Nga thay đổi học thuyết hạt nhân: Đòn 'nắn gân' có sức nặng

Nga thay đổi học thuyết hạt nhân trong bối cảnh truyền thông phương Tây đưa tin về việc Mỹ 'bật đèn xanh' cho phép quân đội Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa phương Tây để tấn công vào lãnh thổ của Nga. Vậy phải chăng những thay đổi này là tín hiệu ngầm của Moscow nhằm 'nắn gân' các nước phương Tây?

Ngày 19/11, Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh phê duyệt học thuyết hạt nhân sửa đổi của nước này có tên “Nền tảng chính sách nhà nước trong lĩnh vực răn đe hạt nhân”. Tổng thống Putin đã nói về những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga tại một cuộc họp vào ngày 25 tháng 9 năm 2024. Trước đó, ngày 11/6/2024, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng đã tuyên bố rằng, “các nguyên tắc cơ bản” có thể được thay đổi, bao gồm cả việc tính đến kinh nghiệm hoạt động quân sự.

Học thuyết hạt nhân mới của Nga bao gồm nhiều nội dung mới, được đánh giá là toàn diện và đáp ứng tốt hơn trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình an ninh khu vực, nhất là căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây. Điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân trong học thuyết mới trong trường hợp bị xâm lược bằng cách sử dụng vũ khí thông thường, tạo ra “mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh” không chỉ của Nga, mà còn của Belarus với tư cách là thành viên của Nhà nước Liên minh. Tên lửa hành trình, máy bay không người lái, máy bay siêu thanh và các máy bay khác, cũng như máy bay chiến thuật được coi là phương tiện tấn công hàng không vũ trụ, việc phát hiện đáng tin cậy về một cuộc tấn công lớn từ kẻ thù có thể là điều kiện để Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Nếu như các học thuyết trước đây quy định chỉ tên lửa đạn đạo mới được nhắc đến là điều kiện để Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trả lời trước truyền thông, Thư ký báo chí của Điện Kremlin, Dmitry Peskov nhấn mạnh, những thay đổi trong học thuyết hạt nhân mới của Nga là “cần thiết và kịp thời” (khi được hỏi liệu những thay đổi này có trùng với thời điểm Mỹ cho phép quân đội Ukraine tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa ATACMS vào lãnh thổ Nga hay không). Ông Peskov coi một trong những nội dung cập nhật quan trọng của học thuyết hạt nhân là luận điểm cho rằng, hành động gây hấn chống lại Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân đều được coi là hành vi xâm lược vào lãnh thổ, lợi ích cốt lõi của Nga.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng hy vọng rằng, phương Tây sẽ đọc toàn bộ học thuyết hạt nhân mới; động thái được cho là “ngầm” bắn tín hiệu tới các nước phương Tây trong bối cảnh “lằn ranh đỏ” giữa các bên ngày càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Theo Alexander Ermkov, chuyên gia tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC), cho biết hầu hết những thay đổi trong học thuyết hạt nhân mới của Nga đều rõ ràng và cụ thể hơn. “Một số nội dung được mô tả chính xác hơn. Nếu so với các phiên bản trước đây, chẳng hạn, việc sử dụng tên lửa đạn đạo có thể gây ra một cuộc tấn công hạt nhân trả đũa, nhưng bây giờ máy bay không người lái và tên lửa hành trình cũng đã được bổ sung thêm”, chuyên gia lưu ý.

Đặc biệt, ông Alexander Ermkov nhận định rằng, thời điểm công bố những thay đổi trong học thuyết hạt nhân mới nhiều khả năng có liên quan đến việc Mỹ cho phép quân đội Ukraine tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa của Mỹ vào lãnh thổ Nga. “Những thay đổi này đã được nhắc đến trong vài tháng trước, song vấn đề vẫn bỏ ngỏ, nhưng hiện nay, liên quan đến những tình hình mới nhất, chúng được công bố để nhắc nhở đối thủ của Nga về quy mô leo thang có thể xảy ra”, ông Ermkov nói.

Học thuyết hạt nhân mới của Nga không phải là hướng dẫn sử dụng vũ khí hạt nhân, mà là một tài liệu mang tính tuyên bố. Theo chuyên gia Alexander Ermkov giải thích, trước hết, đây là một tuyên bố giành cho những “kẻ thù” tiềm tàng trong những tình huống mà Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Bản thân những thay đổi này được đưa ra bởi Tổng tư lệnh tối cao dựa trên sự hiểu biết của ông về những thay đổi nhanh chóng của tình hình chính trị - an ninh khu vực; đồng thời, được tư vấn bởi một đội ngũ chuyên gia, nên học thuyết hạt nhân mới có thể được xem là một sắc lệnh, “tối hậu thư” giành cho đối thủ của Nga.

Trong khi đó, Dmitry Stefanovich, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Quốc tế tại Viện Hàn lâm khoa học Nga liên kết học thuyết hạt nhân mới với một loạt các sự kiện và xu hướng gần đây, bao gồm cả lĩnh vực hạt nhân toàn cầu. “Cộng đồng quốc tế đang chứng kiện việc xây dựng kho vũ khí ở một số quốc gia hạt nhân và các cuộc thảo luận về triển vọng xây dựng kho vũ khí hạt nhân ở những quốc gia khác. Sự xuất hiện của những chủ sở hữu vũ khí hạt nhân mới là có thể xảy ra và nhìn chung, yếu tố hạt nhân đang ngày càng gia tăng ở các quốc gia này trong những năm gần đây. Song rõ ràng, xu hướng đối đầu, cạnh tranh gay gắt giữa Nga và các nước phương Tây, nhất là sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine có tác động đáng kể đến những thay đổi học thuyết hạt nhân, bao gồm cả việc đánh giá tiềm năng của các phương tiện tấn công hàng không vũ trụ khác nhau. Và tất nhiên, việc Belarus được nhắc đến trong học thuyết mới là điều dễ hiểu khi thời gian gần đây quan hệ đồng minh giữa Nga và Belarus không ngừng phát triển”, ông Stefanovich nhấn mạnh.

Theo Dmitry Stefanovich, học thuyết hạt nhân mới của Nga thể hiện sự cập nhật liên tục và mở rộng đáng kể điều kiện để Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Không có gì ngạc nhiên, bởi chừng nào khả năng xảy ra xung đột trực tiếp giữa Nga với Mỹ và NATO vẫn tồn tại và thậm chí còn gia tăng, thì kịch bản leo thang hạt nhân đầy đủ vẫn diễn ra rất nhanh chóng, khó lường. Điều quan trọng là các nước lớn “cần giữ cho mình những cái đầu lạnh” để xu hướng cạnh tranh, đối đầu trong tầm kiểm soát, bảo đảm hòa bình, ổn định cho thế giới phát triển.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nga-thay-doi-hoc-thuyet-hat-nhan-don-nan-gan-co-suc-nang-230957.htm
Zalo