Nga - Trung kiến tạo 'trục năng lượng Á - Âu', từ đường ống Kazakhstan đến giếng dầu Siberia

Moscow và Bắc Kinh gần đây đã tổ chức các cuộc thảo luận về khả năng cho phép các công ty Trung Quốc đầu tư vào các dự án khai thác dầu khí tại Nga.

Trung Quốc muốn mua thêm 2,5 triệu tấn dầu mỗi năm của Nga. Ảnh: Vestikavkaza.ru

Trung Quốc muốn mua thêm 2,5 triệu tấn dầu mỗi năm của Nga. Ảnh: Vestikavkaza.ru

Bên cạnh đề xuất tăng nhập khẩu dầu mỏ của Nga qua Kazakhstan, Trung Quốc mới đây còn bày tỏ mong muốn đưa các doanh nghiệp nước này tham gia vào các dự án khai thác dầu khí tại Nga.

Phát biểu với hãng tin Tass hôm 19/5, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Moscow và Bắc Kinh đang tiến hành các cuộc đàm phán chuyên sâu liên quan đến khả năng các công ty Trung Quốc sẽ đầu tư khai thác dầu khí tại Nga.

“Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này và sẽ tiến hành thêm các cuộc đàm phán trong thời gian tới” - Phó Thủ tướng Novak chia sẻ, đồng thời bày tỏ kỳ vọng rằng các thỏa thuận bổ sung sẽ được ký kết trong tương lai gần.

Động thái này đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực tái cơ cấu đối tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng của Nga, đặc biệt sau chuyến thăm Moscow của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tháng 5. Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 7/5 tại Moscow, ông Novak thông báo, hai nước đã đạt được tiến triển đáng kể trong đàm phán dự án đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 2, đồng thời xác nhận Trung Quốc đang quan tâm tới việc tham gia vào dự án khí hóa lỏng (LNG) Ust-Luga.

Cũng theo Phó Thủ tướng Novak, trong năm 2025, Nga dự kiến sẽ tăng xuất khẩu dầu, khí đốt qua đường ống và LNG sang Trung Quốc, vượt mức của năm 2024. Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, tính riêng trong năm 2024, Trung Quốc đã nhập khẩu 108,47 triệu tấn dầu từ Nga, tiếp tục là nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất của Nga tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trung Quốc muốn mua thêm 2,5 triệu tấn dầu của Nga

Không dừng lại ở việc mở rộng hợp tác đầu tư, Trung Quốc vừa chính thức đề xuất Nga tăng lượng dầu xuất khẩu qua Kazakhstan thêm 2,5 triệu tấn mỗi năm. Phó Thủ tướng Novak nói rằng Moscow sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mua thêm dầu của Bắc Kinh, song lưu ý cần triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm tăng cường hạ tầng đường ống qua Kazakhstan.

“Đây là đề xuất từ phía Trung Quốc và chúng tôi sẵn sàng đảm bảo nguồn cung đó, nhưng cần thực hiện một số giải pháp kỹ thuật nhất định,” ông Novak cho hay. Ông cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp liên quan đến hệ thống vận chuyển dầu qua Kazakhstan đang được xem xét và công ty vận hành đường ống Transneft sẽ chịu trách nhiệm việc lập kế hoạch chi tiết.

Trước đó, Nga đã phê duyệt dự thảo sửa đổi nghị định thư thỏa thuận liên chính phủ với Trung Quốc, cho phép mở rộng tuyến cung cấp dầu ngoài đường ống chính Skovorodino - Mohe. Theo đó, hai nước đồng ý nâng hạn mức cho phép đối với các tuyến vận chuyển dầu ngoài tuyến đường ống ưu tiên Skovorodino-Mohe, nối vùng Viễn Đông Nga với tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc.

Quyết định mới nhất đã tạo điều kiện để hai bên linh hoạt hơn trong lựa chọn tuyến đường vận chuyển nhiên liệu, đặc biệt là nhằm phục vụ các nhà máy lọc dầu ở khu vực phía Tây Trung Quốc, nơi ít được kết nối trực tiếp với tuyến đường ống Skovorodino-Mohe.

Theo thỏa thuận được sửa đổi, tổng hạn mức cung ứng dầu qua các tuyến đường ống khác có thể được tăng từ 7–10 triệu tấn lên 7–12,5 triệu tấn mỗi năm, đồng thời kéo dài thời gian hợp tác từ 5–10 năm lên 5–20 năm, tính từ tháng 1/ 2014.

Giới chuyên gia nhận định, việc Trung Quốc đề xuất mua thêm dầu Nga qua Kazakhstan và lời mời doanh nghiệp đến từ Bắc Kinh tham gia trực tiếp vào ngành công nghiệp dầu khí của Moscow là hai minh chứng rõ nét cho một trục năng lượng Á – Âu đang định hình.

Theo các nhà quan sát, Bắc Kinh không chỉ hướng đến việc nhập khẩu dầu khí ổn định từ Nga mà còn muốn đóng vai trò chủ động trong chuỗi giá trị năng lượng toàn cầu. Việc Trung Quốc đầu tư vào các dự án khí hóa lỏng, cơ sở hạ tầng trung chuyển và cả khai thác thượng nguồn là dấu hiệu cho thấy nước này muốn kiểm soát sâu hơn dòng chảy năng lượng chiến lược trong thế kỷ 21.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nga-trung-kien-tao-truc-nang-luong-a-au-tu-duong-ong-kazakhstan-den-gieng-dau-siberia.709739.html
Zalo