Ngân hàng Anh chuẩn bị cắt giảm lãi suất trong bối cảnh rủi ro kinh tế gia tăng
Ngày 5/2, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất chủ chốt thêm 0,25 điểm phần trăm vào ngày 6/2 và đưa mức lãi suất xuống còn 4,5%, trong bối cảnh triển vọng kinh tế vẫn còn nhiều thách thức.
Theo các nhà phân tích, nền kinh tế Anh đang đối mặt với những khó khăn đáng kể khi tăng trưởng chững lại và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với dự báo trước đó của BoE. Lạm phát, dù đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm qua nhưng sau đó tăng trở lại 2,5% vào cuối năm 2024. Đồng bảng Anh suy yếu và tăng trưởng tiền lương ở mức cao tiếp tục tạo ra áp lực đối với giá cả và chính sách tiền tệ.
Ông Jack Meaning - nhà kinh tế trưởng của Barclays tại Anh, nhận định rằng đây là giai đoạn thách thức đối với Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC), khi cơ quan này phải cân bằng giữa mục tiêu kiểm soát lạm phát trong dài hạn và rủi ro từ kỳ vọng lạm phát có thể tăng cao trong tương lai gần.
Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2024, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh đình trệ trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11, phản ánh tâm lý thận trọng của khu vực hộ gia đình và doanh nghiệp trước bản dự thảo ngân sách đầu tiên của chính phủ. Chính sách tăng thuế được đưa ra nhưng chưa đi kèm các biện pháp cụ thể nhằm kiểm soát thâm hụt ngân sách, đã làm suy yếu niềm tin kinh tế và tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư và tiêu dùng.
Các chuyên gia từ Barclays dự báo BoE sẽ điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 xuống 1%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với ước tính trước đó.
Trong bối cảnh này, MPC có thể sẽ cân nhắc thêm các đợt cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Ông Alan Taylor - thành viên mới của MPC - từng phát biểu rằng BoE có thể phải giảm lãi suất tới sáu lần trong năm nay. Các nhà phân tích của Berenberg dự đoán ngân hàng này có thể thực hiện các đợt cắt giảm liên tiếp trong các cuộc họp vào tháng 2 và tháng 3, thay vì điều chỉnh theo chu kỳ cập nhật dự báo hàng quý như trước đây.
Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất vẫn phải đối mặt với một số rủi ro. Tốc độ tăng trưởng tiền lương - một yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ - đang có dấu hiệu tăng trở lại. Thu nhập trung bình hàng tuần của khu vực tư nhân - không bao gồm tiền thưởng - đã tăng với tốc độ hàng năm 6% trong ba tháng tính đến tháng 11. Một số khảo sát kinh doanh gần đây cũng cho thấy xu hướng giảm giá đang chững lại và làm dấy lên câu hỏi về khả năng lạm phát có thể kéo dài hơn dự kiến.
Các nhà phân tích của Berenberg nhận định rằng trong năm nay, câu hỏi quan trọng sẽ là liệu mức tăng giá hiện tại chỉ mang tính tạm thời hay có nguy cơ tác động đến xu hướng lạm phát trong dài hạn.
Bên cạnh những thách thức trong nước, thương mại của Anh với Mỹ cũng là một yếu tố được quan tâm. So với các đối tác châu Âu, Anh có thể ít chịu ảnh hưởng hơn từ chính sách thuế quan của Mỹ nhờ tỷ trọng cao của dịch vụ trong xuất khẩu, một lĩnh vực ít nhạy cảm hơn so với hàng hóa công nghiệp.
Theo số liệu thống kê, Mỹ hiện có thặng dư thương mại với Anh, trái ngược với mức thâm hụt lớn trong thương mại với Liên minh châu Âu (EU). Phát biểu vào cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định rằng quan hệ thương mại giữa Mỹ và Anh vẫn có thể được duy trì ổn định. Trong khi đó, ông bày tỏ quan điểm cứng rắn hơn đối với EU, đồng thời nhấn mạnh những khác biệt trong chính sách thương mại giữa hai bên.
Trước những diễn biến kinh tế phức tạp, BoE được kỳ vọng sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách thận trọng nhằm duy trì sự ổn định tài chính và hỗ trợ tăng trưởng.