Nga nhắm đến nguồn lithium của Bolivia với thỏa thuận gần 1 tỷ USD

Với trữ lượng lithium phong phú và một thỏa thuận gần một tỷ USD để xây dựng nhà máy lithium carbonate, Bolivia đang hy vọng sẽ khai thác tiềm năng của công nghệ khai thác trực tiếp lithium (DLE) tiên tiến.

Bolivia đã thực hiện một bước đi chiến lược khi hợp tác với Uranium One Group, một công ty con của tập đoàn nhà nước Nga Rosatom, với thỏa thuận trị giá gần một tỷ USD. Ảnh: TASS

Bolivia đã thực hiện một bước đi chiến lược khi hợp tác với Uranium One Group, một công ty con của tập đoàn nhà nước Nga Rosatom, với thỏa thuận trị giá gần một tỷ USD. Ảnh: TASS

Theo cổng phân tích thông tin của Azerbaijan News.Az ngày 20/9, Bolivia từ lâu đã mơ ước trở thành một cường quốc trên thị trường lithium toàn cầu nhờ vào trữ lượng lithium lớn của mình. Lithium là một nguyên liệu thiết yếu trong việc sản xuất pin xe điện và hệ thống lưu trữ năng lượng, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của thế giới.

Với nhu cầu về lithium ngày càng tăng cao, Bolivia đã thực hiện một bước đi chiến lược khi hợp tác với Uranium One Group, một công ty con của tập đoàn nhà nước Nga Rosatom, với thỏa thuận trị giá gần một tỷ USD.

Cụ thể, công ty Yacimientos de Litio Boliviano (YLB) của Bolivia mới đây đã ký thỏa thuận trị giá 976 triệu USD với Uranium One Group của Nga để xây dựng một cơ sở khai thác lithium trực tiếp (DLE) tại Salar de Uyuni – khu vực chứa lithium lớn nhất thế giới. Đây sẽ là nhà máy DLE đầu tiên ở Bolivia, với công suất ban đầu 1.000 tấn mỗi năm, sau đó tăng lên 14.000 tấn lithium đạt chuẩn cho pin mỗi năm.

Cơ sở DLE dự kiến hoạt động vào cuối năm 2025. Công ty Uranium One, cùng các đối tác Trung Quốc, đã được chọn để triển khai các nhà máy thí điểm. Tổng thống Bolivia Luis Arce cam kết công nghiệp hóa lithium, với mục tiêu xuất khẩu 50.000 tấn lithium mỗi năm, khẳng định Bolivia là nhà cung cấp lithium toàn cầu lớn nhất với nguồn tài nguyên lên đến 23 triệu tấn.

Dự án này không chỉ đáng chú ý bởi giá trị hợp đồng mà còn bởi công nghệ mà Nga mang đến: Khai thác trực tiếp lithium (DLE). Công nghệ này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt trong ngành khai thác lithium nhờ khả năng chiết xuất hơn 80% lượng lithium từ nguyên liệu thô, so với chỉ 12% từ các phương pháp truyền thống. DLE cũng sử dụng ít hóa chất hơn, giảm thiểu tác động đến môi trường, và hứa hẹn sẽ làm cho quá trình khai thác trở nên “xanh” hơn.

Một số thách thức

Tuy nhiên, có nhiều hoài nghi về tính khả thi của công nghệ này. Mặc dù DLE được ca ngợi là một bước tiến vượt bậc, nhưng nó vẫn chưa được thử nghiệm trên quy mô lớn trong thực tế. Bolivia với địa lý và môi trường phức tạp có thể sẽ là một thách thức đối với việc áp dụng công nghệ này. Sự khác biệt về điều kiện địa chất, cùng với các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, có thể làm giảm hiệu quả của công nghệ mới.

Ngoài thách thức về công nghệ, bối cảnh chính trị của Bolivia cũng góp phần làm phức tạp thêm tình hình. Nước này đã trải qua nhiều năm bất ổn chính trị và chia rẽ, khiến cho các dự án lớn như khai thác lithium gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai. Với cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào năm 2025, có lo ngại rằng các dự án hiện tại, bao gồm cả thỏa thuận với Uranium One, có thể bị chậm lại hoặc bị sa lầy trong các tranh cãi chính trị.

Bên cạnh đó, Bolivia cũng nổi tiếng với bộ máy quan liêu phức tạp và các quy định môi trường nghiêm ngặt. Đối với các công ty nước ngoài như Uranium One, việc điều hướng hệ thống hành chính phức tạp này không phải là điều dễ dàng. Những rào cản này có thể làm chậm đáng kể tiến độ của dự án và đe dọa đến khả năng thành công của Bolivia trên thị trường lithium toàn cầu.

Mặc dù Bolivia có tiềm năng lớn, nhưng nước này không phải là quốc gia duy nhất đang tìm cách khai thác nguồn tài nguyên lithium. Các quốc gia khác như Trung Quốc, Australia và Argentina đều đang đầu tư mạnh mẽ vào các dự án khai thác lithium của riêng mình. Thị trường lithium toàn cầu đang trở nên cạnh tranh khốc liệt, và Bolivia cần phải vượt qua nhiều thách thức để chiếm lĩnh thị phần này.

Như vậy, việc khai thác lithium không chỉ đòi hỏi công nghệ tiên tiến mà còn cần một hạ tầng phát triển và ổn định chính trị. Bolivia hiện đang thiếu một số yếu tố quan trọng như hệ thống giao thông vận tải hiện đại và sự ổn định kinh tế, điều này có thể khiến cho việc cạnh tranh với các quốc gia khác trở nên khó khăn hơn.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo news.az)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nga-nham-den-nguon-lithium-cua-bolivia-voi-thoa-thuan-gan-1-ty-usd-20240922113446573.htm
Zalo