Ngân hàng Nhà nước hút ròng trước áp lực tỷ giá tăng cao

Theo dữ liệu từ Wichart, để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng gần 52.600 tỷ đồng chỉ trong vòng một tuần qua.

Trong đó, từ ngày 6/1 - 10/1/2025, NHNN đã hút ròng khoảng 33.600 tỷ đồng qua kênh tín phiếu và gần 19.000 tỷ đồng qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá.

Động thái đẩy mạnh hút ròng của NHNN trong bối cảnh tỷ giá tăng cao. Ảnh: WiChart.

Động thái đẩy mạnh hút ròng của NHNN trong bối cảnh tỷ giá tăng cao. Ảnh: WiChart.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm có sự biến động tăng dần trong tuần, từ mức 3,91% lên mức 4,76%.

Tuy vậy, các lãi suất kỳ hạn dài hơn từ 1-12 tháng kết thúc tuần đều ghi nhận sự hạ nhiệt so với mức cao ghi nhận trong tháng 12/2024, duy trì quanh mức 5,14 – 5,4%.

Theo phòng phân tích công ty chứng khoán MB (MBS), trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng, NHNN đã thực hiện nhiều biện pháp can thiệp trên thị trường tiền tệ nhằm điều tiết thanh khoản hệ thống.

Cụ thể, trong tháng 12/2024, NHNN đã phát hành gần 124.000 tỷ đồng tín phiếu với lãi suất 3,9% - 4%, kỳ hạn 7, 14 và 28 ngày.

Cùng với đó, NHNN cũng bơm khoảng 172.000 tỷ đồng qua kênh OMO, với mức lãi suất 4% và kỳ hạn 7 và 14 ngày.

Tháng này, NHNN đã phải giảm lượng thanh khoản hỗ trợ hệ thống với quy mô bơm ròng trong tháng 12 trị giá khoảng 12.800 tỷ đồng, giảm mạnh so với tháng trước nhằm giữ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức vừa phải, giúp giảm áp lực lên tỷ giá.

Áp lực lên lãi suất

Công ty chứng khoán Vietcap nhìn nhận, thanh khoản VND thường tăng vào đầu năm mới do yếu tố mùa vụ, điều này có thể làm giảm lãi suất liên ngân hàng.

Tuy nhiên, Vietcap dự báo lãi suất liên ngân hàng có thể vẫn neo ở mức cao do áp lực tỷ giá gần đây, đồng thời dự báo NHNN sẽ linh hoạt sử dụng tín phiếu để hút bớt thanh khoản trong hệ thống ngân hàng trong nửa đầu tháng 1 để nâng lãi suất liên ngân hàng.

Tỷ giá biến động gây áp lực lên các chính sách lãi suất của NHNN. Ảnh: MBS

Tỷ giá biến động gây áp lực lên các chính sách lãi suất của NHNN. Ảnh: MBS

Vào đầu tháng 1, Vietcap cho biết NHNN thông báo sẽ bán USD theo hình thức hợp đồng kỳ hạn vào ngày 3/1 và ngày 6/1, đồng thời cho phép các ngân hàng thương mại hủy hợp đồng trước ngày đáo hạn vào ngày 23/1.

Động thái mới nhất này của NHNN đã giúp tỷ giá USD/VND hạ nhiệt.

Nhóm phân tích dự báo USD mạnh lên có thể tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá USD/VND.

Tuy nhiên, sự can thiệp của NHNN và nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối thời điểm trước Tết Nguyên đán có thể giúp giảm bớt áp lực.

MBS cho rằng, dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ bị hạn chế hơn so với dự kiến dưới áp lực của đồng USD mạnh lên và rủi ro về việc Mỹ tiếp tục thực hiện các cuộc điều tra về thao túng tiền tệ.

Trong kịch bản đó, NHNN có thể sẽ cần áp dụng một lập trường chính sách tiền tệ thận trọng hơn để kiểm soát sự ổn định của tỷ giá, đồng nghĩa với việc dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ có thể bị hạn chế.

Do đó, sẽ khó có đợt cắt giảm lãi suất chính sách nào trong năm 2025.

Cùng với đó, sự phục hồi của hoạt động sản xuất và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, qua đó sẽ gia tăng áp lực lên lãi suất đầu vào.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/ngan-hang-nha-nuoc-hut-rong-truoc-ap-luc-ty-gia-tang-cao-d38701.html
Zalo