Nga phát triển vaccine Sputnik theo nhiều hướng khác nhau
Phóng viên TTXVN tại Nga mới đây đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Sinh học Denis Logunov - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya về vaccine ngừa COVID-19.
Ông Logunov là người phụ trách chính hoạt động phát triển vaccine Sputnik V tại Viện Gamaleya.
Về việc liệu Trung tâm Gamaleya có điều chỉnh vaccine Sputnik V để đối phó với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hay không, Tiến sĩ Logunov khẳng định hiện tất cả các doanh nghiệp bào chế vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới đều đi theo con đường giống nhau. Đó là phát triển vaccine trực tiếp từ các phiên bản của virus SARS-CoV-2 tại Anh, Nam Phi, Brazil, Delta và sự kết hợp giữa các biến thể này. Hiện chưa có quốc gia nào trên thế giới, cũng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép cho một phiên bản vaccine cập nhật. Trên thực tế, các nước đều đang đi theo hướng tiêm mũi tăng cường.
Đánh giá hiệu quả của vaccine Sputnik V, ông Logunov thừa nhận biến thể Delta đã thực sự làm giảm hiệu quả của vaccine Sputnik V. Nếu như trước đó vaccine này đạt hiệu quả hơn 90%, thì các số liệu cho thấy hiệu của của vaccine Sputnik V sau khi có biến thể Delta tại Nga là 83% và tại Hungary là 87%. Các số liệu này vẫn cao hơn mức khuyến cáo của WHO. Vì vậy, để duy trì khả năng miễn dịch cao, người dân cần đi tiêm mũi tăng cường thứ 3, và nên tiêm chủng lại 6 tháng sau khi hoàn tất toàn bộ chu trình tiêm chủng chính. Cũng theo ông Logunov, trong trường hợp hiệu quả của vaccine bị giảm đáng kể trước các biến thể mới, thì cần phải cập nhật vaccine Sputnik Light và Sputnik V. Trên nguyên tắc, dự kiến quá trình này sẽ mất khoảng 2-4 tháng.
Về hiệu quả của các loại vaccine ngừa COVID-19 đang được sử dụng, Tiến sĩ Logunov cho biết vaccine Sputnik V đã hiện diện tại 70 quốc gia trên thế giới, và đã có nhiều số liệu thực nghiệm để đánh giá hiệu quả các vaccine của Pfizer, Moderna, Sputnik và các vaccine của Trung Quốc. Kết quả thực nghiệm tại Nam Mỹ, đặc biệt là ở Argentina cho thấy vaccine Sputnik cho kết quả rất tốt khi kết hợp với vaccine khác. Nếu tiêm mũi một bằng vaccine của Pfizer, sau đó tiêm bổ sung vaccine Sputnik Light hay vaccine của Johnson & Johnson, kết quả cho thấy mức kháng thể cao hơn so với tiêm nhắc lại bằng vaccine của Pfizer. Trên cơ sở đó, Tiến sĩ Logunov khuyến nghị rằng việc tiêm kết hợp các vaccine là cách phòng ngừa tốt nhất, do hệ miễn dịch sẽ ghi nhớ được nhiều cấu trúc hơn. Trong khi vaccine mRNA có thể tạo ra một lượng kháng thể cao hơn, thì vaccine vector lại giúp tạo nên các hốc đặc biệt trong mô phổi, rất hữu hiệu để chống lây nhiễm.
Liên quan đến loại vaccine Sputnik V xịt mũi mà Nga đang thử nghiệm lâm sàng, ông cho biết loại vaccine này có thể xâm nhập hiệu quả vào các vòng hầu họng bạch huyết để hình thành phản ứng miễn dịch cục bộ, tạo ra một lớp bảo vệ hệ hô hấp trên- vốn là nơi virus thường xâm nhập đầu tiên. Hiện Viện Gamaleya cũng đi theo hướng phát triển một dạng vaccine Sputnik V và Sputnik Light dùng trong mũi để đóng cánh cổng lây nhiễm, bảo vệ những nơi thực sự có nhu cầu trong cơ thể. Ông dự báo trong tương lai các nhà sản xuất sẽ kết hợp nhiều loại vaccine với nhau và tìm ra những cách sử dụng mới.
Khi được hỏi về nguyên nhân tại sao những người đã tiêm phòng vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2, Tiến sĩ Logunov nhấn mạnh để đánh giá về tính hiệu quả của vaccine, cần phải dự trên trên một chuẩn mực nhất định. Khi so sánh mức độ mắc bệnh giữa những người đã tiêm chủng và những người chưa tiêm, thì vaccine mRNA và vaccine vector đều có hiệu quả trong ít nhất là nửa năm. Ông Logunov nêu rõ hiệu quả của vaccine có thể được đánh giá theo 4 cách, dương tính khi xét nghiệm PCR, theo các biểu hiện nhiễm bệnh, theo mức độ đổ bệnh và cuối cùng là theo tỷ lệ tử vong. Hiện tất cả các vaccine ngừa COVID-19 đều cho thấy chúng giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong. Thống kê cho thấy vaccine Sputnik V có hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm ở mức 86% tại Hungary và 83% tại Nga. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vaccine giúp giảm tỷ lệ tử vong tử vong từ 20-30 lần. Đây đều là những kết quả ấn tượng.
Ngoài ra, Tiến sĩ Logunov cho biết Sputnik V dạng xịt sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt khi hoàn các tất thử nghiệm lâm sàng cần thiết. Điểm mạnh của vaccine này là không cần phải tiêm, chỉ cần xịt vào mũi. Một số chuyên gia phát triển vaccine đã thử và thấy vaccine này đem lại khả năng kháng virus mạnh. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu xem loại vaccine này sẽ được dùng cho nhóm người nào.