Ngân hàng đồng loạt công bố phương án dự phòng can thiệp sớm

Điểm đáng chú ý trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông của nhiều ngân hàng năm nay chính là sự xuất hiện của tờ trình về phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp bị áp dụng biện pháp can thiệp sớm theo quy định của pháp luật...

Trong mùa Đại hội đồng cổ đông năm nay, hàng loạt ngân hàng thương mại đã đính kèm tờ trình phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp bị can thiệp sớm. Đây là tài liệu mô tả phương án ngân hàng sẽ thực hiện nếu bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện “can thiệp sớm” như tái cấu trúc hoạt động, tăng vốn, xử lý nợ xấu, bán tài sản, sáp nhập…

Theo ghi nhận từ các tài liệu được công bố, phần lớn các ngân hàng đều xây dựng phương án khắc phục xoay quanh các nội dung chính như: Tăng vốn điều lệ, vốn được cấp và thời gian thực hiện; lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của cổ đông, thành viên góp vốn; Cải thiện khả năng thanh khoản; tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao; bán, chuyển nhượng tài sản và giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh; Nâng cao năng lực quản trị, điều hành; Xử lý tồn tại, yếu kém về tài chính, nợ xấu, tài sản bảo đảm và các biện pháp khắc phục vi phạm pháp luật; Biện pháp truyền thông, công nghệ thông tin để khắc phục khó khăn về thanh khoản.

Việc các ngân hàng đồng loạt xây dựng và đưa ra tờ trình xin cổ đông thông qua phương án xử lý trong trường hợp bị can thiệp sớm không phải ngẫu nhiên. Điểm mấu chốt nằm ở hành lang pháp lý mới.

Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành loạt văn bản hướng dẫn, trong đó yêu cầu rõ các ngân hàng xây dựng phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm.

Theo quy định tại Điều 143 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng “phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm”.

Đây là tài liệu quan trọng nhằm ứng phó với các rủi ro có thể xảy ra, trước khi tổ chức tín dụng rơi vào tình trạng nghiêm trọng buộc phải xử lý đặc biệt. Phương án này phải đánh giá tổng thể hoạt động, tài chính và đưa ra các biện pháp như tăng vốn, cải thiện thanh khoản, xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực quản trị và truyền thông.

Đặc biệt, kế hoạch cần được Đại hội đồng cổ đông hoặc cơ quan chủ sở hữu thông qua và gửi cho Ngân hàng Nhà nước trong vòng 10 ngày. Định kỳ ít nhất 2 năm, các ngân hàng phải cập nhật lại phương án. Trường hợp không xây dựng hoặc không cập nhật đúng thời hạn, ngân hàng có thể bị áp dụng các biện pháp hạn chế theo quy định.

Quy định cũng nêu rõ, nếu ngân hàng rơi vào tình trạng tỷ lệ an toàn vốn giảm dưới mức tối thiểu, nợ xấu vượt ngưỡng, hoặc có dấu hiệu mất khả năng thanh toán, Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp sớm nhằm ngăn ngừa rủi ro hệ thống. Cơ chế này giúp ngăn chặn từ sớm khả năng đổ vỡ, tránh tác động dây chuyền tới hệ thống tài chính, bảo vệ người gửi tiền.

Hồi cố lại lịch sử, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, với một tổ chức tín dụng trong quá trình hoạt động do những yếu tố khách quan và chủ quan sẽ có những thời điểm, giai đoạn có thể gặp khó khăn.

“Trong quá trình thanh tra, giám sát cơ quan quản lý sẽ cảnh báo rủi ro và để các tổ chức tín dụng chấn chỉnh kịp thời. Còn nếu như các tổ chức tín dụng có những diễn biến xấu hơn và có nguy cơ mất khả năng chi trả cho người dân thì mức độ quản lý của cơ quan quản lý sẽ cần mạnh hơn và thông qua quá trình can thiệp sớm”, Thống đốc cho biết.

Thống đốc nhấn mạnh, trong quá trình can thiệp sớm, trước hết phải là trách nhiệm của các cổ đông và chủ sở hữu của ngân hàng trong việc xây dựng phương án để khắc phục khó khăn và cơ quan quản lý sẽ đưa ra những hạn chế trong hoạt động, đặc biệt trong giai đoạn này cần các giải pháp hỗ trợ.

Trong Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành đã có quy định can thiệp sớm, nhưng quy định thời hạn có 1 năm, là rất ngắn và không quy định các biện pháp hỗ trợ, cho nên trong thực tiễn rất khó triển khai. Dự thảo Luật lần này có quy định các biện pháp hỗ trợ, trong đó có cả hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước với vai trò là người cho vay cuối cùng để đáp ứng nhu cầu chi trả cho người dân, cũng như huy động được nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng khác, từ Bảo hiểm Tiền gửi và từ Ngân hàng Hợp tác xã.

“Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thiết kế theo hướng huy động nguồn lực để hỗ trợ, qua đó để tăng trách nhiệm của các tổ chức tín dụng đối với an toàn hệ thống nói chung và cũng để giảm chi phí tài chính cho cơ quan quản lý trong việc xử lý những vấn đề sự cố của các tổ chức tín dụng”, Thống đốc nói.

Cũng dẫn lại trường hợp các vụ việc của Silicon Valley Bank và First Republic Bank của Mỹ, Thống đốc cho biết, một ngân hàng bình thường vẫn có thể có những lý do nào đó dẫn đến nguy cơ bị rút tiền hàng loạt và đây cũng là một trong những nội dung được đưa vào quá trình can thiệp sớm của dự thảo Luật.

“Còn thực sự chờ đến lúc tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt là giai đoạn rất khó khăn mới thực hiện các giải pháp hỗ trợ thì khó có thể đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng”, Thống đốc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thị trường tài chính – ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn 2023–2025 đã và đang đối mặt với nhiều thách thức: tăng trưởng kinh tế không đều, thị trường bất động sản trì trệ, doanh nghiệp sản xuất – xuất khẩu gặp khó, và nợ xấu có xu hướng gia tăng tiềm ẩn…

Trong bối cảnh này, việc công bố phương án can thiệp sớm không có nghĩa là ngân hàng đang “gặp vấn đề”. Thay vào đó, đây là một động thái mang tính chuẩn bị, thể hiện trách nhiệm và minh bạch của ban lãnh đạo ngân hàng trước cổ đông.

Trước đây, khi một ngân hàng có dấu hiệu gặp rủi ro, phần lớn hành động mang tính “phản ứng” – xử lý khi sự việc đã xảy ra. Tuy nhiên, xu thế hiện đại đặt ra yêu cầu quản trị tiên lượng rủi ro, lập kế hoạch đối phó và có kịch bản hành động nhanh chóng.

Việc đưa phương án xử lý vào tài liệu Đại hội đồng cổ đông và xin thông qua từ sớm, thực chất là đặt niềm tin sớm từ cổ đông đối với ban điều hành, để họ được quyền xử lý trong tình huống cấp bách mà không bị ràng buộc bởi quy trình họp bất thường hoặc mất thời gian pháp lý.

Dù không ai mong muốn kịch bản “can thiệp sớm” trở thành hiện thực, nhưng việc chuẩn bị trước các phương án khắc phục là một bước đi cần thiết, thể hiện sự chuyển mình trong quản trị ngân hàng tại Việt Nam: từ quản lý hậu kiểm sang chủ động ứng phó.

Điều 143 Luật Các tổ chức tín dụng 32/2024/QH15: Xây dựng phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm

1. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm.

2. Phương án khắc phục quy định tại khoản 1 Điều này phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thông tin, đánh giá về cơ cấu tổ chức, hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Thực trạng tài chính và hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

c) Các biện pháp triển khai nhằm khắc phục từng trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 156 của Luật này;

d) Lộ trình, thời hạn thực hiện từng biện pháp khắc phục.

3. Các biện pháp quy định tại điểm c khoản 2 Điều này phải bao gồm các biện pháp chủ yếu sau đây:

a) Tăng vốn điều lệ, vốn được cấp và thời gian thực hiện; lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của cổ đông, thành viên góp vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 159 của Luật này;

b) Cải thiện khả năng thanh khoản; tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao; bán, chuyển nhượng tài sản và giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng;

c) Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh;

d) Nâng cao năng lực quản trị, điều hành;

đ) Xử lý tồn tại, yếu kém về tài chính, nợ xấu, tài sản bảo đảm và các biện pháp khắc phục vi phạm pháp luật;

e) Biện pháp truyền thông, công nghệ thông tin để khắc phục khó khăn về thanh khoản.

4. Phương án khắc phục quy định tại khoản 1 Điều này phải được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, chủ sở hữu hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu của ngân hàng thương mại, ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua và gửi Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được thông qua.

5. Định kỳ ít nhất 2 năm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cập nhật, điều chỉnh phương án khắc phục quy định tại khoản 1 Điều này. Phương án sau cập nhật, điều chỉnh phải được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, chủ sở hữu hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu của ngân hàng thương mại, ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua và gửi Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được thông qua.

6. Trường hợp ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không có phương án khắc phục quy định tại khoản 4 Điều này hoặc không thực hiện việc cập nhật, điều chỉnh phương án khắc phục quy định tại khoản 5 Điều này, Ngân hàng Nhà nước áp dụng một hoặc một số biện pháp hạn chế quy định tại khoản 2 Điều 157 của Luật này.

7. Phương án khắc phục quy định tại Điều này phải được xây dựng, thông qua trước ngày 1/7/2025 hoặc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại, Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Nguyễn Lan

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/ngan-hang-dong-loat-cong-bo-phuong-an-du-phong-can-thiep-som-post559510.html
Zalo