Ngân hàng lúng túng với tài sản số, tiền mã hóa

Nhiều doanh nghiệp 'ngỏ ý' muốn ngân hàng nhận tài sản số (tiền mã hóa, phần mềm…) làm tài sản thế chấp. Tuy vậy, không chỉ hành lang pháp lý chưa có, mà rủi ro quá lớn khiến ngân hàng còn ngại ngần.

Doanh nghiệp mong mỏi, ngân hàng ngại ngần

Ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam cho hay, rất nhiều doanh nghiệp sở hữu sản phẩm phần mềm có giá trị thương mại lớn, song không được ngân hàng định giá, không được tính là tài sản đảm bảo. Nhiều doanh nghiệp muốn phát hành token để huy động vốn toàn cầu, nhưng không thể triển khai do vướng hành lang pháp lý. Trong khi đó, trên thế giới, cuộc đua công nghệ số ngày càng tăng tốc.

“Chúng tôi rất mong cơ quan hữu trách nghiên cứu, xem xét ban hành sớm quy định định danh tài sản số, phương pháp định giá tài sản số cho doanh nghiệp để có thể tiếp cận các nguồn vốn từ ngân hàng thương mại, từ đó đầu tư vào ngắn hạn, trung và dài hạn. Nếu chúng ta tháo gỡ được, thì dòng tiền từ ngân hàng chảy vào cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tốt hơn”, ông Hùng kiến nghị.

Theo các chuyên gia, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã bước đầu xác lập khái niệm tài sản số và quyền sở hữu với tài sản này. “Đây là bước đi quan trọng mở đường cho việc xác lập và giao dịch bảo đảm đối với tài sản số trong tương lai”, TS. Lê Thị Giang, Trường đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên nghiên cứu ban hành luật hoặc nghị định riêng về tài sản số, quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan như nhà phát hành, sàn giao dịch, nhà đầu tư và yêu cầu cấp phép hoạt động. Mặt khác, tăng cường giám sát chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, yêu cầu sàn giao dịch đăng ký với cơ quan quản lý.

Tài sản số đã trở thành một xu thế tất yếu trong nền kinh tế toàn cầu, mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức về mặt pháp lý và quản lý rủi ro. Việc thế chấp khoản vay bằng tài sản số, đặc biệt thông qua các nền tảng DeFi và NFT, đã chứng minh tiềm năng lớn trong việc cách mạng hóa ngành tài chính truyền thống. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các quốc gia cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng, cân bằng giữa thúc đẩy đổi mới và bảo vệ người dùng.

- Luật sư Vũ Văn Tính, Giám đốc Công ty Luật TNHH Salus

Trước mắt, có thể ban hành quy chế sandbox cho phép một số ngân hàng hoặc tổ chức tài chính thí điểm cho vay thế chấp bằng tài sản số trong 3-5 năm; đánh giá kết quả thí điểm để điều chỉnh khung pháp lý, đảm bảo cân bằng giữa đổi mới và kiểm soát rủi ro; ưu tiên các tài sản số có tính thanh khoản cao trong giai đoạn thử nghiệm; xem xét thành lập cơ quan chuyên trách giám sát thị trường tài sản số, đảm bảo tuân thủ quy định về vốn, quản trị rủi ro và chống rửa tiền…

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, theo quy định, tài sản được thế chấp nếu đáp ứng hai điều kiện là có quyền sở hữu và không bị cấm giao dịch. Tiền mã hóa đáp ứng hai điều kiện này, về lý thuyết, có thể được sử dụng làm tài sản đảm bảo. Song thực tế, không ngân hàng nào dám nhận tiền mã hóa để giao dịch đảm bảo, một phần do Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ thị, một phần do rủi ro quá lớn.

“Nhận tài sản đảm bảo là để phòng ngừa rủi ro, nhưng chính tài sản đảm bảo lại rủi ro quá lớn, thì ngân hàng e ngại là dễ hiểu”, ông Đức nhận xét.

Có thể thí điểm, song chỉ phù hợp với các quỹ đầu tư

Theo ông Giacomo Merello, Chủ tịch Hội đồng Thúc đẩy Kinh doanh tài sản Kỹ thuật số Antigua và Barbuda, Đặc phái viên kinh tế đặc biệt của Thủ tướng Antigua và Barbuda tại Singapore, trên thế giới, một số nước đã cho phép sử dụng tài sản số nói chung, tiền mã hóa nói riêng làm tài sản thế chấp tại ngân hàng. Cụ thể, Singapore công nhận stable coin là một loại tài sản. Thụy Sỹ cho phép các ngân hàng cung cấp khoản vay được bảo lãnh bằng tiền mã hóa, song dịch vụ này chủ yếu cung cấp cho các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp lớn, không áp dụng cho cá nhân nhỏ lẻ.

Ông Giacomo Merello thừa nhận, tại nhiều quốc gia, việc chấp nhận tiền mã hóa là tài sản thế chấp chỉ triển khai ở các ngân hàng số (đa phần là ngân hàng nhỏ, trung bình) và chỉ áp dụng cho các khách hàng lớn. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại lớn và lâu đời vẫn rất bảo thủ, hầu như không chấp nhận tiền mã hóa là tài sản đảm bảo. Khả năng ngân hàng Việt Nam chấp nhận tài sản số là tài sản đảm bảo, thậm chí tham gia lĩnh vực này là rất hạn chế.

Mới đây, trả lời cổ đông về việc tham gia lập sàn giao dịch tài sản số (dự thảo đang được Bộ Tài chính xây dựng), lãnh đạo BIDV cho hay, với vai trò là ngân hàng thương mại trong nước, BIDV sẽ tích cực tham gia với các bộ, ngành để triển khai. Song việc lập sàn giao dịch tài sản số BIDV sẽ “dành” cho khối doanh nghiệp tư nhân.

“BIDV không có kế hoạch lập công ty triển khai sàn này, vì điều này đòi hỏi vốn lớn, chưa kể kỹ thuật và yếu tố khác. Tuy nhiên, BIDV sẽ tham gia thị trường với tư cách là một ngân hàng phục vụ thanh toán và các nghiệp vụ liên quan”, lãnh đạo BIDV khẳng định.

Sự thận trọng của ngân hàng với tài sản số, đặc biệt là tiền mã hóa là rất dễ hiểu. Tuy vậy, theo các chuyên gia, trong bối cảnh tài sản số tăng trưởng mạnh, vẫn cần hành lang pháp lý về vấn đề này. Tất nhiên, chấp nhận hay không sẽ tùy khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng.

Theo luật sư Vũ Văn Tính, Giám đốc Công ty Luật TNHH Salus, cần bổ sung định nghĩa về tài sản số vào Bộ luật Dân sự. Đồng thời, cần ban hành luật hoặc nghị định riêng về tài sản số, ban hành cơ chế sandbox cho phép một số ngân hàng hoặc tổ chức tài chính thí điểm cho vay thế chấp bằng tài sản số trong 3-5 năm.

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ngan-hang-lung-tung-voi-tai-san-so-tien-ma-hoa-d278833.html
Zalo