Tăng trưởng doanh thu của các nhà thầu quốc phòng Nga vượt Mỹ và châu Âu
Theo một đánh giá mới nhất, mặc dù có ngân sách quốc phòng gấp 10 lần Nga nhưng NATO đã không thể chuyển sức mạnh chi tiêu thành hỏa lực trong giải quyết xung đột tại Ukraine.
Theo số liệu do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 2/12 trong báo cáo thường niên về 100 công ty quốc phòng hàng đầu thế giới, tăng trưởng doanh thu của các nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Nga đã vượt xa doanh thu của các đối tác Mỹ và châu Âu vào năm 2023.
Trong khi các công ty quốc phòng hàng đầu của Nga đạt mức tăng trưởng doanh thu là 40% thì doanh thu của các nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Mỹ và châu Âu chỉ tăng lần lượt 2,5% và 0,2% so với mức trung bình toàn cầu là 4,2%.
Doanh thu của các nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Mỹ và châu Âu đạt mức lần lượt là 317 tỷ USD và 133 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu của các nhà thầu quốc phòng chỉ ở mức “khiêm tốn” hơn là 25,5 tỷ USD. Tuy nhiên, báo cáo của SIPRI cho thấy Nga đã vũ khí hóa nền kinh tế của mình hiệu quả hơn trong thời chiến để đáp ứng những thách thức về nguồn cung ở tiền tuyến.
Theo SIPRI, chỉ có 2 công ty Nga lọt vào top 100 nhà thầu quốc phòng hàng đầu thế giới là: Rostec - công ty cổ phần nhà nước có các công ty con sản xuất máy bay, áo giáp và thiết bị điện tử và United Shipbuilding Corporation. Đây là 2 công ty duy nhất của Nga công bố thông tin tài chính.
Theo ông Joseph Fitsanakis, Giáo sư nghiên cứu tình báo và an ninh tại Đại học Coastal Carolina: “Sản lượng vũ khí quân sự của Nga hiện đang vượt xa Mỹ và tất cả các quốc gia thành viên NATO cộng lại. Điều này có thể khó tin, nhưng Nga bắt buộc phải làm như vậy nếu muốn vượt qua những khoản viện trợ dành cho Ukraine".
Trong một báo cáo riêng vào tháng 4 , SIPRI ước tính rằng năm 2023, Nga đã tăng chi tiêu quân sự của mình lên 24% lên mức 109 tỷ USD, chiếm 5,9% nền kinh tế của nước này. Con số này có vẻ không cao, nhưng nếu xét theo tỷ lệ nền kinh tế thì đó là con số đáng phải chú ý.
Về phía NATO, mức chi tiêu quân sự trung bình chỉ ở mức 1,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Năm 2024, Ngân hàng Phần Lan ước tính các công ty quốc phòng chiếm 40% tăng trưởng của Nga trong nửa đầu năm 2023, khiến đây trở thành lĩnh vực có hiệu suất hoạt động cao nhất trong nền kinh tế.
Tổng chi phí quốc phòng và an ninh năm 2024 của Nga tăng thêm 70% và ước tính đạt mức 157 tỷ USD. Chi tiêu quốc phòng của Nga dự kiến sẽ tăng thêm 25% vào năm 2025 và có thể kéo dài mức tăng đến năm 2027. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ước tính Nga đã chi tổng cộng 200 tỷ USD cho cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, Giáo sư Fitsanakis cũng đặt câu hỏi về tính bền vững của nền kinh tế chiến tranh của Nga hiện nay. Ông nói: “Do tình trạng thiếu hụt và lệnh trừng phạt nghiêm trọng, các nhà thầu quốc phòng Nga phải đối mặt với lãi suất có khi vượt quá 20%. Mặc dù doanh thu tăng nhưng hầu hết đều đang phải vật lộn để có lợi nhuận. Thậm chí còn có lo ngại rằng hầu hết ngành quốc phòng của Nga sẽ phá sản trong vòng chưa đầy 2 năm, do đó buộc nhà nước Nga phải quốc hữu hóa hoặc cứu trợ”.
Chi tiêu quốc phòng của NATO đạt mức 1.341 tỷ USD, lớn hơn nhiều lần so với Nga. Tuy nhiên, có vẻ như con số này không đi đôi với lợi thế của Ukraine trên chiến trường hiện nay. Nó không thực sự hiệu quả trong việc nhanh chóng chuyển sức mạnh chi tiêu thành hỏa lực trên chiến trường.
Nghiên cứu gần đây của Nghị viện châu Âu cho thấy các thành viên Liên minh châu Âu (EU) bỏ ra 78% chi tiêu mua sắm từ các nước thứ 3, trong đó Mỹ là đích đến của 63%. Tỷ lệ này đã tăng lên sau khi nổ ra cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Các nhà thầu châu Âu không được hưởng lợi từ việc tăng ngân sách quốc phòng, trái ngược với Nga - quốc gia sản xuất thiết bị quân sự trong nước và đang nỗ lực đưa chuỗi cung ứng của mình về nước.
Pháp được đánh giá là một ví dụ điển hình. Doanh thu của các công ty quốc phòng hàng đầu của Pháp đã giảm 8,5%. Dẫn đầu là mức giảm 60% trong đơn đặt hàng máy bay chiến đấu đa năng Rafale của hãng Dassault Aviation. Điều này xảy ra khi quân đội châu Âu bỏ qua mẫu máy bay này để ưu tiên cho máy bay phản lực thế hệ tiếp theo F-35 của Lockheed Martin.
Tuy nhiên, SIPRI cho biết sự vượt trội về công nghệ của Mỹ so với cả Nga và châu Âu cũng không mang lại cho Mỹ sự tăng trưởng vượt bậc. Mỹ đang đối mặt với các vấn đề về chuỗi cung ứng. Chính điều này đã ngăn cản Mỹ biến danh sách đơn đặt hàng ngày càng dài thành hiệu quả sản xuất và doanh thu.
Báo cáo của SIPRI nêu rõ: “Việc sản xuất và cung cấp tên lửa và thiết bị hàng không vũ trụ để xuất khẩu bị ảnh hưởng đặc biệt bởi các vấn đề về chuỗi cung ứng vào năm 2023. Doanh thu từ vũ khí xuất khẩu giảm 5,4%”.
Với hãng Lockheed Martin, lượng tồn đọng tên lửa và hệ thống kiểm soát hỏa lực tăng 12% và doanh thu của hãng cũng giảm 0,6%. Trên thực tế, doanh thu của Lockheed Martin, nhà sản xuất thiết bị quốc phòng lớn nhất thế giới, đã giảm năm thứ 3 liên tiếp vì những vấn đề như vậy, xuống còn 60,8 tỷ USD vào năm 2023. Nhà thầu quốc phòng lớn thứ 2 thế giới là RTX (trước đây là Raytheon) cũng chứng kiến doanh thu sụt giảm vì những lý do tương tự.
SIPRI cho biết: “Mặc dù nhu cầu về vũ khí và thiết bị quân sự cao hơn, nhưng các hãng không thể tăng năng lực sản xuất do những thách thức dai dẳng về chuỗi cung ứng - đặc biệt là trong các phân khúc hàng không và phòng thủ tên lửa, vốn có chuỗi cung ứng đặc biệt phức tạp”.
Ngược lại với các công ty Mỹ, doanh thu của các công ty Nga tăng mạnh chính do sản lượng các loại vũ khí như tên lửa, máy bay và UAV tăng nhanh. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ước tính mỗi tuần Nga sử dụng khoảng 600 UAV và 200 tên lửa.
Cơ sở công nghiệp quốc phòng là trọng tâm trong chính sách hỗ trợ của EU đối với Ukraine. Vào tháng 6/2023, để thực hiện cam kết cung cấp cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo trong vòng 1 năm, EU đã thông qua Đạo luật hỗ trợ sản xuất đạn dược (ASAP), rót tới 500 triệu euro vào hoạt động sản xuất đạn pháo và chất nổ tại EU.
EU cũng đã thông qua một đạo luật riêng khuyến khích các quốc gia thành viên mua chung các mặt hàng quốc phòng quan trọng như đạn dược và tên lửa từ các nhà cung cấp EU. Tuy nhiên, vào đầu năm 2024, Ủy viên EU phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton đã không thuyết phục được các thành viên phát hành trái phiếu trị giá 100 tỷ euro để thúc đẩy đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu. Điều này đã khiến chính sách trên của EU gặp một vật cản lớn.
Tuy nhiên, EU cũng đang kỳ vọng một Ủy ban châu Âu mới trong năm tới với việc có Ủy viên quốc phòng đầu tiên sẽ giúp giảm sự phân mảnh và tăng cường năng lực công nghiệp của EU.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết: “Vào cuối năm chúng tôi sẽ chuyển tổng cộng hơn 1,5 triệu viên đạn cho Ukraine”. Theo đó, EU dự kiến sẽ đạt công suất là 2 triệu viên đạn hàng năm vào nửa cuối năm sau.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ RBC-Ukraine, Phó chỉ huy lực lượng tên lửa và pháo của Ukraine, Serhiy Musienko thông báo quân đội Ukraine đã sử dụng tới 3 triệu quả đạn pháo vào năm 2023. Có thể nước này sẽ cần nhiều hơn nữa nếu muốn chuyển từ phòng thủ sang giành lại lãnh thổ vào năm tới.
Năm 2024, Ukraine đã đầu tư 7 tỷ euro vào việc phát triển ngành công nghiệp quốc phòng và đặt mục tiêu tăng gấp 3 con số này vào năm 2025.