phụ nữ và các hộ thu nhập thấp tại khu vực nông thôn, miền núi.

Giá trị cốt lõi mà Tổ chức TCVM hướng tới là "gần gũi, thân thiện, hiệu quả".

Giá trị cốt lõi mà Tổ chức TCVM hướng tới là "gần gũi, thân thiện, hiệu quả".

Khác biệt từ sự gần gũi, tận tâm và trách nhiệm

Trong hệ sinh thái tài chính hiện nay, các ngân hàng, tổ chức tài chính đều chú trọng, tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng dịch vụ, “lấy khách hàng làm trung tâm”, xem đó là cuộc cạnh tranh của uy tín, thương hiệu. Chung dòng chảy ấy, trên hành trình xây dựng và phát triển, (TCVM) Thanh Hóa nỗ lực cung cấp các dịch vụ tài chính thiết thực, hiệu quả, phương pháp tiếp cận “gần gũi, thân thiện, hiệu quả”.

Một trong những điểm khác biệt lớn nhất để làm nên uy tín, thương hiệu và thành công của TCVM Thanh Hóa là cách làm việc của đội ngũ cán bộ tín dụng. Không đợi khách hàng tìm đến, họ chủ động đến tận nhà, thăm hỏi và tư vấn trực tiếp cho từng hộ gia đình. Những cán bộ tín dụng này không chỉ là nhân viên thực hiện công việc cung cấp vốn vay, mà còn là những người lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ khó khăn với khách hàng. Đối tượng khách hàng của TCVM Thanh Hóa là những hộ nghèo, thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội. Không ngại khó, ngại khổ, những người cán bộ TCVM tận tâm giúp khách hàng hoàn thiện hồ sơ vay vốn, cung cấp những lời khuyên hữu ích để sử dụng vốn hiệu quả, từ việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ đến mở rộng kinh doanh hay khởi nghiệp... Sự gần gũi, thân thiện của họ đã dần xóa bỏ khoảng cách giữa một tổ chức tài chính với khách hàng.

Khác với các ngân hàng truyền thống yêu cầu khách hàng phải đến phòng giao dịch làm thủ tục vay vốn, nhận vốn, trả nợ... Tổ chức TCVM Thanh Hóa mang mọi giao dịch đến ngay tại nhà văn hóa thôn, bản hoặc địa điểm thuận tiện gần khách hàng. Điều này đặc biệt ý nghĩa với những người dân ở vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện đi lại khó khăn và phương tiện hạn chế. Việc mang dịch vụ đến tận nơi không chỉ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và chi phí, mà còn tạo sự thuận lợi và an tâm khi làm việc trực tiếp với cán bộ tín dụng ngay tại địa phương của mình.

Nhớ lại những ngày đầu tiên đặt chân đến huyện miền núi Cẩm Thủy công tác, chị Phạm Thị Tuyền, cán bộ tín dụng của Tổ chức TCVM Thanh Hóa tâm sự: “Đó là những ngày trời nắng gắt, những cung đường quanh co, gập ghềnh dẫn tôi từ thị trấn nhỏ lên những bản làng heo hút giữa núi rừng. Nhìn khung cảnh hoang sơ, những mái nhà thấp thoáng với đồi núi, tôi vừa cảm thấy háo hức, vừa trăn trở không biết mình sẽ làm gì để giúp được bà con nơi đây”.

Từ đặc thù hoạt động, đối tượng khách hàng, chị Tuyền hiểu hơn ai hết, công việc của người cán bộ tín dụng TCVM không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ cung cấp vốn vay mà còn là hành trình gắn bó, lắng nghe, sẻ chia, đồng hành cùng khách hàng. Đường lên bản không dễ dàng. Những ngày nắng, bụi đường bám kín người, len lỏi qua từng con dốc cao vút. Ngày mưa, đường trở nên lầy lội, nhiều khi phải dừng xe, đi bộ cả quãng dài để đến nhà bà con. Chị Tuyền kể: “Có lần, tôi đi đến một bản xa để tư vấn cho một hộ gia đình muốn vay vốn phát triển chăn nuôi.

Mưa lớn làm đường đầy bùn lầy, chiếc xe máy của tôi mắc kẹt giữa đường. Tôi phải gửi xe lại nhà dân bên đường và lội bộ hơn 3 cây số trên con đường bùn lầy trơn ướt mới đến nhà khách hàng. Khi bước vào căn nhà nhỏ ấy, thấy ánh mắt đầy hy vọng của họ, tôi quên hết mệt nhọc. Người cán bộ TCVM chúng tôi là vậy, niềm vui và tự hào nhất là nguồn vốn vay đã đến kịp thời, được sử dụng hiệu quả để cùng khách hàng thực hiện ước mơ”.

Khi những vun trồng kết thành “quả ngọt”

Chính sự khác biệt trong cách tiếp cận và phục vụ đã giúp TCVM xây dựng được niềm tin, sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Những người dân nghèo, thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội vốn ít có cơ hội tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương mại. Nhưng với TCVM, họ đã tìm thấy nơi gửi gắm niềm hy vọng. Các khoản vay nhỏ nhưng thiết thực, kịp thời đã giúp nhiều hộ gia đình có vốn để kinh doanh, sản xuất, từ đó có thêm thu nhập, thoát nghèo, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống, mở hướng cho tương lai.

Chị Bùi Thị Hà ở huyện Thạch Thành là khách hàng thân thiết, đã trải qua bốn chu kỳ vay vốn tại Tổ chức TCVM Thanh Hóa. Chị Hà cho biết: “Trước khi tham gia vay vốn, gia đình tôi là hộ nghèo, sống trên núi cách xa các hộ dân khác. Gia đình thiếu vốn để sản xuất nhưng không biết vay ở đâu, cũng chẳng có gì trong tay để làm thủ tục vay vốn các ngân hàng thương mại. Từ khi có TCVM Thanh Hóa về đây, cán bộ cho vay không yêu cầu thế chấp tài sản, và hướng dẫn tôi cách sử dụng vốn vay hiệu quả, cách tiết kiệm để có thể dành một phần thu nhập hoàn trả vốn vay. Tôi đã tham gia vay để mua cây giống sâm đất về trồng. Mỗi mùa thu hoạch sâm đất, gia đình tôi lại có một khoản thu nhập để tiếp tục đầu tư và cải thiện cuộc sống. Cứ thế, cuộc sống gia đình tôi dần được cải thiện. Tôi rất vui và sẽ tiếp tục tham gia vay vốn để mở rộng mô hình hơn nữa”.

Câu chuyện của chị Bùi Thị Hà chỉ là một trong hàng chục nghìn khách hàng mà TCVM Thanh Hóa cung cấp vốn vay. Từ điểm tựa này, nhiều câu chuyện đẹp về nghị lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống tốt hơn được viết nên. TCVM nói chung, TCVM Thanh Hóa nói riêng không chỉ là một tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, mà là một mô hình gần gũi, nhân văn, mang đậm tính cộng đồng. Sự khác biệt lớn nhất của TCVM là cách tiếp cận tận tình, cách thức tổ chức linh hoạt, luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Những giá trị mà TCVM mang lại không chỉ nằm ở các con số vốn vay hay các chương trình thiện nguyện, mà còn là niềm tin, sự hỗ trợ kịp thời và những thay đổi tích cực cuộc sống, góp phần mang lại hạnh phúc cho những người nghèo, thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội...

Bài và ảnh: Hoàng Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ngan-hang-tai-lang-231367.htm
Zalo