Nga triển khai trung đoàn tên lửa phòng không S-500 'Prometheus' đầu tiên để bảo vệ cầu Crimea

'Sprinter Observer', tài khoản mạng uy tín theo dõi hoạt động quân sự của Nga, đưa tin trung đoàn tên lửa phòng không S-500 'Prometheus' đầu tiên của Nga đã được triển khai để bảo vệ cầu Crimea.

Các thành phần trong hệ thống S-500 “Prometheus”. Ảnh: QQnews.

Các thành phần trong hệ thống S-500 “Prometheus”. Ảnh: QQnews.

Trước đó, giữa năm 2024 cơ quan tình báo Ukraine đã cho biết một phần hệ thống tên lửa phòng không S-500 đã được triển khai thử nghiệm ở khu vực Crimea.

Ngày 18/12/2024, Đại tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga, đã tuyên bố thành lập trung đoàn tên lửa phòng không S-500 đầu tiên, đánh dấu việc chính thức đưa hệ thống phòng không loại này vào biên chế.

Những tính năng vượt trội của hệ thống S-500 “Prometheus”

Theo trang web Army Recognition, hệ thống tên lửa phòng không S-500 “Prometheus” do Công ty Almaz-Antey phát triển và được thiết kế để chống lại nhiều mục tiêu trên không gồm máy bay tàng hình, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa siêu thanh và vệ tinh quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO).

S-500 Prometheus có hai cấu hình: một là phòng không tầm xa và một là phòng thủ tên lửa. Hệ thống này có tầm chiến đấu tối đa là 600 km và độ cao hơn 200 km, vượt trội hơn so với các hệ thống tiền nhiệm là S-300 và S-400, vốn có bán kính chiến đấu tối đa là 400 km và có thể tấn công mục tiêu ở độ cao thấp hơn.

Theo Cục Tình báo Không gian Mỹ, trong cuộc thử nghiệm năm 2019, S-500 có tầm bắn 481,2 km. Điều này vượt hơn khả năng của các hệ thống phòng không của Mỹ như Patriot và THAAD, vốn chỉ có tầm bắn khoảng 200 km.

 Mỗi xe mang 2 ống phóng đạn. Ảnh: QQnews.

Mỗi xe mang 2 ống phóng đạn. Ảnh: QQnews.

Mỗi trung đoàn tên lửa phòng không S-500 được trang bị 12 xe phóng, có khả năng phát hiện và đánh chặn 10 đầu đạn tên lửa đạn đạo có tốc độ lên tới 7.000 mét/giây. Thời gian phản hồi của hệ thống là 3 đến 4 giây, nhanh hơn so với 9 đến 10 giây của S-400.

S-500 sử dụng tên lửa 77N6-N và 77N6-N1, được thiết kế để đánh chặn động năng tốc độ cao. Các cuộc thử nghiệm được tiến hành vào tháng 2/2024 đã xác nhận khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng R-29RMU2 "Sineva" phóng từ tàu ngầm, chứng minh khả năng tấn công các mục tiêu siêu thanh của hệ thống này.

Việc triển khai S-500 “Prometheus” để bảo vệ cầu Crimea sẽ lấp đầy khoảng trống trong hệ thống phòng không của Nga trong khu vực.

Ukraine đã nhiều lần sử dụng các tên lửa tầm xa tiên tiến do các nước phương Tây cung cấp như ATACMS và Storm Shadow để tấn công vào khu vực Crimea, nhắm vào các hệ thống phòng không và trung tâm chỉ huy Nga ở khu vực này. Các cuộc tấn công đã gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng như sân bay Saki và căn cứ phòng không Djankoy. Cầu Crimea là một mắt xích quan trọng trong việc vận chuyển vật tư quân sự giữa Nga và Bán đảo Crimea. Cầu này đã từng bị tấn công trước đây, khiến Nga phải tăng cường các nỗ lực bảo vệ.

 Cầu Crimea từng bị Ukraine tấn công, đánh sập nhịp cầu đường bộ. Ảnh: QQnews.

Cầu Crimea từng bị Ukraine tấn công, đánh sập nhịp cầu đường bộ. Ảnh: QQnews.

Bán đảo Crimea nằm trên Biển Đen và có cảng nước sâu Sevastopol không chỉ trở thành căn cứ quan trọng của Hải quân Nga mà còn nối với Địa Trung Hải, do đó có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Nga. Sau khi Nga chiếm Bán đảo Crimea năm 2014, nơi này đã trở thành thành phần quan trọng trong việc duy trì ảnh hưởng của Nga tại Ukraine.

Cầu Crimea là tuyến đường tiếp tế hậu cần quan trọng cho phép vận chuyển vật tư quân sự và hàng hóa dân sự từ đất liền Nga đến Bán đảo Crimea. Ukraine đã nhiều lần cố gắng phá hủy cây cầu Crimea nhằm cắt đứt tuyến đường tiếp tế này, cản trở các hoạt động quân sự của Nga và thách thức khả năng kiểm soát khu vực này của Nga.

Tiềm năng của S-500 “Prometheus” trên thị trường vũ khí

S-500 “Prometheus” còn có khả năng tấn công các vệ tinh quỹ đạo thấp, điều này rất quan trọng để phá hoại các hoạt động liên lạc, dẫn đường và trinh sát của đối phương. Khả năng này, kết hợp với tầm bao phủ rộng lớn, cho phép nó có thể tấn công các mối đe dọa bên ngoài vùng phòng không thông thường.

Các nhà phân tích cho rằng việc triển khai S-500 ở Crimea có thể thách thức khả năng hoạt động của NATO gần khu vực này, đặc biệt là khi hệ thống phòng không này có khả năng đánh chặn máy bay và tên lửa tiên tiến.

 Các thông số chính của hệ thống S-500 “Prometheus”. Ảnh: Army Recognition.

Các thông số chính của hệ thống S-500 “Prometheus”. Ảnh: Army Recognition.

Trên thị trường vũ khí quốc tế, Nga đã đề xuất với Ấn Độ cùng sản xuất hệ thống phòng không S-500. Nga đã nhắc lại đề xuất này trong chuyến thăm Moscow của Tổng thống Ấn Độ Narendra Modi hồi năm 2024 như một phần của hợp tác quốc tế rộng lớn hơn, nhưng Ấn Độ vẫn chưa đưa ra quyết định, có thể là do đang cân nhắc về lệnh trừng phạt tiềm tàng, tác động địa chính trị và tính năng của hệ thống.

So với chương trình tên lửa BrahMos chung giữa Ấn Độ và Nga trước đây, tầm quan trọng của S-500 trong cuộc cạnh tranh phòng thủ tên lửa là rất rõ ràng.

Mặc dù có tính năng tiên tiến, S-500 vẫn phải đối mặt với những thách thức khi vận hành. Quân đội Ukraine đã xây dựng chiến lược ứng phó, bao gồm sử dụng chiến thuật phối hợp tấn công tên lửa, tác chiến điện tử và máy bay không người lái tự sát.

Tên lửa hành trình Trembita do Ukraine thiết kế có thể được sử dụng trong các cuộc tấn công kiểu bão hòa để áp đảo khả năng đánh chặn của S-500. Các cuộc tấn công bằng tên lửa kết hợp với tác chiến điện tử và máy bay không người lái có thể làm giảm hiệu quả của hệ thống phòng không S-500.

 S-500 “Prometheus” trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: BQP Nga.

S-500 “Prometheus” trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: BQP Nga.

Nga bắt đầu phát triển S-500 “Prometheus” vào cuối những năm 2000 và nguyên mẫu đầu tiên đã hoàn thành vào năm 2012. Việc thử nghiệm tiếp tục diễn ra vào những năm 2020, với những mẫu sản xuất đầu tiên được giao vào năm 2016. Hệ thống này bao gồm các hệ thống radar tiên tiến, trong đó có radar chỉ huy chiến đấu 91N6A(M) và radar chiến đấu chống tên lửa đạn đạo (ABM) 77T6, có thể tìm kiếm và đánh chặn nhiều mục tiêu cùng lúc.

Hệ thống phòng không S-500 được lắp đặt trên xe tải địa hình dòng BAZ-6909 không chỉ có khả năng cơ động tuyệt vời mà còn có thể triển khai ở nhiều khu vực khác nhau.

Việc triển khai lần này được cho là đánh dấu sự khởi đầu cho việc tích hợp S-500 “Prometheus” vào chiến lược quân sự của Nga.

Mặc dù trọng tâm phòng thủ ban đầu là bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng như cầu Crimea, việc triển khai thiết bị quy mô lớn sau này có thể ảnh hưởng đến cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực và thậm chí là trên thế giới. Hệ thống này sẽ trở thành thành phần cốt lõi trong mạng lưới phòng thủ của Nga, bổ sung cho các hệ thống phòng không S-300 và S-400 hiện có, đồng thời nâng cao khả năng tác chiến để ứng phó các mối đe dọa trong tương lai.

Theo QQnews, NetEasy

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nga-trien-khai-trung-doan-ten-lua-phong-khong-s-500-prometheus-dau-tien-de-bao-ve-cau-crimea-post181781.html
Zalo