'Ngắm hoa mùa xuân - hái quả mùa hè'

Ở mảnh đất biên cương Si Ma Cai, nơi in dấu bước chân ngựa Thần, người dân đang không ngừng vươn lên, thay đổi cuộc sống từ chính đôi tay cần mẫn, biến núi đồi hoang sơ thành những vườn cây ăn quả ôn đới trĩu quả.

Hơn 15 năm về trước, mảnh đất Si Ma Cai gắn liền với hình ảnh nương ngô, nương lúa; cây lê trồng lác đác trong vườn của một số hộ dân, còn cây mận Tả Van ở nhiều nơi chỉ là cây mọc hoang. Những cây ăn quả này không được chăm sóc, chỉ là món quà tự nhiên dành cho lũ trẻ vui chơi. Anh Tráng Seo Mua ở thôn Lao Chải, xã Quan Hồ Thẩn vẫn nhớ khi còn là cậu bé, đến mùa quả chín, ngày ngày cùng bạn bè trèo cây hái quả ăn đến chán, rồi rung cây cho rụng quả.

Mọi thứ dần thay đổi vào năm 2011, khi chính quyền đưa cây lê VH6 về trồng thử nghiệm tại Lao Chải. Ban đầu, người dân thờ ơ, bởi họ đã quen với cây ngô, cây lúa, thậm chí quen cả với cái nghèo đeo bám qua bao thế hệ. Thế nhưng, niềm tin bắt đầu được thắp sáng khi cây lê bén rễ trên đất cằn, lớn nhanh, khỏe mạnh và thích nghi tốt với môi trường tự nhiên. Năm 2015, anh Mua được bầu làm Trưởng thôn Lao Chải. Khao khát giúp dân thoát nghèo thôi thúc người “đầu tàu” trẻ tuổi, điều đầu tiên anh nghĩ tới đó chính là trồng cây lê để mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho quê hương.

Muốn thay đổi cuộc sống người dân phải bắt đầu từ thay đổi cách nghĩ và cách làm. Anh Mua tiên phong chuyển đổi đất nương trồng ngô sang trồng 300 cây lê. Ngoài ra, anh vận động các đảng viên và một số thanh niên trẻ đi đầu trong chuyển đổi đất nương kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Để bà con tin tưởng, anh dành nhiều thời gian bên vườn lê của mình, chăm chút từng gốc cây cẩn thận. Mỗi buổi họp thôn, câu chuyện về cây lê luôn là chủ đề được anh gợi mở để bà con bàn bạc, trao đổi. Đến năm 2020, toàn thôn Lao Chải đã trồng được hơn 30 ha và trở thành thôn dẫn đầu toàn huyện về diện tích trồng cây lê VH6.

Sau 3 năm dầm sương, dãi nắng, cây lê bắt đầu đơm hoa, kết trái chín. Anh Mua thưởng thức quả lê đầu tiên trong vườn nhà, vị ngọt lịm ấy khiến anh không thể quên: “Đó không chỉ là vị ngọt của quả, mà còn là dư vị của niềm tin và hy vọng. Tôi tin một ngày nào đó cây lê sẽ mang đến nhiều niềm vui hơn cho người dân bản nghèo này”, anh Mua chia sẻ.

Câu chuyện của anh Mua cũng là hành trình của nhiều bí thư chi bộ, trưởng thôn khác trên địa bàn huyện Si Ma Cai, những người “đứng mũi chịu sào” ở cơ sở đã tiên phong thực hiện, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Si Ma Cai lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 về phát triển vùng trồng cây ăn quả ôn đới. Người dân tin tưởng, khắp nơi trong huyện lan tỏa phong trào trồng cây ăn quả. Nhiều sườn đồi, nương ngô kém hiệu quả đã biến thành những đồi cây ăn quả, đến năm 2020, toàn huyện đã trồng được hơn 800 ha cây lê VH6 và mận Tả Van. Tiếp đà phát triển, giai đoạn 2020 - 2024, huyện phát triển thêm hơn 700 ha, nâng tổng số diện tích cây ăn quả lên hơn 1.700 ha, biến Si Ma Cai trở thành “thủ phủ” cây ăn quả ôn đới khi chiếm gần 1/3 diện tích toàn tỉnh.

Năm 2024, toàn huyện thu hoạch hơn 1.870 tấn quả mận Tả Van và hơn 2.750 tấn quả lê với doanh thu ước đạt hơn 78 tỷ đồng, mang đến rất nhiều niềm vui cho người dân.

Khi những cây lê, cây mận đồng loạt bung nở mỗi độ xuân về, trải dài khắp các triền núi giúp nhiều vùng đất ở Si Ma Cai được khoác lên mình tấm áo tinh khôi giữa thiên nhiên hùng vĩ. Chính vẻ đẹp ấy đã gợi mở ra cho người dân cơ hội làm kinh tế mới, đó là phát triển du lịch trải nghiệm từ những mùa hoa. Đặc biệt, với những thanh niên trẻ dám nghĩ, dám làm như anh Tráng Seo Xà, Bí thư Đoàn xã Quan Hồ Thẩn đã nhanh chóng nắm bắt, tận dụng tiềm năng này để làm giàu...

Tráng Seo Xà là một trong những thanh niên đầu tiên tại thôn Lao Chải được anh Mua vận động, nên gia đình anh trồng được hơn 3 ha cây ăn quả ôn đới. “Khi tôi đứng giữa vườn hoa lê trắng muốt mà cảm thấy tiếc nuối. Cảnh đẹp thế này, tại sao lại để nó trôi qua?”, anh Xà tâm sự. Từ ý nghĩ ấy, năm 2021, anh mạnh dạn cải tạo vườn cây ăn quả bằng cách làm sạch cỏ, mở nhiều đường mới dẫn vào vườn và trồng hoa tạo cảnh quan. Anh tích cực quảng bá khu vườn nhỏ xinh của gia đình trên các nền tảng xã hội, được nhiều người chú ý. Thật bất ngờ, mùa hoa lê đầu tiên giúp gia đình anh thu hơn 25 triệu đồng. Từ thành công này, anh Xà mạnh dạn tham mưu với chính quyền xã tổ chức Lễ hội “Hoa lê trắng” mùa xuân và lễ hội hái quả mùa hè, thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi năm.

Phong trào cải tạo vườn cây ăn quả phát triển mô hình du lịch ngày càng nở rộ, đặc biệt từ năm 2023, Lễ hội “Hoa lê trắng” vào mùa xuân và Lễ hội “Hương sắc vùng cao” trải nghiệm hái quả vào mùa hè được tổ chức quy mô cấp huyện đã thu hút đông đảo du khách thập phương. Các hộ trồng cây ăn quả đã liên kết với nhau, cùng trồng hoa, cây cảnh, làm nhà lưu trú, điểm check-in... tạo thành khu trải nghiệm thú vị, hấp dẫn du khách. Dịp lễ hội còn giúp người dân địa phương hưởng lợi trên nhiều khía cạnh. Đây là dịp quảng bá, tiêu thụ các nông sản, níu chân du khách trải nghiệm nét ẩm thực đậm đà bản sắc dân tộc và tham gia những phiên chợ văn hóa vùng cao độc đáo. Khép lại năm 2024, huyện Si Ma Cai đón hơn 70 nghìn lượt du khách đến du lịch, đem lại nguồn thu hơn 12 tỷ đồng.

Gần 10 năm trôi qua, những cây ăn quả ôn đới từng bị xem là “cây chơi” giờ đã trở thành “cây làm giàu”, hình thành vùng sản xuất hàng hóa giúp đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Si Ma Cai ngày càng nâng cao.

Những triền hoa trắng “hái” ra “lộc” mỗi mùa xuân, những chuyến xe chở đầy quả vào mỗi mùa hè và những trái lê, trái mận “online” được hình thành trên các trang facebook, zalo đã rời bản làng, vượt chốn “thâm sơn cùng cốc” để đến với người tiêu dùng khắp mọi miền Tổ quốc. Cứ như thế, cụm từ “Ngắm hoa mùa xuân - hái quả mùa hè” dần hình thành trong tư duy sản xuất của người dân Si Ma Cai, không chỉ là cách làm kinh tế, mà còn là câu chuyện vượt lên chính mình để biến giấc mơ thành hiện thực, vươn lên thoát nghèo và xây dựng cuộc sống ấm no.

Hữu Huỳnh

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/ngam-hoa-mua-xuan-hai-qua-mua-he-post395918.html
Zalo