Ngân hàng Nhà nước hút ròng trở lại sau tháng bơm ròng mạnh trước Tết

Trong phiên giao dịch đóng cửa tuần qua (7/2), trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng 9.581,1 tỷ đồng. Trước Tết nguyên đán, trong tháng 1/2025, NHNN bơm ròng với quy mô gấp 5 lần tháng trước đó.

Trên kênh cầm cố, trong phiên giao dịch cuối tuần qua (7/2), NHNN hút ròng 9.581,1 tỷ đồng, đây là phiên hút ròng thứ hai của NHNN tuần qua. Như vậy, trong tuần đầu tiên làm việc sau Tết nguyên đán, NHNN chỉ còn bơm ròng 34.310 tỷ đồng.

Trước đó, trong tháng 1/2025, NHNN bơm ròng mạnh ra thị trường để hỗ trợ thanh khoản.

Theo thống kê của Công ty chứng khoán MBS, trong tháng 1/2025, NHNN đã phát hành gần 162.500 tỷ đồng tín phiếu, với lãi su 4%, kỳ hạn 7 - 14 ngày. Cùng với đó, NHNN cũng bơm khoảng 233.600 tỷ đồng qua kênh OMO, với mức lãi suất 4% và kỳ hạn 7, 14 và 21 ngày.

Tổng cộng, trong tháng 1/2025, NHNN đã bơm ròng khoảng 67.500 tỷ đồng ra thị trường, tăng hơn 5 lần so với tháng trước trong bối cảnh áp lực tỷ giá giảm và nhu cầu chi tiêu của người dân trong dịp Tết tăng cao khiến áp lực thanh khoản gia tăng.

Hiện lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức 4,5%. Trước Tết nguyên đán, lãi suất cho vay qua đêm duy trì ở mức 4.6%.

Trên thị trường dân cư, lãi suất huy động diễn biến trái phiều, tổng thể vẫn giữ ổn định. Cụ thể, trong tháng 1/2024 có 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động với mức tăng từ 0.1% - 0.9%/năm. Xu hướng tăng lãi suất huy động diễn ra chủ yếu ở các NHTM quy mô nhỏ khi các nhà băng đang chuẩn bị nguồn vốn lớn để phục vụ cho kế hoạch tín dụng trong năm nay.

NHNN mới đây đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% nhằm đạt được mức tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025. Do đó các ngân hàng cần tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng như huy động vốn ngay từ đầu năm để đạt được mục tiêu đề ra.

Tuy vậy, trong tháng 1 cũng có tới 7 ngân hàng giảm lãi suất đầu vào với mức giảm khá đáng kể khi giảm từ 0.1% - 0.75%/năm.

“Đến cuối tháng 1, lãi suất 12 tháng trung bình của nhóm NHTM duy trì ở mức 5.1% - không thay đổi so với tháng trước. Trong khi đó, lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn giữ nguyên ở mức 4.7%. Chúng tôi dự báo lãi suất đầu vào duy trì ở mức 5% - 5,2%/năm trong năm 2025”, chuyên viên phân tích chứng khoán MBS dự báo.

Theo đánh giá của các chuyên gia, dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ bị hạn chế hơn so với dự kiến dưới áp lực của đồng USD mạnh lên và rủi ro về việc Mỹ tiếp tục thực hiện các cuộc điều tra về thao túng tiền tệ. Trong kịch bản đó, NHNN có thể sẽ cần áp dụng một lập trường chính sách tiền tệ thận trọng hơn để kiểm soát sự ổn định của tỷ giá, đồng nghĩa với việc dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ có thể bị hạn chế.

Nhiều khả năng, sẽ không có bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất chính sách nào trong năm 2025.

Cùng với đó, sự phục hồi của hoạt động sản xuất và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, qua đó sẽ gia tăng áp lực lên lãi suất đầu vào.

Hiện tại, USD đã hạ nhiệt đáng kể sau khi Mỹ tạm hoãn áp dụng mức thuế quan mới với Mexico và Canada. Tuy nhiên, rủi ro tỷ giá vẫn cần được chú ý trong thời gian tới. Các kế hoạch nới lỏng tài khóa của chính quyền mới của Mỹ, các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, cùng với lãi suất cao của Mỹ so với các nước khác và chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ, dự kiến sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị của đồng USD trong năm 2025.

Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố tích cực hỗ trợ cho đồng VND như: Thặng dư thương mại tích cực, lượng vốn FDI giải ngân dồi dào và du lịch phục hồi mạnh mẽ…

Ngoài ra, sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2025.

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ngan-hang-nha-nuoc-hut-rong-tro-lai-sau-thang-bom-rong-manh-truoc-tet-d244921.html
Zalo