Ngẫm bây giờ mới cảm hết quê hương

Một buổi sáng mùa xuân.

Tôi đứng trên cầu Bến Đám - Cây cầu bắc qua sông Thương.

Nắng vàng ươm. Gió mơn man thổi. Âm thanh vang động khắp cây cầu. TP Bắc Giang hôm nay đã trải rộng dài tới đây ư - tới vùng quê Yên Dũng huyền tích yêu dấu? Tôi nhìn xuống dòng sông lững lờ trôi, lòng chộn rộn, lâng lâng đến lạ, bỗng chốc nhớ tới câu thơ xưa của ai đó: "Ngỡ bây giờ mới cảm hết quê hương/ Tiếng sóng vỗ cần cù và không gian sâu lắng".

 Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng. Ảnh: Dương Tiến Dũng.

Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng. Ảnh: Dương Tiến Dũng.

Sông Thương, con sông chạy suốt thành phố từ những xã ven thành đến dãy núi Nham Biền huyền thoại nơi xa xưa đã từng có 99 con đại bàng tới đậu trước khi phải tung cánh tìm chốn kinh đô. Không phải nơi đâu trên đất nước mình cũng có một con sông như thế. Sông Thương - con sông đầy sự tích, huyền thoại, đầy bi tráng. "Tiền kiếp sông chảy đau trong tình sử/ Lời người xưa đã hóa Nham Biền/ Núi cùng sông dìu nhau về biển/ Trước ngàn trùng dựng Lục Đầu Giang". Một nhà thơ xứ Kinh Bắc đã giãi bày như vậy.

Con sông này đã chứng kiến, đã tham dự những thăng trầm lịch sử, cả ngọt ngào, cay đắng, cả vinh quang, cả anh hùng. Chính tại nơi đây như danh nhân Lý Tử Tấn cách đây hơn 600 năm đã ngợi ca: “Vũ công lừng lẫy/ Giúp nên đất nước bình yên”. Con sông như người ấy cũng có bao nỗi buồn vui. Nữ tướng Thánh Thiên của Hai Bà Trưng đã trẫm mình khi cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lăng nhà Hán phương Bắc thất bại. Hai công chúa Bảo Nương, Ngọc Nương nhà Trần đã dùng mưu kế dìm thuyền chở nhiều tướng giặc Nguyên - Mông…

Con sông này đã chuyên chở bao đoàn quân, vũ khí, quân lương ra mặt trận. Chiếc cầu bắc qua sông được ví như cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) trong cuộc kháng chiến vĩ đại chống Mỹ cứu nước. Con sông thuở trước đã chứng kiến bao cuộc chia ly đẫm nước mắt giữa kẻ đi người ở mà có bến Chia Ly xót xa. Vẫn còn đọng mãi câu thơ: "Ngày xưa gọi bến Chia Ly/ Để ghi nỗi nhớ kẻ đi người về/ Người đi gan ruột não nề/ Người về nước mắt dầm dề như mưa". Không có gì lạ khi con sông đã và đang vang mãi những bài ca, bài thơ, những bức họa ngợi ca đằm thắm, thân thương.

Con sông chảy xuôi tới Nham Biền, tới dải đất linh thiêng. Dường như 99 con đại bàng từng đậu ở dãy núi này đã tạo lập một dải đất như thế. Dải đất ấy có chùa Vĩnh Nghiêm (Đức La) cách đây hơn 700 năm là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - trường đại học Phật giáo đầu tiên của nước nhà, có kho mộc bản với 3.050 bức được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Chương trình ký ức thế giới; là uy nghi Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, là cổ kính đầy sự tích chùa Kem xây dựng từ hơn 400 năm trước, là vô vàn những truyền thuyết, huyền thoại, dã sử, chính sử ở các làng quê về danh thần, nhiên thần, thánh thần, các chiến công chống quân xâm lược… Xa xưa từ chùa Vĩnh Nghiêm, con đường hoằng dương Phật pháp đi tới Yên Tử về phía Tây đã được khai mở mà giờ vẫn còn dấu tích các ngôi chùa rải rác. Ngày nay từ TP Bắc Giang mở rộng đã có con đường văn hóa du lịch, văn hóa tâm linh đi tới nơi thờ Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Yên Dũng - vùng đất ven sông lại là một trong những nơi có nhiều người đỗ đạt khoa bảng xưa kia. TP Bắc Giang có 19 tiến sĩ thì Yên Dũng có tới 12. Theo cách gọi ngày trước, làng có người đỗ tiến sĩ được danh xưng là làng tiến sĩ. Cả thành phố có tới 7 làng như thế. Trong đó, có 3 làng mà cả cha con đều là tiến sĩ, ấy là các làng Song Mai, Dĩnh Kế, Song Khê. Thành phố chúng ta có vị trạng nguyên danh tiếng đất nước, một ngôi sao sáng trong vương triều họ Mạc, người đứng đầu 6 bộ, người trung thực có những lời khuyên vua quan mà sử sách hết lời ngợi ca, đó là Trạng nguyên Giáp Hải (Giáp Trưng) ở làng Dĩnh Kế. Thành phố cũng có tới 43 lễ hội lớn nhỏ, bề thế nhất là lễ hội Xương Giang và lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm.

TP Bắc Giang hôm nay sơn thủy hữu tình, có sông có núi, có những cánh đồng, ao hồ. Một thành phố mà 99 chim đại bàng đã từng đậu trên 99 ngọn núi giờ đã có những “đại bàng” đến đỗ, ấy là các khu, cụm công nghiệp mọc lên từ ngoại thành tới làng quê xa tắp. Các doanh nhân trong và ngoài nước đến đây ngày càng nhiều. Thành phố đã và đang là nơi “trải ổ” cho những “đại bàng” đến ở, góp sức cho TP Bắc Giang phồn thịnh như ngày nay.

Đi khắp thành phố từ nội thành tới các làng quê, đâu đâu cũng đẹp như tranh, điều mà mấy chục năm về trước chỉ có trong mộng tưởng. Có ai ngờ một dải đất chiêm trũng hầu như quanh năm ngập nước giờ là khu công nghiệp bề thế, những ao hồ đã thành chung cư to đẹp. Có ai ngờ những làng quê rặt nhà tranh vách đất, rải rác đôi ba nhà ngói tuềnh toàng nay san sát nhà tầng duyên dáng, kiểu cách. Đường làng ngõ xóm trải bê tông phẳng lỳ. Cửa hàng, cửa hiệu dọc hai bên đường. Đi vào làng ngỡ đi vào thị tứ, thị trấn. Ô tô, xe máy đi lại rộn rã xóm làng.

Cứ theo cách gọi ngày xưa, làng xóm mình có rất nhiều làng mới ngoài danh xưng là làng, xã nông thôn mới, ấy là làng giáo sư, tiến sĩ, làng hoa, làng công nhân, làng khuyến học. Rồi còn bao làng khác: Làng ca hát, làng quan họ, làng chèo, làng gốm, làng mộc… Đã có rất nhiều làng nổi danh với sản phẩm riêng biệt của mình. Đồng ruộng hôm nay đã khoác trên mình diện mạo mới. Những cánh đồng mẫu lớn. Những cánh đồng được đầu tư công nghệ cao. Những giống mới năng suất cao, chất lượng vượt trội. Nông phẩm trở thành hàng hóa đi khắp chốn. Đã qua rồi cái thời nông sản chỉ dành cho tự cung tự cấp. Một kinh tế xanh, một kinh tế số, một kinh tế tuần hoàn đang từng bước hiện hữu ở thành phố thân yêu này.

Thành phố đang chuyển mình bước đi vững chắc với bao đổi mới để cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh, cùng nhân dân cả nước bước vào kỷ nguyên mới vươn mình để dân giàu, nước mạnh, xây đắp và bảo vệ Tổ quốc.

Tôi đứng lặng trên cầu với dòng sông êm ả. Con sông vẫn còn lưu giữ bao trầm tích văn hóa, vẫn muốn nói bao điều ở dải đất này. Như con người, sông đã trải qua những nhọc nhằn khi quanh co vượt qua ghềnh thác để có được hôm nay. Con sông đôi bờ trong đục, bên lở bên bồi mang cái tên thân thương, trìu mến sẽ mãi mãi hiện hữu trong tâm thức, trong trái tim người dân quê nhà như giãi bày cùng chúng ta của nhà thơ quê Kinh Bắc:

Sông vẫn chảy như ngàn xưa đã chảy

Sông vẫn chảy như ngàn sau vẫn chảy

Sông vẫn chảy như bây giờ đang chảy

Dù mai sau không có cuộc đời tôi

Những cánh buồm vẫn nối muôn nơi

Cánh cò trắng vẫn soi mình mặt nước

Những chiếc cầu nối hai chiều xuôi ngược

Dù mai sau tôi không có trong đời

Nhưng dòng sông vẫn chảy suốt hồn tôi

Tùy bút Đỗ Nhật Minh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/ngam-bay-gio-moi-cam-het-que-huong-postid411333.bbg
Zalo