Ngân hàng hoạt động tích cực trên 'chợ' trái phiếu: Phát hành lắm cũng mua lại nhiều

Thời gian gần đây, không chỉ phát hành, các ngân hàng thương mại còn tăng cường mua lại trái phiếu trước hạn…

Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng phát hành trái phiếu ra công chúng và trái phiếu riêng lẻ để huy động thêm hàng ngàn tỷ đồng với lãi suất xấp xỉ 8%/năm.

Song song với xu hướng phát hành, ngược lại có nhiều nhà băng tiến hành mua lại trước hạn loạt trái phiếu có thời gian đáo hạn còn lại dưới 1 năm. Vậy diễn biến hai chiều này đến từ đâu và phản ánh điều gì?

ĐỔ XÔ PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 ghi nhận điểm sáng đáng chú ý đến từ nhóm ngân hàng khi liên tục có lượng phát hành vượt trội so với các ngành khác.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy trong 7 tháng đầu năm 2024, có 33 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 31.387 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 395 tỷ đồng trong tháng 7.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, có 175 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 168.433 tỷ đồng và 12 đợt phát hành ra công chúng trị giá 14.586 tỷ đồng. Trong số các đợt phát hành riêng lẻ, các trái phiếu đã được xếp hạng tín nhiệm chiếm 7% giá trị.

Ngân hàng là ngành có tỷ trọng giá trị phát hành trái phiếu nhiều nhất trong 7 tháng đầu năm nay, chiếm 67,2% tổng giá trị phát hành.

 Nguồn: Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho

Nguồn: Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho

Nhìn lại giai đoạn 7 tháng năm 2023, nhóm ngân hàng dù vẫn xếp đầu nhưng tỷ trọng khi đó chỉ chiếm hơn 36%, không cách quá xa so với nhóm bất động sản xếp ngay sau với tỷ trọng 33%.

Điều này cho thấy, bất chấp kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, các ngân hàng khá thành công khi huy động vốn dài hạn qua kênh này. Thực tế, lượng phát hành 7 tháng đầu năm nay của nhóm ngân hàng cũng tăng rất mạnh khi gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng với khối lượng phát hành áp đảo, trái phiếu ngân hàng được đánh giá là an toàn hơn so với các ngành nghề khác, với lãi suất dài hạn 3 - 5 năm ổn định ở mức 5 - 6%/năm. Đồng thời, trái phiếu ngân hàng cũng thu hút đầu tư dài hạn nhờ thanh khoản cao hơn so với trái phiếu các nhóm ngành khác.

 Nguồn: FinnRatings

Nguồn: FinnRatings

Đáng chú ý, một số ngân hàng phát hành trái phiếu với mức lãi suất khá hấp dẫn, gần ở ngưỡng 8%/năm. Điển hình như ngân hàng BVBank vừa công bố chào bán trái phiếu ra công chúng (đợt 1) qua phương thức phát hành trực tiếp tại các điểm giao dịch.

BVBank dự kiến có 6 đợt phát hành với tổng cộng 56 triệu trái phiếu. Trong đó đợt 1 chào bán 15 triệu trái phiếu, thời hạn 6 năm với lãi suất năm đầu tiên cố định 7,9%/năm. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng.

Từ năm thứ 2 lãi suất tham chiếu sẽ căn cứ bình quân lãi suất gửi tiết kiệm cá nhân 12 tháng, cuối kỳ của 4 ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank liền trước kỳ điều chỉnh lãi suất hàng năm cộng biên độ 2,5%/năm.

Dự kiến trong đợt 1, BVBank sẽ huy động 1.500 tỷ đồng từ kênh trái phiếu ra công chúng. Đối tượng chào bán trái phiếu ra công chúng là khách hàng cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu.

Tương tự, Hội đồng quản trị ngân hàng ACB cũng vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 trong năm tài chính 2024 với tổng quy mô tối đa 15.000 tỷ đồng.

Theo đó, ACB sẽ phát hành tối đa 150.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Giá phát hành bằng mệnh giá, kỳ hạn tối đa 5 năm. Mục đích phát hành trái phiếu được ACB thông tin nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư và bảo đảm tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 5 năm và có lãi suất cố định hoặc thả nổi tùy thuộc theo nhu cầu của thị trường. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư tổ chức đáp ứng quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Vào giữa tháng 7/2024, ngân hàng HDBank đã thông báo chào bán trái phiếu đợt 2 ra công chúng với tổng giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm, là nợ thứ cấp và thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 của HDBank

Trái phiếu do HDBank phát hành có lãi suất thả nổi, áp dụng cho toàn bộ kỳ hạn của trái phiếu. Lãi suất được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm biên độ 2,8%/năm. Lãi được thanh toán sau hàng năm, định kỳ vào ngày tròn 1 năm kể từ ngày phát hành.

Cùng thời điểm với HDBank, Agribank cũng chào bán trái phiếu ra công chúng để huy động hàng ngàn tỷ đồng. Cụ thể, Agribank chào bán 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm nay cho nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân và người nước ngoài tại tất cả điểm giao dịch trên toàn quốc.

Lãi suất trái phiếu Agribank được xác định bằng lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND kỳ hạn 12 tháng, trả lãi cuối kỳ của 4 ngân hàng thương mại quốc doanh tại ngày xác định lãi suất, cộng biên độ 2%/năm. Kỳ hạn của trái phiếu là 10 năm, trong 5 năm cuối trước khi đến hạn, nếu Agribank không mua lại theo quyền, biên độ của trái phiếu lên tới 3%/năm.

Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng thương mại quốc doanh từ 4,6% - 4,7%/năm. Như vậy, lãi suất trái phiếu công chúng của Agribank gần 7%/năm.

 Nguồn: FinnRatings

Nguồn: FinnRatings

Từ đầu tháng 4 đến nay, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng trở lại, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Do đó, các nhà băng tăng cường phát hành trái phiếu không ngoại trừ mục đích để củng cố các tỷ lệ về an toàn vốn, vốn trung dài hạn và đáp ứng nhu cầu vốn chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 14-15% cả năm của Ngân hàng Nhà nước.

Theo FinnRatings nhận định, trái phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ có một năm bận rộn hơn các năm trước kia. Nhóm chuyên gia cũng dự báo ngân hàng sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn nửa cuối 2024. Để đáp ứng tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng hiện đang có kế hoạch tăng vốn cổ phần hoặc vốn nợ, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp.

“Ngoài ra, do các ngân hàng vẫn là nhà đầu tư chính của trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh pháp lý và chính sách hiện nay, nên việc đa dạng hóa hình thức cấp vốn cho các doanh nghiệp bởi ngân hàng cũng sẽ làm tiền đề cho sự tiếp tục hồi phục của trái phiếu”, FinnRatings cho biết.

TÍCH CỰC MUA LẠI TRƯỚC HẠN

Ở chiều ngược lại, thị trường cũng chứng kiến xu hướng mua lại trước hạn trái phiếu của nhóm ngân hàng, nhằm tái cấu trúc kỳ hạn cho nguồn vốn huy động dài hạn này. Theo đó, những trái phiếu được nhóm ngân hàng mua lại trước hạn phần lớn là những trái phiếu có thời gian đáo hạn còn lại dưới 1 năm.

Mới đây nhất, ngân hàng MSB đã mua lại trước hạn 1.000 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 3 năm. Lô trái phiếu này được phát hành vào ngày 31/7/2023 với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu.

Tương tự, vào ngày 29/7 vừa qua, ngân hàng Techcombank đã mua lại toàn bộ 4.000 tỷ đồng trái phiếu mã TCBL2326004. Đến ngày 31/7/2024, ngân hàng này tiếp tục tất toán trước hạn 2.000 tỷ đồng lô trái phiếu TCBL2326005. Được biết, cả 2 lô trái phiếu nói trên đều được phát hành vào tháng 7/2023, kỳ hạn 36 tháng.

Ngày 26/7/2024, ngân hàng VPBank đã tiến hành mua lại 1.000 trái phiếu mã VPBL2125017, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Tổng giá trị mua lại là 1.000 tỷ đồng.

Đến ngày 29/7/2024, ngân hàng này tiếp tục mua lại trước hạn 1.000 tỷ đồng lô trái phiếu mã VPBL2125018, đưa khối lượng còn lại sau khi mua lại theo mệnh giá về còn 0 đồng. Cũng trong ngày 29/7/2024, Ngân hàng VPBank tất toán trước hạn lô trái phiếu VPBL2125019 với giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng.

Được biết, cả 3 lô trái phiếu nói trên đều được phát hành vào tháng 7/2024, kỳ hạn 4 năm. Lãi suất phát hành là 4%/năm.

Vừa qua, ABBank cũng công bố dự kiến mua lại 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm đã được phát hành vào ngày 25/8/2023. Trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành. Thời gian dự kiến mua lại là ngày 25/8/2024.

Trong thời gian tới, các ngân hàng như VietinBank hay BIDV cũng có kế hoạch mua lại trước hạn lượng lớn trái phiếu đã phát hành.

Theo phỏng đoán của nhiều chuyên gia, việc các mua lại trước hạn các trái phiếu để đảm bảo đủ điều kiện cho kế hoạch phát hành mới là cách mà các ngân hàng tái cơ cấu lại kỳ hạn của trái phiếu theo hướng dài hơn, nhằm duy trì hệ số an toàn vốn luôn ở mức cao, cũng như đảm bảo cho các hệ số khác như tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Nguyễn Lan

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/ngan-hang-hoat-dong-tich-cuc-tren-cho-trai-phieu-phat-hanh-lam-cung-mua-lai-nhieu-post553992.html
Zalo