Nga tấn công bằng tên lửa siêu thanh, NATO - Ukraine họp khẩn

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ukraine sẽ tổ chức các cuộc đàm phán khẩn cấp vào ngày 26/11 tới, sau khi Nga sử dụng tên lửa siêu thanh Oreshnik để tập kích một mục tiêu quân sự của Ukraine tại thành phố Dnipro.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk ngày 22/11 cho rằng, cuộc xung đột đang “bước vào giai đoạn quyết định” và “rất kịch tính”.

Quốc hội Ukraine đã hủy một phiên họp vì lý do an ninh được thắt chặt sau cuộc tấn công của Nga vào một cơ sở quân sự tại thành phố Dnipro.

Hậu quả cuộc không kích của Nga tại Dnipro vào ngày 21/11 Ảnh: AP

Hậu quả cuộc không kích của Nga tại Dnipro vào ngày 21/11 Ảnh: AP

Trong một lời cảnh báo nghiêm khắc với phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu trên truyền hình quốc gia rằng, cuộc tấn công bằng tên lửa tầm trung Oreshnik nhằm đáp trả việc Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ và Anh để thực hiện các cuộc tấn công sâu trong lãnh thổ Nga. Ông Putin nhấn mạnh các hệ thống phòng không của phương Tây sẽ bất lực trong việc ngăn chặn tên lửa mới.

Theo các quan chức quân sự Ukraine, tên lửa tấn công Dnipro đã đạt tốc độ Mach 11 và mang theo 6 đầu đạn phi hạt nhân, mỗi đầu đạn phóng ra 6 quả đạn con.

Phát biểu ngày 22/11 với các quan chức quân sự và công nghiệp vũ khí, Tổng thống Putin cho biết Nga đang triển khai sản xuất tên lửa Oreshnik.

“Không quốc gia nào trên thế giới có vũ khí như vậy. Sớm muộn gì các quốc gia hàng đầu khác cũng sẽ có được chúng. Chúng tôi biết rằng chúng đang được phát triển. Chúng tôi hiện đã có hệ thống này. Và điều này rất quan trọng", ông Putin nói.

Việc thử nghiệm tên lửa sẽ tiếp tục, kể cả trong chiến đấu, tùy thuộc vào tình hình và bản chất của các mối đe dọa an ninh được tạo ra đối với Nga, nhà lãnh đạo Nga cho biết và lưu ý rằng Moscow có một kho dự trữ các hệ thống như vậy đã sẵn sàng để sử dụng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa, sau khi Nga phóng tên lửa siêu thanh Oreshnik tập kích một mục tiêu quân sự của Ukraine tại thành phố Dnipro vào ngày 21/11/2024.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa, sau khi Nga phóng tên lửa siêu thanh Oreshnik tập kích một mục tiêu quân sự của Ukraine tại thành phố Dnipro vào ngày 21/11/2024.

Tổng thống Putin cũng khẳng định mặc dù đây không phải là tên lửa xuyên lục địa, nhưng nó mạnh đến mức việc sử dụng một số tên lửa này được trang bị đầu đạn thông thường trong một cuộc tấn công có thể tàn khốc như một cuộc tấn công bằng vũ khí chiến lược - hoặc vũ khí hạt nhân.

Tướng Sergei Karakayev, người đứng đầu Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga cho biết, tên lửa Oreshnik được trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường, có thể tiếp cận các mục tiêu trên khắp châu Âu. Ông Karakayev cũng đồng tình với tuyên bố của Tổng thống Putin rằng, ngay cả với đầu đạn thông thường, việc sử dụng vũ khí này trên diện rộng cũng có tác dụng tương đương với việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trong phát biểu cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đổ lỗi cho những quyết định và hành động liều lĩnh của các nước phương Tây trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine để tấn công Nga.

“Phía Nga đã chứng minh rõ năng lực của mình và các hành động trả đũa tiếp theo trong trường hợp mối quan ngại của chúng tôi không được tính đến cũng đã được phác thảo khá rõ ràng”, ông Peskov nói.

Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, người được coi là có mối quan hệ nồng ấm nhất với Điện Kremlin tại Liên minh châu Âu, đồng tình với quan điểm của Moscow cho rằng việc sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp ở Ukraine có thể đòi hỏi sự tham gia trực tiếp của Mỹ.

“Đây là những tên lửa được bắn ra và sau đó được dẫn đường đến mục tiêu thông qua hệ thống điện tử, đòi hỏi công nghệ tiên tiến nhất thế giới và khả năng liên lạc vệ tinh. Có một giả định mạnh mẽ rằng… những tên lửa này không thể được dẫn đường nếu không có sự hỗ trợ của nhân viên Mỹ", ông Orbán phát biểu trên đài phát thanh nhà nước.

Thủ tướng Hungary Orbán cảnh báo không nên đánh giá thấp phản ứng của Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng, những sửa đổi gần đây của nước này đối với học thuyết triển khai hạt nhân không nên bị coi là “trò bịp”. “Đó không phải là trò bịp… sẽ có hậu quả”, ông nói.

Tổng cục Tình báo Ukraine cho biết, tên lửa Oreshnik đã được bắn từ Trường bắn thử tên lửa Kapustin Yar ở vùng Astrakhan của Nga. Tên lửa đã bay với tốc độ hơn 13.000 km/h và mất 15 phút để tiếp cận mục tiêu ở Dnipro.

Các vụ phóng thử tên lửa tương tự đã được tiến hành vào tháng 10/2023 và tháng 6/2024. Lầu Năm Góc xác nhận tên lửa này là loại tên lửa tầm trung mới, được thử nghiệm dựa trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-26 Rubezh.

Cuộc tấn công hôm 21/11 nhằm vào nhà máy Pivdenmash, nơi chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) khi Ukraine còn thuộc Liên Xô. Cơ sở quân sự này nằm cách trung tâm Dnipro khoảng 6,5 km về phía Tây Nam. Với khoảng 1 triệu dân, Dnipro là thành phố lớn thứ tư của Ukraine và một trung tâm chính về vật tư quân sự và viện trợ nhân đạo, đồng thời là nơi có một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước để điều trị cho những người lính bị thương từ tiền tuyến trước khi họ được chuyển đến Kiev hoặc ra nước ngoài.

(Theo AP)

Minh Thúy

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nga-tan-cong-bang-ten-lua-sieu-thanh-nato-ukraine-hop-khan-282546.htm
Zalo