Ngăn chặn sự xâm nhập bất hợp pháp của sàn thương mại điện tử giá rẻ

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú khẳng định, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới bán hàng giá rẻ đang gây ra nhiều hệ lụy, tác động xấu đến người tiêu dùng, phá hoại hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, gây thất thu thuế, vì vậy cần nhanh chóng có biện pháp ứng phó.

Người tiêu dùng cần thận trọng khi tiến hành giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử. Ảnh tư liệu

Người tiêu dùng cần thận trọng khi tiến hành giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử. Ảnh tư liệu

PV: Dưới góc độ chuyên gia thương mại, ông có bình luận gì về hiện tượng Temu và làn sóng sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đang đổ bộ vào Việt Nam?

Ông Vũ Vinh Phú: Hiện tượng sàn thương mại điện tử Temu và một số sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam trong thời gian qua, thu hút được sự quan tâm của dư luận, chuyên gia kinh tế, người tiêu dùng.

Bước đầu có thể cảm nhận được những tác hại, hệ lụy xấu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đã có phản ứng ngăn chặn từ giữa năm 2024.

Điều đáng nói là sự xâm nhập thị trường Việt Nam bất hợp pháp. Sau khi Temu công bố khai trương hoạt động tại Việt Nam vào đầu tháng 10/2024, đến giữa tháng 10/2024, Bộ Công thương đã xác nhận việc Temu chưa được cấp phép hoạt động tại thị trường Việt Nam và đưa ra một số biện pháp ứng phó. Trước phản ứng của dư luận và Bộ Công thương, đến ngày 24/10, Temu mới gửi đơn đăng ký cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Rà soát, chấn chỉnh hoạt động các sàn thương mại điện tử

Theo các chuyên gia kinh tế, trong lúc các sàn thương mại điện tử đã được cấp phép như Shopee, Lazada hay Tiki chịu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, chấp hành các quy định về thuế, bảo vệ người tiêu dùng… thì Temu, Shein và 1688 đang hoạt động không phép, đồng nghĩa với việc không chịu sự kiểm soát, tạo ra một cuộc chơi không công bằng. Vì vậy, những sàn thương mại điện tử như Temu xuất hiện đặt ra trách nhiệm cho cơ quan quản lý cần phải sớm rà soát và chấn chỉnh lại hoạt động quản lý đối với các sàn này tại Việt Nam.

Như vậy ở đây, phần nào thấy được sự quản lý chưa chặt chẽ của cơ quan chức năng, bởi hàng hóa liên quan đến việc kiểm soát hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, quyền lợi người tiêu dùng, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của hàng Việt.

PV: Ông có đề cập đến tác hại, hệ lụy xấu mà làn sóng sàn thương mại điện tử xuyên biên giới giá rẻ gây ra, vậy cụ thể là gì, thưa ông?

Ông Vũ Vinh Phú: Chúng ta phải định rõ nguyên nhân và giải pháp ứng phó với làn sóng sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia bán hàng giá "siêu rẻ", điển hình như Temu đang xâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Thứ nhất, trong vấn đề hàng hóa giá rẻ thâm nhập bất hợp pháp sẽ phá hoại thị trường, làm thất thu ngân sách, gây bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Thứ hai, sự xâm nhập thị trường bất hợp pháp của các sàn thương mại điện tử này sẽ gây ra hệ lụy, phá hoại sản xuất. Hoạt động sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nội địa và xuất khẩu bị teo lại.

Thứ ba, tác hại về mặt môi trường từ rác thải bao bì gói hàng được xả bừa bãi do hoạt động thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử giá rẻ xâm nhập vào Việt Nam. Đây là vấn đề cần quan tâm, khi lợi nhuận thì sàn thương mại điện tử thu về hậu quả môi trường chúng ta phải giải quyết.

Thứ tư, năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam, đặc biệt là hàng tiêu dùng bị suy giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

PV: Đối mặt với sự xâm lấn vừa âm thầm vừa trắng trợn của các sàn thương mại điện tử giá rẻ hiện nay, chúng ta cần có giải pháp gì để quản lý chặt chẽ hơn, thưa ông?

Ông Vũ Vinh Phú: Theo tôi muốn chữa bệnh trước hết cần tìm đúng bệnh, gốc bệnh ở đâu, trách nhiệm chính của ai.

Có thể xác định các mặt hàng chào bán trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới chủ yếu là hàng tiêu dùng công nghiệp (không có hàng tươi sống), vì vậy cần tập trung khoanh vùng kiểm soát về chất lượng.

Tiếp đến xác định vai trò của các cơ quan chuyên trách như: Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số của Bộ Công thương; cơ quan hải quan, thuế... cần tích cực vào cuộc, triển khai nhanh các biện pháp quản lý và tổ chức thực hiện hiệu quả.

Tôi đánh giá cao với đề xuất áp thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng qua sàn thương mại điện tử của Bộ Tài chính. Việc này cần được triển khai sớm.

Ở góc độ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có giải pháp ứng phó trước làn sóng hàng hóa giá rẻ từ các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia khi được cấp phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Chúng ta chấp nhập cạnh tranh trong môi trường kinh tế toàn cầu nhưng đó phải là cạnh tranh bình đẳng ngay trên sân nhà.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với nội lực còn yếu thì không có cách nào khác là phải vươn lên đầu tư khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, mẫu mã, tiết kiệm chi phí giảm giá thành sản phẩm. Tiêu biểu như nhiều mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam đạt chất lượng Thương hiệu quốc gia và sản phẩm OCOP đã và đang khẳng định được vị trí trên thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần quan tâm đến chiến lược liên doanh, liên kết xây dựng, phát triển được thương hiệu, sản phẩm chất lượng, có uy tín.

Vấn đề mấu chốt hiện nay là cần đẩy nhanh việc đưa ra các văn bản, quy định để quản lý hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử nói chung và sàn thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng. Đơn cử như nhanh chóng kiểm soát, thu thuế với lô hàng trị giá dưới 1 triệu đồng… Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng như thuế, hải quan, quản lý thị trường. Đưa công nghệ vào quản lý trong bối cảnh thương mại điện tử, số hóa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Trong đó, Bộ Công thương cần xây dựng hạ tầng cơ sở, quy định nhất quán trong hoạt động thương mại điện tử…Doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam. Các cơ quan nhà nước, địa phương tiếp tục đẩy mạnh, lan tỏa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nhiều rủi ro khi giao dịch trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương hiện tại, nhiều người tiêu dùng Việt Nam bị thu hút bởi các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới bởi giá rẻ và sự đa dạng về mẫu mã. Tuy nhiên, mua sắm thông qua nền tảng chưa đăng ký và chưa được cơ quan nhà nước quản lý có thể gặp nhiều rủi ro.

Các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa hoàn thiện nghĩa vụ đăng ký, cấp phép tại Việt Nam theo quy định sẽ không chịu sự giám sát từ cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi.

Trong trường hợp giao dịch phát sinh vấn đề không mong muốn, người tiêu dùng có nguy cơ đối mặt một số khó khăn. Chẳng hạn, khi nhận được sản phẩm không đúng như mô tả, phát sinh lỗi, hỏng; có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe... người tiêu dùng yêu cầu hoàn trả hoặc bảo hành sản phẩm sẽ trở nên khó khăn. Thậm chí, khi xảy ra tranh chấp, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký sẽ không thuộc diện phải chịu trách nhiệm pháp lý trong nước.

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số, những mặt hàng này có thể không đạt tiêu chuẩn an toàn, gây hại cho người tiêu dùng hoặc là những hàng hóa bị cấm tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là với các sản phẩm liên quan sức khỏe (như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm). Ngoài ra, khi mua hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới, người tiêu dùng có nguy cơ bị đánh cắp hoặc bị khai thác trái phép thông tin bảo mật, thông tin cá nhân. Người tiêu dùng cần thận trọng khi tiến hành giao dịch trên nền tảng TMĐT; tuyệt đối không thực hiện giao dịch trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa thực hiện đăng ký với cơ quan chức năng, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngan-chan-su-xam-nhap-bat-hop-phap-cua-san-thuong-mai-dien-tu-gia-re-163600-163600.html
Zalo