Hành trình Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc: Viết tiếp câu chuyện di sản
Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã chính thức trở thành Di sản Thế giới được Unesco vinh danh, đóng góp những giá trị độc đáo và bền vững cho di sản văn hóa của nhân loại.
Hành trình tiến tới danh hiệu Di sản Thế giới của Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là một hành trình dài, thể hiện những nỗ lực của Việt Nam suốt nhiều năm qua. Vậy trên hành trình mới với vị thế mới, Quần thể Di sản cần được bảo tồn và phát huy như thế nào?
Hằng năm, mỗi mùa thu, hàng vạn người lại tìm về Côn Sơn, Kiếp Bạc (nay thuộc phường Chí Linh, TP Hải Phòng), hòa mình vào không khí lễ hội, tham gia lễ rước, lễ hội quân hào hùng trên dòng Lục Đầu Giang - gợi nhớ về những chiến công hiển hách của quân dân nhà Trần thuở trước. Anh Lê Quang Vinh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi đến đây để tưởng nhớ Đức Thánh Trần Trần Quốc Tuấn, tri ân công đức của ông cha ta đã gây dựng đất nước”.
Xuân về, không thể đếm hết những bước chân du khách hướng tới đỉnh thiêng Yên Tử cao 1068m (phường Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh), trảy hội xuân, “tìm về chính mình” qua tinh thần “cư trần lạc đạo” của thiền phái Trúc Lâm đã được Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông dày công gây dựng. Bà Phạm Mai Hương, du khách dự Hội xuân Yên Tử hồ hởi bày tỏ: “Mùa xuân chúng tôi đi không khí nhộn nhịp, vui tươi, cũng thấy rất xúc động, tự hào. Đức hạnh của Phật hoàng về từ bi hỉ xả, chúng tôi học được rất nhiều”.

Các di tích trong Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đều được xếp hạng Di tích cấp quốc gia, Di tích quốc gia đặc biệt và được bảo vệ ở mức độ cao nhất.
Lễ hội mùa xuân, mùa thu Côn Sơn, Kiếp Bạc, lễ hội Xuân Yên Tử, Xuân Ngọa Vân, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Thanh Mai, chùa Bổ Đà… đều đặn tổ chức hàng năm, cho thấy sức sống lâu bền của những giá trị phi vật thể nổi bật trong 12 di tích thành phần của Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc. Nhiều thế kỷ trôi qua, những lễ nghi, nghệ thuật trình diễn xuất phát từ thời Trần vẫn được lưu truyền, gìn giữ trong tâm thức cộng đồng người dân địa phương, để rồi sau đó được phục dựng và phát huy, trở thành các Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tiếp tục bảo tồn trong thời đại ngày nay. Từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX, nhiều di tích, khu di tích đã được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia, sau đó tiếp tục nâng cấp lên thành Di tích quốc gia đặc biệt với mức độ bảo vệ cao nhất.
Những năm qua, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương (nay là TP. Hải Phòng), Bắc Giang (nay là tỉnh Bắc Ninh) đã dồn nhiều tâm huyết, nỗ lực trong bảo tồn không chỉ các giá trị phi vật thể, mà còn là cảnh quan tự nhiên, từ núi rừng, sông hồ, hang động, mái đá… Giữa không gian thiên nhiên đó, những công trình kiến trúc đền miếu, am chùa, lăng tẩm… được tôn tạo vẫn nép mình dưới tán thông, giữa phù vân che phủ, từng bước được kết nối thuận tiện nhờ những con đường, hạ tầng ngày một nâng cấp.

Di sản phi vật thể là các lễ hội được lưu giữ trong cộng đồng qua nhiều thế kỷ, nhiều lễ hội được phục dựng lại trong nhiều năm gần đây.
Một kế hoạch quản lý Di sản đã được các cấp ngành và các địa phương có Di sản xây dựng cụ thể và được Unesco đánh giá cao, huy động sự tham gia chủ đạo từ chính quyền các địa phương - trực tiếp là Ban quản lý các di tích, danh thắng thành phần; các chức sắc tôn giáo; các doanh nghiệp và người dân địa phương. Trong đó bao gồm nhiều hoạt động bảo tồn và quản lý di sản, bảo vệ và cải thiện cảnh quan cũng như giảm thiểu rủi ro và các tác động tiêu cực của phát triển, ô nhiễm môi trường, thiên tai…
Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cho rằng, để lan tỏa hơn nữa giá trị của Di sản cần thiết phải tăng cường hiểu biết về Di sản thông qua việc tiếp tục các hoạt động nghiên cứu toàn diện.
Cùng quan điểm, Thượng tọa Thích Thanh Vịnh, Phó trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho rằng nên mở rộng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, đưa tư tưởng, đạo đức Phật giáo Trúc Lâm vào cuộc sống, góp phần tạo lập môi trường xã hội lành mạnh, phụng sự phát triển quốc gia, dân tộc bằng tinh thần nhập thế của Phật giáo Trúc Lâm.

Tinh thần khoan dung, sáng tạo của Phật giáo Trúc Lâm không chỉ có giá trị nền tảng tư tưởng đối với người Việt mà đã truyền cảm hứng và giá trị nhân bản cho cộng đồng quốc tế.
“Liên kết với một số trung tâm giáo dục của Phật giáo, của các trường chuyên ngành văn hóa, du lịch, kiến trúc để cùng tìm hiểu những phương pháp bảo tồn, bổ sung thêm những công trình đã bị phong hóa theo thời gian, giúp cho các thế hệ sau biết đến. Thêm vào đó là có thêm những nơi lưu trú dành cho những người tới để học tập”, Thượng tọa Thích Thanh Vịnh nhấn mạnh.
Cam kết của Việt Nam là tăng cường kế hoạch bảo tồn và quản lý chi tiết dựa trên khuyến nghị của UNESCO liên quan đến quản lý du khách, đánh giá sức tải của di sản và các biện pháp khẩn cấp nhằm tăng cường an toàn và an ninh, hoàn thành trong năm 2025. Di sản được công nhận trong bối cảnh sau thực hiện hợp nhất các tỉnh và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cũng đòi hỏi phải nhanh chóng hoàn thiện bộ máy quản lý, từ cơ quan quản lý di tích tới các cơ chế phối hợp, điều phối từ trung ương và giữa các địa phương.

Các địa phương có di sản đã xây dựng kế hoạch quản lý, từ việc hoàn thiện quy hoạch tổng thể cho toàn bộ quần thể Di sản cho tới những ý tưởng về không gian số hóa liên kết cả quần thể.
Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Ninh cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch hoạt động bảo tồn, trong đó các hoạt động trùng tu đều phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và ý kiến của các nhà chuyên môn. Cùng với đó là việc hỗ trợ về bảo vệ hệ sinh thái, cảnh quan gắn liền với việc giữ gìn, phát huy giá trị của Di sản một cách xứng tầm. “Chúng tôi còn ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý và phục vụ cho du khách, mong muốn rằng khi đến với các khu di tích, du khách không chỉ thấy chùa đền am tháp, thấy rừng núi mà còn cảm nhận được tinh thần của thiền phái Trúc Lâm, thấy được hơi thở văn hóa sống động trong từng bước chân”, ông Dũng chia sẻ.
Những kế hoạch quản lý bài bản đang được triển khai, từ việc hoàn thiện quy hoạch tổng thể cho toàn bộ Quần thể Di sản cho tới những ý tưởng về không gian số hóa liên kết cả Quần thể, “thổi hồn” Trúc Lâm vào các sản phẩm văn hóa mới với sự tham gia của chính người dân địa phương.

Đoàn Việt Nam tại phiên họp thứ 47 của UNESCO với những cam kết bảo tồn, bảo vệ lâu dài, bền vững và phát huy giá trị của Di sản theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới của UNESCO.
Câu chuyện Di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc về “sự kết hợp của Thiền phái Trúc Lâm với truyền thống yêu nước của dân tộc, trở thành nền tảng tư tưởng văn hóa cho xã hội Đại Việt thế kỷ XIV và huy động được sức mạnh toàn quân, toàn dân để bảo vệ độc lập, chủ quyền, phát triển đất nước, góp phần vào nền hòa bình chung” vẫn còn vẹn nguyên giá trị sau 7 thế kỷ.
Câu chuyện của Di sản Thế giới hôm nay sẽ được viết tiếp, như cách mà Nguyễn Thị Huyền Trang, người dân phường Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh, cũng là hướng dẫn viên giới thiệu cho khách thập phương khi tới thăm Vườn tháp Huệ Quang, di tích trung tâm của Yên Tử: “Đứng tại đây chúng ta hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông, để hậu thế chúng ta tự trau dồi, soi sáng chính mình, lan tỏa hơn nữa tinh thần nhập thế của thiền Trúc Lâm, hướng tới tiếp nối xây dựng đất nước, dân tộc”.