Nga phô diễn tiêm kích MiG-35 tại 'sân sau' của Mỹ

Ngày 22/4, công ty xuất khẩu vũ khí hàng đầu của Nga Rosoboronexport thông báo sẽ tham gia Triển lãm công nghệ quốc phòng quốc tế SITDEF 2025, tổ chức tại thủ đô Lima của Peru.

Đây được xem là một bước đi chiến lược đầy táo bạo của Nga khi lựa chọn giới thiệu dòng tiêm kích MiG-35 tại khu vực Mỹ Latinh, nơi từ lâu được coi là "sân sau" của Mỹ.

Tiêm kích MiG-35 của Nga. (Nguồn: X)

Tiêm kích MiG-35 của Nga. (Nguồn: X)

Trong video quảng bá đăng tải trên mạng xã hội, Nga trình diễn loạt khí tài hiện đại, từ tiêm kích MiG-35, xe tăng T-90MS, pháo tự hành 2S40 Floks, hệ thống phòng không Pantsir-S1M, đến các tàu chiến như tàu hộ tống Project 22800E và tàu tấn công nhanh BK-16.

Peru, nước chủ nhà của SITDEF, là đối tác quân sự lâu năm của Nga, mối quan hệ khởi nguồn từ thời Liên Xô. Hiện nay, không quân Peru đang vận hành hơn 100 trực thăng Mi-8 và Mi-17 do Nga sản xuất, đưa nước này trở thành khách hàng trực thăng lớn nhất của Nga tại khu vực.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng hiện đại hóa quân đội Peru lại nghiêng dần về các dòng máy bay phương Tây. Một trong những ứng viên sáng giá là tiêm kích hạng nhẹ Saab Gripen, loại chiến đấu cơ đa nhiệm đạt chuẩn NATO, mang lại lợi thế về khả năng tương thích và hậu cần.

Việc Nga chọn trình diễn MiG-35, một dòng tiêm kích vẫn còn mờ nhạt trên thị trường quốc tế, tại một quốc gia có khuynh hướng nghiêng về phương Tây là một nước đi đáng chú ý.

MiG-35 là chiến đấu cơ thế hệ 4++ được phát triển từ khung thân của MiG-29, dòng máy bay nổi danh từ thời Chiến tranh Lạnh. Dù ra đời từ nền tảng cũ, MiG-35 lại được trang bị loạt cải tiến vượt trội như radar mảng pha Zhuk-AE có thể theo dõi cùng lúc 30 mục tiêu trong phạm vi hơn 190 km, động cơ đẩy vectơ giúp siêu cơ động, cùng hệ thống điện tử hàng không tiên tiến.

Máy bay này có thể mang nhiều loại vũ khí hiện đại, từ tên lửa không đối không R-77, tên lửa chống hạm Kh-31 đến bom dẫn đường chính xác – phù hợp cho các nhiệm vụ tác chiến đa dạng như không chiến, tấn công mặt đất và trinh sát.

Với mức giá khoảng 40 triệu USD, thấp hơn đáng kể so với các đối thủ phương Tây như Gripen hay F-16 (60–80 triệu USD), MiG-35 là lựa chọn hấp dẫn với những quốc gia có ngân sách quốc phòng hạn chế.

Ngoài ra, thiết kế mở giúp tích hợp vũ khí không thuộc Nga cũng là một điểm cộng đáng giá với các nước cần sự linh hoạt trong mua sắm quốc phòng.

Dù vậy, MiG-35 vẫn chưa ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế. Nga chỉ đặt mua với số lượng nhỏ, trong khi các khách hàng tiềm năng như Ai Cập và Ấn Độ lại chọn những dòng máy bay khác như Su-35 hay Rafale.

Ngược lại, Su-35, dòng máy bay chiến đấu hạng nặng, đã được xuất khẩu sang Trung Quốc và Iran, còn Su-57, tiêm kích tàng hình thế hệ 5, được Nga giới thiệu tại Triển lãm LAAD 2025 ở Brazil. Tuy nhiên, cả hai đều vấp phải những rào cản khi xuất khẩu: Su-57 liên quan đến công nghệ nhạy cảm, còn Su-35 đòi hỏi hệ thống hậu cần phức tạp và tốn kém.

Trong khi đó, MiG-35, với khung sườn quen thuộc của MiG-29, phù hợp hơn với những quốc gia từng sử dụng vũ khí Nga. Chi phí bảo trì thấp, dễ huấn luyện và chuyển đổi là những lợi thế rõ rệt, đặc biệt trong bối cảnh các nước Mỹ Latinh đang cần thay thế dàn máy bay cũ.

Rosoboronexport không phải là cái tên xa lạ với triển lãm SITDEF. Kể từ năm 2013, Nga đã đều đặn tham gia sự kiện này để giới thiệu vũ khí và thiết bị quân sự. Năm 2019, họ từng trưng bày mô hình MiG-29M, tiền thân của MiG-35, cùng hệ thống phòng không và trực thăng.

Đến SITDEF 2021, Nga ghi dấu ấn với hơn 300 sản phẩm, trong đó có cả MiG-35. Thế nhưng, năm 2023, sự hiện diện của Nga suy giảm do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt liên quan xung đột tại Ukraine.

Về chiến lược dài hạn, xuất khẩu vũ khí là cách Nga đối phó với khó khăn kinh tế do các biện pháp trừng phạt quốc tế. Mỹ Latinh, với nhu cầu hiện đại hóa và thay thế vũ khí cũ, là thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt khi nhiều nước như Peru vẫn đang sử dụng các tiêm kích MiG-29 từ thập niên 1990.

Dù Peru hiện thiên về lựa chọn Gripen, loại máy bay có lợi thế về khả năng tương tác với đồng minh phương Tây và chuỗi cung ứng châu Âu, MiG-35 vẫn có cơ hội nếu được đánh giá là giải pháp tiết kiệm và linh hoạt hơn.

Về mặt kỹ thuật, MiG-35 sử dụng động cơ RD-33MK với lực đẩy gần 20.000 pound mỗi chiếc, tốc độ tối đa Mach 2,25 và bán kính chiến đấu khoảng 1.000 km. Với 9 điểm treo, máy bay có thể mang đến 7 tấn vũ khí. Đặc biệt, hệ thống tìm kiếm hồng ngoại tích hợp giúp tấn công mục tiêu mà không cần bật radar, một lợi thế rõ rệt trong môi trường tác chiến điện tử.

So với Saab Gripen, dùng động cơ GE F414 và tải trọng nhỏ hơn, MiG-35 vượt trội về sức mạnh và hỏa lực nhưng lại kém hơn về khả năng kết nối và bảo trì. Còn nếu đặt cạnh JF-17 của Trung Quốc, vốn rẻ hơn nhưng kém linh hoạt và hỏa lực, MiG-35 là lựa chọn hấp dẫn cho các quốc gia ưu tiên hiệu suất chiến đấu và tính kinh tế.

Chiến lược của Nga không chỉ dừng lại ở việc bán vũ khí. Tại Triển lãm LAAD 2025 ở Brazil, Rosoboronexport còn hé lộ khả năng hợp tác sản xuất chung thiết bị quốc phòng, một mô hình có thể sớm được đề xuất với Peru trong tương lai gần.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nga-pho-dien-tiem-kich-mig-35-tai-san-sau-cua-my-169250423100920922.htm
Zalo