Ngắm di sản tư liệu đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở cấp độ toàn cầu
Ẩn mình giữa cao nguyên Đà Lạt, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đang gìn giữ kho báu đặc biệt gần 34.000 tấm mộc bản triều Nguyễn, di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 2009.

Tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (phường Cam Ly - Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đang lưu trữ 33.971 tấm mộc bản triều Nguyễn, được khắc bằng chữ Hán Nôm ngược trên ván gỗ để in sách.

Theo đó, nội dung của các mộc bản là những chính văn, chính sử xuyên suốt từ thời Hùng Vương cho đến triều Nguyễn - vương triều phong kiến cuối cùng của Việt Nam.

Năm 1975, bộ mộc bản Triều Nguyễn được giao về Cục Lưu trữ Nhà nước, bảo quản tại nhà Dòng Chúa cứu thế. Từ năm 1984 đến nay, mộc bản Triều Nguyễn được chuyển về bảo quản tại khu biệt điện Trần Lệ Xuân cũ, nay là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV.



Các ký tự trên mộc bản được chạm khắc công phu, sắc nét. Bên cạnh đó, các họa tiết trang trí như rồng, phượng trên bìa sách thể hiện rõ trình độ thủ công mỹ nghệ và tư duy văn hóa thời bấy giờ.

Chị Lại Thị Ngọc - cán bộ Phòng Bảo quản của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV cho biết: "Bộ mộc bản đầu tiên được triều Nguyễn cho khắc là ‘Hoàng Việt luật lệ’ dưới thời vua Gia Long (năm 1811), còn bộ cuối cùng thuộc thời vua Khải Định. Qua hơn 200 năm tồn tại, mộc bản không tránh khỏi hư hao do thời gian, khí hậu và côn trùng gây hại".

“Hiện có khoảng 3.000 tấm bị cong vênh, mối mọt, mục mủn. Thời gian qua, Trung tâm đã thực hiện các biện pháp gia tăng độ cứng cho gỗ để bảo quản mộc bản”, chị Ngọc cho biết.

Để lưu trữ, mộc bản triều Nguyễn được trưng bày theo hình thức trực tuyến trên website Mocban.vn, giúp công chúng có thể tiếp cận kho tư liệu quý báu này mọi lúc, mọi nơi. Đáng chú ý, Trung tâm còn ứng dụng công nghệ 3D Mapping giúp “biến hóa” bề mặt phẳng thành không gian 3 chiều sống động.

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang) hiện lưu giữ khoảng 3.000 mộc bản chủ yếu là kinh Phật, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có khoảng 10.000 mộc bản văn thơ cổ. Tuy nhiên, xét về quy mô, tính hệ thống và nội dung chính sử, bộ mộc bản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV là đồ sộ và đầy đủ nhất.

"Dù ở đâu, mộc bản triều Nguyễn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa giá trị lịch sử và hiện đại hóa. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của chúng không chỉ là trách nhiệm của ngành lưu trữ, còn là nghĩa vụ của cả xã hội”, ông Hùng khẳng định.