Ngân hàng nội rục rịch 'săn' đối tác ngoại
Năm 2025 đang mở ra cơ hội vàng cho các ngân hàng Việt trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài. Với sự đồng thuận từ cổ đông, sự chủ động từ ban lãnh đạo và bối cảnh kinh tế thuận lợi, nhiều thương vụ hợp tác được kỳ vọng sẽ xuất hiện trong thời gian tới…

Mùa đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 đang diễn ra sôi động trên toàn thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam. Một điểm chung dễ nhận thấy tại nhiều ngân hàng năm nay là sự quan tâm đặc biệt đến việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài. Từ mong muốn của ban lãnh đạo cho đến ý kiến chất vấn thẳng thắn từ phía cổ đông, chủ đề "hợp tác với nhà đầu tư quốc tế" được đẩy lên như một ưu tiên hàng đầu.
Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2025 có thể sẽ trở thành cột mốc quan trọng, mở ra làn sóng mới trong hoạt động hợp tác chiến lược giữa ngân hàng Việt và các tập đoàn tài chính toàn cầu.
CỔ ĐÔNG NÓNG LÒNG THÚC ĐẨY TÌM KIẾM ĐỐI TÁC NGOẠI
Tại đại hội của Ngân hàng VIB, một cổ đông lâu năm thẳng thắn chất vấn: cổ đông chiến lược đến từ Australia - CBA rút vốn khỏi VIB sau 15 năm gắn bó, liệu room của nhà đầu tư nước ngoài tại VIB có thay đổi trong thời gian tới không?
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ cho biết: "VIB có cổ đông chiến lược là CBA, đã đi cùng VIB trong 1 thập kỷ và đã có tác động rất lớn tới ngân hàng. Trước Covid-19, CBA đã thay đổi chiến lược khi đóng các điểm kinh doanh ở bên ngoài nước Úc. VIB là nơi gần như cuối cùng họ rút vốn. Khoản đầu tư vào VIB là khoản đầu tư hiệu quả của họ. Khi rút vốn, họ đã bán cổ phiếu ra ngoài thị trường, tạo ra room ngoại lớn cho VIB".

Đại hội đồng cổ đông thường niên VIB năm 2025
Với các mục tiêu tăng trưởng nhanh, vững chắc trong thời gian tới cũng như khả năng room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước mở rộng, VIB sẽ có cơ hội tận dụng room đó để tạo ra các cơ hội mới. Hiện Hội đồng quản trị VIB đang trao đổi với các đối tác để tìm kiếm một hoặc một số đối tác thích hợp để có giá tốt về mặt tài chính cũng như cộng hưởng được sức mạnh của đối tác vào hoạt động của ngân hàng.
Thông tin tới cổ đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Quang Hiển tâm sự , ngân hàng SHB đã làm việc với một số đối tác chiến lược nước ngoài. Ông cũng bộc bạch rằng, bản thân đã nhiều lần chia sẻ: "Chúng ta là một cô dâu xinh đẹp tài năng, không phải chàng rể nào muốn đến cũng đến được". Việc tìm kiếm đối tác chiến lược cần coi trọng lợi ích của ngân hàng, của các cổ đông.
Năm 2025, ban lãnh đạo SeABank đề xuất không chia cổ tức. Toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế còn lại sau khi trích lập các quỹ, sẽ được giữ lại nhằm tăng cường năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
Chia sẻ với cổ đông, bà Lê Thu Thủy, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị SeABank cho biết: “Hiện SeABank cũng đang trong quá trình tìm hiểu các cổ đông tiềm năng từ nước ngoài, ví dụ như các cổ đông đến từ Nhật Bản chẳng hạn. Vì vậy, ngân hàng quyết định không chia cổ tức để dồn lực cho sự phát triển trong những năm tới”.
Hay tại đại hội của ngân hàng LPBank, trả lời cho câu hỏi ngân hàng LPBank có kế hoạch bán vốn cho nước ngoài hay không? Ông Hồ Nam Tiến, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị trao đổi: “Đây cũng là định hướng của ngân hàng, nhưng với tình hình hiện tại, Hội đồng quản trị sẽ bám sát diễn biến thị trường quốc tế và lựa chọn nhà đầu tư phù hợp thì mới có kế hoạch. Riêng năm 2025 thì chưa có kế hoạch. Ngoài ra, việc bán vốn cũng phải dựa trên nguyên tắc có lợi cho cổ đông và hoạt động của ngân hàng, nên Hội đồng quản trị phải thận trọng trong việc lựa chọn đối tác”.
Cũng tại đại hội năm nay, ban lãnh đạo ngân hàng Vietcombank đã trình cổ đông phương án chào bán 543.100.000 cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,5% vốn điều lệ của ngân hàng, cho tối đa 55 nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đại hội đồng cổ đông thường niên Vietcombank năm 2025
Vietcombank cho hay nếu cổ đông chiến lược - Ngân hàng Mizuho Nhật Bản (Mizuho) thực hiện mua cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Vietcombank lên đến 20%, Mizuho được quyền đề cử thêm 1 người vào Hội đồng quản trị của Vietcombank và đảm bảo số lượng thành viên Hội đồng quản trị đại diện cho phần vốn góp của Mizuho tại Vietcombank không vượt quá 2 thành viên Hội đồng quản trị.
Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài (khác Mizuho) mua và nắm giữ từ 5% tổng số cổ phần phổ thông của Vietcombank sau phát hành trở lên sẽ được quyền đề cử 1 người vào Hội đồng quản trị của Vietcombank. Việc đề cử và vào nắm quyền trong Hội đồng quản trị của các cổ đông lớn đều sẽ dựa trên cơ sở được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Làn sóng nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tràn vào hệ thống ngân hàng Việt Nam bắt đầu bùng nổ từ giữa những năm 2000. Thời điểm đó, khi các ngân hàng thương mại trong nước đồng loạt mở chiến dịch săn tìm đối tác ngoại, kỳ vọng không chỉ đặt vào việc đón dòng vốn mới, mà còn hướng tới việc nâng tầm thương hiệu và tiếp sức mạnh mẽ cho hoạt động kinh doanh.
Giai đoạn này chứng kiến hàng loạt thương vụ đình đám giữa các ngân hàng Việt và các tổ chức tài chính quốc tế.
Bước ngoặt bất ngờ xảy ra vào năm 2008 khi cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu ập đến, khiến các định chế quốc tế đồng loạt co mình, ưu tiên củng cố thị trường nội địa. Dòng vốn ngoại vì thế dần nguội lạnh, khiến nhiều ngân hàng Việt lỡ hẹn trong hành trình tìm kiếm cổ đông chiến lược.
Đến năm 2011, ánh sáng hy vọng lại le lói khi các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài quay trở lại Việt Nam. Hai thương vụ VietinBank “bắt tay” IFC và Vietcombank đạt thỏa thuận chiến lược với Mizuho đã mở màn cho làn sóng mới.
Từ đây, nhiều định chế tài chính lớn tại châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, tiếp tục góp mặt. Tuy nhiên, cuộc chơi lúc này đã thay đổi, dòng vốn ngoại trở nên chọn lọc hơn bao giờ hết, với các nhà đầu tư chỉ nhắm đến những ngân hàng Việt đã đạt độ "chín muồi" về uy tín, tài chính và năng lực vận hành, trong khi bên mua cũng thường là những tổ chức đứng đầu về tổng tài sản tại quốc gia của họ.
KỲ VỌNG MỚI
Nhìn vào bức tranh hiện tại của ngành ngân hàng, dễ dàng nhận ra một sự lệch pha rõ rệt. Có những ngân hàng luôn kín chỗ với nhà đầu tư ngoại, trong khi không ít nhà băng khác lại gần như “vắng bóng” hoàn toàn dòng vốn nước ngoài.
Thực tế, một số ngân hàng đã chủ động “khóa room ngoại” ở mức thấp hơn quy định tối đa 30%, nhằm giữ chỗ cho những đối tác chiến lược phù hợp trong tương lai. Nhiều ngân hàng lại chọn ưu tiên huy động vốn từ các nhà đầu tư trong nước.
Cũng không thiếu những nhà băng vẫn đang miệt mài tìm kiếm đối tác ngoại, song chưa thể về đích, phần vì diễn biến thị trường những năm gần đây không thực sự thuận lợi cho các thương vụ gọi vốn quốc tế.
Giới chuyên gia dự báo, dòng vốn ngoại sẽ có xu hướng chảy vào thị trường ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư Công ty quản lý quỹ Dragon Capital: "Rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn tham gia vào các ngân hàng vẫn là giới hạn tỷ lệ sở hữu tối đa 30%, trong khi không phải ngân hàng nào cũng còn nguyên room ngoại".
Thực tế, có không ít nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các ngân hàng Việt với mục đích kiếm lời. Với mục tiêu đó, họ sẽ tìm các ngân hàng tốt để đầu tư, song cũng có nhà đầu tư muốn hợp tác lâu dài, nhất là những nhà băng còn nhiều room ngoại. Có 3 tiêu chuẩn chính mà khối ngoại tập trung xem xét ngân hàng nội là lợi nhuận trong quá khứ và kỳ vọng ở tương lai; bộ máy quản trị tốt; ngân hàng đã niêm yết để có thể thoái vốn khi cần.
Còn ông Ivan Tan, Giám đốc Xếp hạng Định chế Tài chính, S&P Global Ratings, nhận định, chính sách áp mức trần sở hữu nước ngoài 30% tại các ngân hàng Việt Nam đang kìm hãm các khoản đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, nhất là khi Việt Nam đang là một quốc gia Đông Nam Á phát triển nhanh chóng và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư toàn cầu. Mức trần này tạo ra sự thiếu linh hoạt trong việc thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài quan trọng cho sự phát triển của ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ để các ngân hàng Việt Nam đón nhận làn sóng nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tiếp theo. Ngành ngân hàng Việt Nam vẫn duy trì triển vọng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt khi xét đến sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của đất nước trong những năm gần đây và triển vọng tươi sáng trong những năm tới. Việt Nam đã và đang thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ và sản xuất, nhất là khi chuỗi cung ứng toàn cầu được điều chỉnh lại.
S&P Global Ratings dự báo, năm 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Tăng trưởng này có thể sẽ được thúc đẩy bởi tín dụng từ khu vực ngân hàng, từ đó, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận nguồn vốn này thông qua việc trở thành cổ đông chiến lược tại các ngân hàng Việt.
Theo Nghị định số 69/2025 ngày 18/3/2025 của Chính phủ vừa ban hành về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) được vượt 30% nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ.
Như vậy, kể từ ngày 19/5, MBBank, HDBank và VPBank sẽ được nới room ngoại lên 49% sau khi nhận chuyển giao bắt buộc theo Nghị định 69/2025 vừa được Chính phủ ban hành. Đây được xem là cơ hội cho không chỉ nhà đầu tư ngoại khi muốn tham gia vào các nhà băng này mà 3 ngân hàng trên có thêm điều kiện hút vốn ngoại, tăng năng lực tài chính.