Đồng Tháp: Xúc tiến thương mại vùng biên giới với Campuchia
Hội chợ là sự kiện quan trọng, nằm trong chuỗi các hoạt động đối ngoại được tỉnh Đồng Tháp triển khai trong năm 2024.
Tối 13/11, tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp (phường An Thạnh, thành phố Hồng Ngự), Trung tâm Xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư Đồng Tháp phối hợp UBND thành phố Hồng Ngự, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Ngoại vụ và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ Khai mạc Hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại vùng biên giới - Đồng Tháp năm 2024.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp Võ Phương Thủy cho biết: Hội chợ là sự kiện quan trọng, nằm trong chuỗi các hoạt động đối ngoại được tỉnh Đồng Tháp triển khai trong năm 2024.
Tỉnh Đồng Tháp (Việt Nam) và tỉnh Prey Veng (Vương quốc Camphuchia) là 2 địa phương có chung đường biên giới. Mối quan hệ hợp tác giữa 2 tỉnh luôn được vun đắp, củng cố, phát triển mạnh mẽ theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Hai bên thống nhất tổ chức các hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp, luân phiên tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại hàng năm.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, Hội chợ Triển lãm xúc tiến thương mại vùng biên giới - Đồng Tháp năm 2024 diễn ra từ ngày 13 - 17/11/2024 với sự tham gia của Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia và một số doanh nghiệp đến từ Campuchia; các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và thương mại trên địa bàn Đồng Tháp và các tỉnh, thành phố trong nước; các Hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại…
Hội chợ có trên 150 gian hàng, được chia thành từng khu vực: Khu vực triển lãm của các sở, ngành, huyện, thành phố trong tỉnh; khu doanh nghiệp trong tỉnh Đồng Tháp; khu gian hàng cho các đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất có sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; khu trưng bày triển lãm sản phẩm của các doanh nghiệp Campuchia; khu vực trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc trưng của Trung tâm Xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư các tỉnh, thành phố; khu vực gian hàng thương mại; khu đồ gỗ, mỹ nghệ; khu vực ẩm thực; khu vực dành cho chương trình biểu diễn nghệ thuật hàng đêm.
Hàng hóa tham gia hội chợ phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tránh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng. Hàng hóa tham gia Hội chợ bao gồm: Sản phẩm nông nghiệp; sản phẩm công nghiệp; sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, làng nghề, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Cùng với đó là hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, thiết bị xây dựng, trang trí nội ngoại thất; thiết bị điện, điện tử và công nghệ thông tin, thiết bị và linh kiện điện tử, sản phẩm viễn thông và công nghệ thông tin. Hàng dệt, quần áo may sẵn, phụ kiện thời trang, sản phẩm giày da, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân, đá quý, đồ trang sức; dịch vụ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm…
Sau lễ khai mạc, trong suốt thời gian diễn ra hội chợ sẽ có những hoạt động: Chương trình giao lưu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu, công nghệ mới, xúc tiến thương mại, bán buôn, bán lẻ, ký kết hợp đồng hợp tác, chuyển giao công nghệ, phân phối hàng hóa… của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Việc tổ chức Hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại vùng biên giới - Đồng Tháp năm 2024 nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực công nghiệp, thương mại nói riêng giữa tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Prey Veng; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp tiếp cận thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng hợp tác kinh doanh và đầu tư với đối tác tại Campuchia.
Bên cạnh đó, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, thành tựu về kinh tế, văn hóa - xã hội, các chính sách ưu đãi của tỉnh Đồng Tháp nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thông qua những hoạt động trong khuôn khổ hội chợ, góp phần quảng bá hình ảnh, con người Đồng Tháp đến với các tỉnh, thành phố trong nước và nước bạn Campuchia./.