Nga tái lập căn cứ không quân tại Libya: Bước đi chiến lược giữa lòng Sahara

Nga âm thầm khôi phục căn cứ Matan al-Sarra ở Libya, mở rộng ảnh hưởng quân sự tại châu Phi, cạnh tranh trực tiếp với Mỹ và phương Tây trong khu vực chiến lược.

Các tay súng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) giao tranh với quân đội miền Đông (LNA) của Tướng Khalifa Haftar tại Tripoli, Libya, ngày 18/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Các tay súng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) giao tranh với quân đội miền Đông (LNA) của Tướng Khalifa Haftar tại Tripoli, Libya, ngày 18/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Nga đang mở rộng ảnh hưởng quân sự tại châu Phi thông qua việc khôi phục một căn cứ không quân bỏ hoang tại sa mạc Sahara của Libya, theo nhận định của Tiến sĩ Andrew McGregor, Giám đốc của Aberfoyle International Security, cơ quan có trụ sở tại Toronto (Canada) chuyên về các vấn đề an ninh liên quan đến thế giới Hồi giáo. Động thái này mang đến cho Moskva cơ hội thiết lập tuyến tiếp tế đáng tin cậy cho các lực lượng Nga đang hoạt động tại khu vực Tây Phi.

Mục tiêu chiến lược của Nga

Căn cứ Matan al-Sarra là địa điểm mới nhất trong mạng lưới các căn cứ quân sự của Nga tại Libya, nơi diễn ra các hoạt động quân sự và vận chuyển vũ khí. Mạng lưới này còn bao gồm các căn cứ al-Khadim, al-Jufra, Brak al-Shati, al-Wigh, Tamanhint và al-Qardabiya. Vị trí chiến lược của Matan al-Sarra gần biên giới Ai Cập, Sudan và đặc biệt là Chad, mang lại lợi thế địa chính trị quan trọng cho Nga trong khu vực.

Căn cứ trên cũng nằm gần khu vực Kufra, một chuỗi các ốc đảo nhỏ có vị trí chiến lược. Hiện nay, Kufra đóng vai trò là điểm trung chuyển quan trọng cho người di cư bất hợp pháp từ châu Phi đến bờ biển Địa Trung Hải và châu Âu. Đông Nam Libya, bao gồm Kufra, hiện do Tướng Khalifa Haftar và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) kiểm soát.

Căn cứ rộng 6 km2 tại Matan al-Sarra sẽ cung cấp điểm dừng tiếp nhiên liệu cho máy bay Nga bay vào các khu vực Tây Phi nơi Quân đoàn châu Phi của Nga đang hoạt động. Vị trí địa lý đặc biệt quan trọng của căn cứ là nằm ngay phía Bắc biên giới Libya với Chad - mục tiêu mới nhất trong chiến lược ảnh hưởng của Nga kể từ khi quân đội Pháp và Mỹ đồn trú tại đó rút lui gần đây.

Nga bắt đầu chuyển lực lượng quân sự và nhà thầu Syria đến Matan al-Sarra vào tháng 12 năm ngoái. Họ tham gia cùng nhân viên Nga trong nỗ lực sửa chữa và tái thiết căn cứ bị bỏ hoang từ lâu này. Khu vực xung quanh căn cứ, tuyến tiếp tế từ Tobruk và đường đến Sudan được Tiểu đoàn Tariq bin Ziyad của LNA bảo vệ, dưới sự chỉ huy của Saddam Haftar, con trai của Tướng Haftar.

Vấn đề đáng chú ý là điều kiện phục vụ tại căn cứ này vô cùng khắc nghiệt với nhiệt độ cao hàng ngày trên 32 độ C trong sáu tháng mỗi năm và lượng mưa hàng năm gần như bằng không.

Sự hiện diện của Nga tại Matan al-Sarra sẽ cung cấp cho Moskva khả năng vận chuyển trang thiết bị đến lãnh thổ Sudan hoặc Chad một cách liên tục.

Các nhà thầu Nga cũng tham gia vào các hoạt động khai thác khoáng sản qua biên giới ở Darfur của Sudan để giúp tăng nguồn thu ngân sách hỗ trợ cho cuộc chiến ở Ukraine. Họ có thể tìm cách mở rộng sang khu vực Kalanga do Tubu kiểm soát ở chân núi Tibesti dọc biên giới với Chad.

Phản ứng của Mỹ

Bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Phi (AFRICOM) đã nỗ lực phát triển quan hệ với Tướng Haftar và khuyến khích thống nhất quân sự ở Libya, nhằm ngăn cản quan hệ đối tác của Libya với Nga. Vào cuối tháng 2 vừa qua, AFRICOM đã tiến hành các cuộc tập trận huấn luyện tại Libya có sự tham gia của máy bay ném bom B-52H Stratofortress và lực lượng quân sự đại diện cho cả hai chính phủ đối địch của Libya.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Tướng Haftar và Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yunus-Bek Yevkurov thường xuyên liên lạc và ngày càng nhiều binh sĩ Nga đồn trú tại căn cứ không quân Brak al-Shati ở miền Trung Libya.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/nga-tai-lap-can-cu-khong-quan-tai-libya-buoc-di-chien-luoc-giua-long-sahara-20250421223922997.htm
Zalo